Mỗi quốc gia một toan tính sau khi Mỹ rút khỏi TPP
Hôm qua, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định này được Mỹ ký năm ngoái, dưới thời ông Barack Obama, cùng 11 nước khác với tổng GDP lên tới 40% toàn cầu.
TPP chỉ có thể có hiệu lực nếu được ít nhất 6 nước phê chuẩn trước tháng 2/2018. Các nước này phải đóng góp ít nhất 85% GDP trong khối. Vì vậy, cả Mỹ và Nhật Bản đều sẽ phải phê chuẩn TPP.
Với việc ông Trump rút khỏi TPP, hiệp định này đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Dù vậy, nhiều quốc gia vẫn giữ hy vọng.
Thủ tướng Shinzo Abe vẫn muốn thuyết phục ông Donald Trump. Ảnh: Reuters
Trong một phiên họp tại Quốc hội hôm qua, Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe cho biết ông vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của ông Trump và hy vọng tiếp tục nói chuyện với Mỹ về vấn đề thương mại tự do. "Tôi tin rằng Tổng thống Trump hiểu rõ tầm quan trọng của thương mại tự do và công bằng. Vì thế, tôi muốn tiếp tục thuyết phục ông ấy về tầm quan trọng kinh tế và chiến lược của TPP", ông cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản - Taro Aso hôm qua cũng nhắc lại lập trường này và tiết lộ đã lên kế hoạch để ông Abe sang Mỹ gặp Tổng thống Trump. Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản - Hiroshige Seko thì khẳng định sẽ theo dõi sát sao những thay đổi với Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) để đánh giá việc này sẽ ảnh hưởng thế nào đến các công ty Nhật Bản.
Trong khi đó, Australia vẫn hy vọng vào "TPP -1" để cứu hiệp định này. Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Steve Ciobo đã bàn bạc vấn đề này tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ). Ông cho biết Australia sẽ không từ bỏ TPP khi nó cần "một ít nỗ lực nữa" để tồn tại.
Hôm qua, ông cũng trả lời trên ABC rằng: "Tôi đã nói chuyện với Canada, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Malaysia. Tôi biết cả Chile và Peru cũng có những cuộc nói chuyện thế này rồi. Tức là khá nhiều quốc gia đang quan tâm liệu TPP - 1 có khả thi hay không".
Ông Ciobo cũng cho biết cấu trúc ban đầu của TPP được thiết kế để các quốc gia khác cũng tham gia nữa. "Tôi biết chắc chắn rằng Indonesia đã bày tỏ sự quan tâm. Trung Quốc cũng có khả năng nữa, nếu có thể điều chỉnh lại theo mô hình TPP - 1".
Bộ trưởng Thương mại New Zealand - Todd McClay thì cho biết đã nói chuyện với một số bộ trưởng các nước TPP tại WEF tuần trước. Ông hy vọng họ có thể gặp nhau trong vài tháng tới "để cân nhắc bước đi tiếp theo". "Hiệp định này vẫn có giá trị như một hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước thành viên khác", ông cho biết. TPP là FTA đầu tiên của New Zealand với Nhật Bản, Canada, Mexico và Peru.
Đại diện các nước tham gia TPP tại APEC năm ngoái. Ảnh: Reuters
Bên lề WEF tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Canada - Francois-Philippe Champagne cho biết sẽ cùng các nước thành viên TPP cân nhắc mọi lựa chọn, kể cả việc cứu vãn bằng một thỏa thuận mới mà không có sự tham gia của Mỹ. Trước khi ông Trump có động thái chính thức liên quan đến TPP, Canada vẫn giữ lập trường đứng ngoài quan sát, chưa ra quyết định cho đến khi Mỹ trả lời được câu hỏi có tham gia hay không.
Trên The Star hôm qua, Bộ trưởng Nhập cư Canada - John McCallum không bình luận trực tiếp về việc ông Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP. Ông chỉ cho biết Thủ tướng Justin Trudeau cùng nội các đang tập trung đảm bảo quan hệ thương mại "cực kỳ quan trọng" giữa Mỹ và Canada.
Singapore - một trong những nước có khả năng thiệt hại lớn nhất khi thương mại toàn cầu đi xuống, cũng ra tín hiệu sẽ thúc đẩy việc thực thi TPP, kể cả không có Mỹ. "Họ cho rằng dù sao có TPP yếu vẫn còn tốt hơn là không có", Eugene Tan - giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore nhận xét trên Business Times.
Ahmad Maslan - Thứ trưởng Thương mại Malaysia cho biết nếu TPP thất bại, thương mại của Malaysia sẽ không ảnh hưởng nhiều. Vì họ còn có các lựa chọn khác, như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Với việc Trung Quốc và Ấn Độ tham gia vào RCEP, hiệp định này có thể giúp các thành viên tiếp cận thị trường lớn hơn.
Mỹ đã ký hiệp định TPP năm ngoái, nhưng vẫn chưa phê chuẩn. TPP chính là cột trụ kinh tế trong chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền ông Barack Obama, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng quyền lực nhanh chóng. Những người ủng hộ hiệp định lo ngại việc rút khỏi TPP có thể đẩy quyền lực tại khu vực trên về tay Trung Quốc, và khiến Mỹ chịu thiệt.
Trong khi đó, RCEP là hiệp định do Trung Quốc khởi xướng. Nó hiện gồm 10 nước Đông Nam Á và các đối tác thương mại của họ trong khu vực - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ.
TPP được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định này được đàm phán từ tháng 3/2010 và ký kết đầu năm 2016, gồm 12 quốc gia - Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, Việt Nam.
Các vấn đề được nêu ra gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp. Nếu được thực hiện, TPP có thể bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.