|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một doanh nghiệp BĐS trên UPCoM ngừng kinh doanh do hết tiền

06:00 | 16/11/2023
Chia sẻ
Đầu tư PVR Hà Nội (Mã: PVR) sẽ ngưng hoạt động một năm, bắt đầu từ 15/11/2023. Nguyên nhân là công ty không có kinh phí hoạt động.

Theo giải trình mới đây về việc cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, HĐQT Đầu tư PVR Hà Nội cho biết ngày 31/10 đã ban hành quyết định về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh của công ty từ ngày 15/11/2023 đến 14/11/2024. Nguyên nhân là công ty bị phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của tòa án khiến năm 2023 và dự kiến năm 2024 không có kinh phí hoạt động.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 đã đồng ý cho phép công ty ngừng hoạt động 12 tháng để có thời gian xem xét, tìm kiếm giải pháp, phương hướng tài chính để có thể hoạt động trở lại.

Theo giới thiệu, PVR là một thành viên thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Đơn vị này được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 11/2006 trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản, dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp…

Các lĩnh vực hoạt động của PVR. Nguồn: PVR.

Kết quả 9 tháng đầu năm nay, công ty không có doanh thu, khoản lãi sau thuế 1,4 tỷ đồng đến từ việc hoàn nhập chi phí tài chính. Lỗ sau thuế chưa phân phối tính đến 30/9 gần 79 tỷ đồng.

Công ty cũng đưa ra giải trình về 6 ý kiến ngoại trừ của kiểm toán tại báo cáo tài chính (BCTC) năm 2022.

Thứ nhất, tại thời điểm lập BCTC năm 2022, công ty chưa thu thâp được BCTC của CTCP Đầu tư phát triển Bình An, vì vậy không có cơ sở để trích lập dự phòng cho khoản đầu tư.

Thứ hai, công ty chưa kịp thu thập BCTC của CTCP Đầu tư Xây lắp Dầu khí Việt Nam và CTCP Khách sạn Dầu khí Lam Kinh. Vì vây PVR căn cứ cơ sở để trích lập dự phòng cho 2 khoản đầu tư này là số liệu lần lượt tại thời điểm 31/12/2019 và 31/12/2021.

Thứ ba, tại BCTC năm 2022, công ty chưa thể đánh giá được một cách chính xác hiệu quả đầu tư của dự án CT10-11 Văn Phú do các thông tin tính toán theo thị trường hiện tại chưa đầy đủ và có thể còn biến động. Vì vậy, PVR không có căn cứ để trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Thứ 4, đối với khoản công nợ phải thu và công nợ phải trả, các khoản đầu tư tài chính đã được gửi công văn và thư xác nhận cho khác hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều khoản công nợ công ty chưa nhận được thư xác nhận đầy đủ. PVR sẽ sớm bổ sung và cung cấp cho kiểm toán viên.

Thứ 5, đối với khoản công nợ theo dõi trên khoản phải trả ngắn hạn khác liên quan đến dự án Văn Phú, theo các hợp đồng ký kết với khách hàng thì đây là các khoản tiền nhận góp vốn theo tiến độ dự án. Khoản tiền này sẽ được chuyển thành khoản trả trước của người mua khi khách hàng đồng ý ký kết hợp đồng mua bán với công ty.

Tuy nhiên, do hiện nay dự án đang bi chậm tiến độ, một số khách hàng muốn thu hồi lại khoản góp vốn này. Do vậy, PVR chưa thực hiện xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với toàn bộ số tiền khách hàng thực hiện góp vốn vào dự án. Công ty nhận định điều này phù hợp với quy định của hợp đồng và pháp luật.

Thứ 6, đối với dự án khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên, ngày 20/7/2019, PVR nhận được văn bản của Sở Kế hoạch Hà Nội về việc chấm dứt hoạt động của dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Hiện công ty đang dừng mọi hoạt động liên quan dự án.

Trên sàn UPCoM, cổ phiếu PVR kết phiên 15/11 tại 1.100 đồng, giảm 31% qua 1 năm. Khối lượng giao dịch bình quân khoảng 11.000 đơn vị mỗi phiên.

Lai Phong

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.