|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một doanh nghiệp dệt may bốc hơi 64% vốn hoá sau 13 ngày cổ phiếu lao dốc, hậu quả của thương chiến Mỹ - Trung đã khủng khiếp đến vậy?

13:28 | 04/09/2019
Chia sẻ
Vốn hoá của một trong 3 công ty hàng đầu chuyên sản xuất sợi phục vụ cho ngành dệt may tại Việt Nam đã bốc hơi 64% do thua lỗ trong 6 tháng đầu năm.

Cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) đã có phiên giảm sàn thứ 13 liên tiếp, kéo theo giá trị vốn hoá của công ty chuyên sản xuất sợi cotton phục vụ cho ngành dệt may hàng đầu tại Phía Bắc "bốc hơi" 64%, chỉ còn lại 470 tỉ đồng.

Lợi nhuận giảm sâu do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Ngày 19/8, văn bản giải trình về kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính xoát xét bán niên năm 2019 thấp hơn so với cùng kì năm 2018 của lãnh đạo công ty được công bố trên HOSE.

Theo ông Đỗ Văn Sinh, Tổng Giám đốc Đức Quân cho biết, do tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tới nền kinh thế giới nói chung và tới ngành nghề kinh doanh của công ty nói riêng.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu chủ lực của công ty là Trung Quốc, chiếm 72% sản lượng tiêu thụ đã làm cho doanh thu của công ty sụt giam do sản lượng tiêu thụ và giá bán của công ty giảm mạnh so với cùng kì.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng xuất khẩu của Đức Quân đạt 2.816 tấn, giảm 1.039 tấn tương đương giảm 27%. Trong khi đó, giá bán sợi còn giảm mạnh trong quý II/2019. Trong khi đó, chi phí nguyên vật liệu chính không giảm tương ứng đã khiến lợi nhuận công ty giảm mạnh.

"Nếu như năm 2019, đơn giá 1kg sợi ổn định và duy trì từ 3,02 USD – 3,2 USD thì quí II/2019, đơn giá biến động bất thường và có chiều hướng đi xuống. Giá bán cao nhất là 2.85 USD và giảm dần xuống 2,58 USD/kg", ông Sinh cho biết.

duc quan

Dây chuyền sản xuất sợi Cotton cung cấp cho ngành may mặc (ảnh: Đức Quân)

Theo ông Sinh, giá bông tồn kho cũng như những đơn hàng đã đặt có giá cao trung bình từ 1,96 USD làm chi phí giá vốn của công ty không giảm, dù giá bông vào cuối quí II giảm xuống 1,76 USD thì công ty cũng có thể đảm bảo được mức lợi nhuận gộp công ty dương để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Đức Quân đạt 450 tỷ đồng doanh thu, giảm 41 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp giảm mạnh từ mức 68 tỉ đồng cùng kì năm trước xuống còn 10,2 tỷ đồng.

Trong kì, Đức Quân đã tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lí đáng kể. Song, do công ty phải chịu lãi vay 33 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kì năm trước nên công ty bị lỗ 31 tỷ đồng so với khoản lợi nhuận 28 tỉ đồng của cùng kì năm trước.

Tại ngày 30/6, tổng nguồn vốn của Đức Quân 1.728 tỉ đồng, trong đó bao gồm 477 tỉ đồng nợ vay ngắn hạn và 243 tỉ đồng nợ dài hạn. Trong khi đó, hàng tồn kho đã tăng mạnh lên 368 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với đầu năm.

Trung Quốc, thị trường lớn nhất chiếm tới 72% sản lượng tiêu thụ của Đức Quân đang "lâm nguy" bởi chiến tranh thương mại. Theo SCMP, trung tâm dệt may hàng đầu ở Trung Quốc là thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô đang rơi vào khủng hoảng khi các công ty dệt may phải đóng cửa hàng loạt.

Chiến tranh thương mại đã tác động đến ít nhất 770 công ty xuất khẩu ở quận Ngô Giang của Tô Châu. Trong đó, 541 công ty có các sản phẩm nằm trong danh sách 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế 10% từ tháng 9/2018 và 25% từ tháng 5/2019.

Từ tháng 6, Suzhou Jinzhu, một công ty may mặc ở Tô Châu, thủ phủ của ngành dệt Trung Quốc cho biết vẫn chưa nhận được bất cứ đơn hàng nào, và cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là nguyên nhân chính cho tình trạng này.

"Ngành dệt Trung Quốc đang phải đối mặt với một tình huống chưa từng có, khiến hoạt động sản xuất và kinh doanh của chúng tôi ngày càng trở nên khó khăn", SCMP dẫn lời đại diện công ty Suzhou Jinzhu cho hay.

Còn nguyên nhân nào khác?

Cổ phiếu FTM đang giảm sâu một cách bất thường khiến các cổ đông nhỏ lẻ hết mực lo lắng nhưng đến nay Đức Quân không hề có thông báo nào giải trình vấn đề này cho các cổ đông dù theo quy định, cổ phiếu tăng trần/giảm sàn 10 phiên liên tiếp thì doanh nghiệp bắt buộc phải giải trình.

FTM

Cổ phiếu FTM giảm sàn phiên thứ 13 liên tục (nguồn: Fireant)

Trước đó, năm 2015, Fortex tiến hành tăng vốn điều lệ từ 150 tỉ đồng lên 500 tỉ đồng. Qua đó, nâng tổng công suất lên 12.000 tấn/năm, tổng số cọc sản xuất sợi nâng lên 70.030 cọc và trở thành một trong 3 nhà sản xuất sợi Cotton lớn nhất tại Việt Nam.

50 triệu cổ phiếu FTM được đưa lên niêm yết trên sàn HOSE kể từ tháng 2/2017 đã không gây ấn tượng gì cho nhà đầu tư. Mãi đến đầu năm 2019, trong bối cảnh kinh doanh bết bát, cổ phiếu FTM bất ngờ tạo sóng và tăng mạnh một mạch hơn 50% lên mức gần 25.000 đồng/cp trước khi lao dốc 13 phiên sàn liên tiếp vừa qua.

Giữa tháng 5, doanh nghiệp này công bố nghị quyết HĐQT thông qua phương án phát hành 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó nâng vốn điều lệ lên 881 tỉ đồng.

Theo đó, một cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu FTM được quyền mua thêm 3 cổ phiếu mới với mức giá phát hành là 10.000 đồng/cp. Thời gian dự kiến thực hiện trong quý II/2019 và quý III/2019.

Mục đích sử dụng vốn được công bố là nhằm bổ sung vốn lưu động 50 tỉ đồng, 250 tỉ đồng còn lại phục vụ cho hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) các công ty hoạt động cùng ngành nghề hoặc mua cổ phần chi phối các công ty cùng ngành nghề để tăng năng lực sản xuất.

Tuy nhiên, với việc cổ phiếu FTM lao dốc bất thường hiện nay đang để lại nhiều dấu hỏi lớn về trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp. Nhiều cổ đông đã câu hỏi đặt ra là lãnh đạo doanh nghiệp ở đâu khi giá cổ phiếu giảm sâu?

Một Trưởng phòng môi giới tại công ty chứng khoán cho rằng, không loại trừ khả năng cổ phiếu FTM đã được một số cổ đông lớn tại công ty dùng để kí quỹ margin, tạo thanh khoản tại các công ty chứng khoán trước khi bán ào ạt ra bên ngoài.


Hoàng Trung