|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Moody’s xếp hạng tín nhiệm B1, triển vọng tích cực cho TPBank

14:15 | 29/08/2022
Chia sẻ
Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1 và triển vọng tích cực cho TPBank theo báo cáo mới nhất. Đây là mức xếp hạng cao của Moody’s và chỉ có 5 ngân hàng TMCP tại Việt Nam đạt được xếp hạng này trong kỳ đánh giá năm nay.

 Moody’s xếp hạng tín nhiệm B1, triển vọng tích cực cho TPBank. (Ảnh: TPBank).

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) vừa công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1, triển vọng tích cực cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Cụ thể, Moody’s giữ nguyên xếp hạng rủi ro đối tác của TPBank ở mức Ba3 – mức cao nhất trong bảng xếp hạng của đơn vị này với hệ thống ngân hàng tại Việt Nam; xếp hạng tín dụng cơ sở, tiền gửi dài hạn và nhà phát hành dài hạn ở mức B1.

Đây là mức xếp hạng cao của Moody’s và chỉ có 5 ngân hàng TMCP tại Việt Nam đạt được trong kỳ đánh giá năm nay. Trong bối cảnh lạm phát ngày càng cao ảnh hưởng tới nền kinh tế, việc Moody’s duy trì mức xếp hạng tín nhiệm với TPBank cho thấy ngân hàng có nền tảng tài chính vững mạnh, kiểm soát tốt rủi ro với những cải thiện liên tục và triển vọng phát triển dài hạn ổn định.

Theo Moody’s, mức xếp hạng tín nhiệm tích cực này phản ánh sự cải thiện bền vững về vị thế vốn của TPBank với chất lượng tài sản và khả năng sinh lời ổn định. Hãng xếp hạng cũng có những đánh giá tích cực về chất lượng tín dụng của ngân hàng như chất lượng tài sản mạnh mẽ và bảo hiểm tổn thất khoản vay phù hợp, mức độ thanh khoản cao cũng như kỳ vọng chất lượng tài sản của ngân hàng sẽ cải thiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.

“Chúng tôi kỳ vọng NIM sẽ cải thiện dần khi ngân hàng tái cho vay với lãi suất cao hơn và thoát khỏi các khoản vay được tái cơ cấu, phù hợp với sự phục hồi kinh tế của Việt Nam và khả năng sinh lời của TPBank sẽ cải thiện trong khoảng 12-18 tháng tới”, đại diện Moody’s nhận định. Bên cạnh đó, Moody’s cũng kỳ vọng TPBank sẽ tiếp tục tập trung vào mảng cho vay bán lẻ bằng cách khai thác thị trường đại chúng, bên cạnh thị trường khách hàng trẻ mà ngân hàng này vẫn đang tập trung hướng tới.

Theo công bố mới nhất của Forbes, TPBank là một trong 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất năm 2022 và thuộc top 7 ngân hàng niêm yết hàng đầu Việt Nam. Để có được kết quả này, TPBank đã xây dựng bộ đệm vững chắc về nội lực, thiết lập đà tăng trưởng bền vững, tăng trưởng mạnh về quy mô vốn, duy trì các chỉ số an toàn và hiệu quả hoạt động nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường.

Theo báo cáo tài chính, 6 tháng đầu năm, tổng tài sản của TPBank đạt hơn 310 nghìn tỷ đồng, hoàn thành gần 89% kế hoạch mục tiêu. Sự bứt phá về lợi nhuận trong quý II đã đưa lợi nhuận lũy kế đến hết 30/6/2022 đạt 3.788 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Chất lượng tài sản duy trì ổn định với tỷ lệ nợ xấu 0,85% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu 162% cuối quý II. TPBank cũng tiếp tục xử lý mạnh tay các khoản nợ xấu với 1.095 tỷ đồng. Với kết quả trên, TPBank nằm trong top 5 ngân hàng có chất lượng tài sản tốt với tỷ lệ nợ xấu thấp nhất và top 6 tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất.

Sớm nhận thấy tầm quan trọng của việc quản trị rủi ro, TPBank đã có sự chuẩn bị và đi trước một bước trong công tác quản trị rủi ro, đến hiện tại TPBank đã hoàn toàn tuân thủ chuẩn mực Basel III, cao hơn một bậc so với yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. TPBank cũng là ngân hàng đi đầu trong việc triển khai áp dụng lập và trình bày báo cáo tài chính theo Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS9.

Tại báo cáo phân tích mới nhất về TPBank của VnDirect, công ty chứng khoán này nhận định: ''Áp lực lạm phát và việc giám sát thị trường vốn đã gây ra lo ngại về triển vọng ngành ngân hàng trong vài tháng qua. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cho rằng TPBank vẫn sẽ duy trì nền tảng cơ bản vững chắc với tốc độ tăng trưởng và khả năng sinh lời tốt trong ba năm tới (ROE từ 20-21% giai đoạn 2022-2024); và P/B dự phóng 2022 của ngân hàng hiện đang là 1,4 lần, phản ánh mức định giá đang hấp dẫn với mức giá khuyến nghị cổ phiếu TPB đạt 38.500 VND.''

Dự báo về triển vọng, VnDirect cho rằng TPBank là một trong những ngân hàng dẫn đầu xu hướng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam nhờ vào (i) chiến lược tập trung vào các sản phẩm cho vay bán lẻ, vốn có mức thâm nhập thấp tại Việt Nam, và đặc biệt là (ii) ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số với lợi thế cạnh tranh mạnh thông qua thủ tục cho vay đơn giản và tinh gọn. Điều này giúp ngân hàng mở rộng tệp khách hàng trẻ tiềm năng và tăng trưởng huy động tiền gửi trong 3 năm tới.

Bích Thu