|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Moody's nâng đánh giá triển vọng của Việt Nam từ 'tiêu cực' lên 'tích cực'

17:56 | 18/03/2021
Chia sẻ
Moody's giữ nguyên xếp hạng tín dụng của Việt Nam ở mức Ba3 nhưng thay đổi triển vọng từ "tiêu cực" thành "tích cực".
Moody's nâng triển vọng của Việt Nam từ 'tiêu cực' lên 'tích cực' - Ảnh 1.

Người dân Việt Nam treo cờ Tổ quốc trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. (Ảnh: Song Ngọc).

Hôm nay 18/3, công ty định hạng tín nhiệm Moody's đã quyết định giữ nguyên đánh giá tín dụng dài hạn, không bảo đảm của Chính phủ Việt Nam ở mức Ba3 và nâng triển vọng lên "tích cực".

Lần gần đây nhất Moody's đánh giá tín nhiệm Việt Nam là vào tháng 12/2019 với kết quả xếp hạng Ba3 và triển vọng "tiêu cực". Ba3 là mức xếp hạng cao thứ 13 trong tổng số 21 bậc đánh giá của Moody's.

Thông thường, Moody's sẽ điều chỉnh đánh giá triển vọng từ "tiêu cực" lên "ổn định", sau đó mới lên "tích cực". Theo Bộ Tài chính, đây là lần đầu tiên kể từ khi COVID-19 bùng phát có một quốc gia được nâng hai bậc triển vọng từ "tiêu cực" thẳng lên "tích cực".

Theo Moody's, những động lực chính giúp Việt Nam đạt triển vọng tích cực là các dấu hiệu về nâng cao sức mạnh tài khóa và tiềm năng cải thiện nền kinh tế có thể giúp nước ta cải tiến năng lực tín dụng trong tương lai.

Trong năm qua, Việt Nam đã liên tục giảm thâm hụt ngân sách hạn chế nợ công. Tuy nỗ lực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 nhưng Moody's cho rằng sự gián đoạn chỉ là tạm thời.

Ngoài ra, Việt Nam còn có thể được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch sản xuất, thương mại, và tiêu thụ trên toàn cầu sau đại dịch. Theo thời gian, sức mạnh tài khóa và kinh tế được nâng cao sẽ giúp cải thiện hiệu quả chính sách cũng như hồ sơ tín dụng của Việt Nam.

Moody's nâng triển vọng của Việt Nam từ 'tiêu cực' lên 'tích cực' - Ảnh 2.

Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm COVID thứ nhất. (Nguồn: Song Ngọc tổng hợp từ Tổng cục Thống kê).

Moody's ước tính tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam tăng nhẹ lên mức 39% vào năm 2020 do đại dịch vừa làm giảm nguồn thu vừa tăng nhu cầu chi. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ này vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác và được dự báo sẽ giảm dần trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, Moody's cho rằng những nhân tố khiến Việt Nam bị đánh giá triển vọng tiêu cực vào tháng 12/2019 đã suy yếu dần, cụ thể là các vấn đề hành chính từng khiến cho việc thanh toán nợ được chính phủ bảo lãnh bị chậm. 

Theo Moody's, Chính phủ Việt Nam đã tăng cường giám sát hành chính đối với các khoản thanh toán trong tương lai, đảm bảo chuẩn bị đủ nguồn tiền để đáp ứng mọi nghĩa vụ nợ khi đến hạn. 

Việt Nam cũng được cho là có một nền kinh tế lớn và đa dạng, tiềm năng tăng trưởng cao và có khả năng chống chịu tốt với các cú sốc. Hệ thống tài chính trong nước ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của Chính phủ với chi phí thấp.

Ngược lại, các điểm yếu của nước ta là tình trạng quản trị thiếu minh bạch đối với các doanh nghiệp nhà nước và những rủi ro tiềm tàng trong hệ thống ngân hàng.

Lĩnh vực xuất khẩu mạnh mẽ và dòng vốn đầu tư chảy vào là những bệ đỡ kinh tế đáng kể. Tính đến tháng 9/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tích lũy được khối dự trữ ngoại hối kỷ lục 89 tỷ USD, đồng thời duy trì mức độ biến động của tỷ giá đồng Việt Nam trong khoảng 3%.

Các chính sách thu hút đầu tư đã đem về dòng vốn FDI cao, đồng thời giúp Việt Nam hội nhập thương mại tốt hơn với thế giới, cải thiện hoạt động xuất khẩu. Những căng thẳng địa chính trị liên quan tới xu hướng bảo hộ thương mại và tranh chấp trên Biển Đông có thể là những thách thức đối với nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu của Việt Nam.

Song Ngọc