Một cổ phiếu họ Licogi tăng hơn 290% sau 11 phiên
Cổ phiếu tăng 290% sau 11 phiên
Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu L12 của CTCP Licogi 12 trở thành tâm điểm của thị trường với chuỗi 11 phiên tăng liên tiếp, trong đó, có đến 9 phiên tăng kịch trần.
Đóng cửa phiên 12/11, giá cổ phiếu L12 tạm dừng ở 24.700 đồng/cp, tăng 290% so với thời điểm bắt đầu nhịp tăng ngày 29/10. So với mức giá đầu năm, thị giá hiện tại của L12 thậm chí tăng gấp 5,3 lần.
Đi cùng với đà tăng giá mạnh, cổ phiếu L12 cũng có sự cải thiện về thanh khoản với khối lượng giao dịch trung bình mỗi ngày đạt hơn 19.000 đơn vị. Phiên 9/11 ghi nhận 56.100 cổ phiếu L12 được mua - bán, là mức cao nhất trong lịch sử giao dịch của cổ phiếu này. Giai đoạn trước đó, mã chứng khoán này gần như không có giao dịch.
Không chỉ riêng L12, các cổ phiếu khác "họ" Licogi cũng thu hút dòng tiền lớn của nhà đầu tư trong thời gian gần đây.
Nổi bật là cổ phiếu L14 của CTCP Licogi 14 với mức tăng giá phi mã gấp 5,2 lần kể từ đầu năm, từ quanh vùng 53.000 đồng/cp lên đến 280.000 đồng/cp. Tính đến hết phiên 12/11, L14 là cổ phiếu có thị giá cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Có phần khiêm tốn hơn, cổ phiếu LCG của CTCP Licogi 16 mới xuất hiện đà tăng mạnh trở lại kể từ giữa tháng 7 sau khi liên tục biến động trong nửa đầu năm. Với mức tăng gần 100% sau 4 tháng, cổ phiếu LCG hiện đang giao dịch quanh vùng giá đỉnh lịch sử 19.100 đồng/cp.
Ai đang ở hữu cổ phần tại Licogi 12?
Tiền thân của Licogi 12 là Xí nghiệp thi công cơ giới số 12 tại Hòa Bình, thành lập năm 1981 với nhiệm vụ chính là tham gia thi công các hạng mục chính của nhà máy thủy điện Hòa Bình. Sau 40 năm hoạt động, hiện Licogi 12 đang có số vốn điều lệ 70 tỷ đồng và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thi công cơ giới và xử lý nền móng.
Theo tìm hiểu, tính đến ngày 8/4, có 5 cổ đông lớn sở hữu trên 5% cổ phần tại L12, với tổng tỷ lệ nắm giữ đạt 50,2%.
Trong đó, chiếm tỷ lệ lớn nhất với 23,3% là ông Dương Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty. Bà Phạm Thị Bích Thủy, vợ ông Quang đang nắm giữ 5,5%. Như vậy, chỉ riêng vợ chồng ông Quang đã nắm giữ hơn 2 triệu cổ phiếu L12, tương đương 28,7% vốn cổ phần.
Bên cạnh đó, hai cổ đông cá nhân khác là ông Dương Xuân Tứ, Tổng Giám đốc đang nắm giữ 7,8% và ông Hoàng Minh Tuấn (sở hữu 5,1%).
Cổ đông tổ chức lớn duy nhất tại Licogi 12 là Tổng công ty LICOGI - CTCP hiện đang sở hữu 8,5% vốn cổ phần, tương đương 596.700 cổ phiếu.
Hiện L12 có hai công ty liên kết là CTCP Licogi 12.1 hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng (bê tông thương phẩm, đá xây dựng...) với tỷ lệ sở hữu 36,3%, tương ứng giá trị đầu tư 31,1 tỷ đồng và CTCP Licogi 12.6 chuyên chế tạo sản phẩm cơ khí, máy móc thiết bị xây dựng (tỷ lệ 30%, tương ứng 1,5 tỷ đồng).
Kết quả kinh doanh 2020 không nổi bật, biên lãi gộp mỏng
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, Licogi 12 ghi nhận doanh thu thuần đạt 253,8 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,8% so với 2019. Giá vốn cũng tăng tương ứng khiến lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh gần như tương đương với năm trước, ở mức hơn 27 tỷ đồng. Ghi nhận trong 2 năm gần nhất, biên lợi nhuận gộp của Licogi khá khiêm tốn khi chỉ ở mức 10% doanh thu thuần.
Mặc dù giảm hơn 3 tỷ đồng chi phí lãi tiền vay trong năm 2020, khoản thu nhập khác lại giảm hơn 3 tỷ đồng so với năm trước đó khiến lợi nhuận công ty gần như không biến động nhiều. Trừ đi các chi phí, Licogi 12 báo lãi ròng 3,6 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 0,44% so với kết quả đạt được năm 2019.
Tuy vậy so sánh với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt là 300 tỷ đồng và 3,8 tỷ đồng, L12 chưa hoàn thành mục tiêu khi mới thực hiện được 84,46% kế hoạch doanh thu và 95,87% mục tiêu lợi nhuận.
Theo lý giải, nguyên nhân là do công ty chưa có thêm nhiều công trình mới với giá trị lớn mà chủ yếu thi công các công trình còn dở dang từ năm trước. Bên cạnh đó, do thị trường việc làm ít, có nhiều công ty cạnh tranh dẫn đến giá trị trường thấp trong khi giá thành sản phẩm của Licogi 12 tương đối cao nên khó cạnh tranh với các nhà thầu khác.
Tại thời điểm 31/12/2020, Licogi 12 có tổng tài sản 337 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu nằm ở các khoản phải thu khách hàng với 119 tỷ đồng, chiếm tới 35% tổng tài sản. Số dư dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 21,4 tỷ đồng tương ứng với thời điểm đầu năm.
Năm 2021, Licogi 12 đặt kế hoạch doanh thu 386 tỷ đồng và lãi sau thuế 5,1 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 52% và 41% so với thực hiện năm 2020.
Có thể thấy hoạt động kinh doanh không có nhiều nổi bật để hỗ trợ cho đà tăng giá của cổ phiếu. Tuy vậy trên thị trường, thị giá cổ phiếu L12 đã chứng kiến đà tăng mạnh bất chấp việc vắng bóng các thông tin hỗ trợ.