|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mối quan hệ đặc biệt giúp Gojek thu hàng chục triệu đô mỗi quý từ TikTok

15:33 | 05/08/2024
Chia sẻ
Từ đầu năm đến nay, công ty mẹ Gojek đã nhận được 17 triệu USD từ phía TikTok nhờ mối quan hệ đối tác.

Kết quả kinh doanh quý vừa rồi của GoTo Group - công ty mẹ Gojek, không được lòng các nhà đầu tư cho lắm, theo TechinAsia. Về mặt hoạt động, quý II của GoTo khá ấn tượng với tổng giá trị giao dịch tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,9 tỷ USD. Doanh thu gộp cũng tăng trưởng mạnh, đạt 262 triệu USD, tăng 39%.

Ngoài sự tăng trưởng về tổng giá trị giao dịch và doanh thu, EBITDA điều chỉnh của công ty mẹ Gojek cũng cải thiện đáng kể, giảm lỗ tới 95%, chỉ còn âm 2,9 triệu USD.

Hoạt động giao đồ ăn GoFood của Gojek tại Việt Nam. (Ảnh: Gojek).

Trong mảng dịch vụ theo yêu cầu (gồm gọi xe và giao đồ ăn), tổng giá trị giao dịch và doanh thu cũng tăng trưởng lần lượt 14,1% và 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn còn một điểm đáng lưu ý là khả năng sinh lời của mảng dịch vụ này. 

Dù đã có lãi ba quý liên tiếp, lợi nhuận điều chỉnh 5,5 triệu USD của quý này lại thấp hơn so với quý trước. Dù vậy, GoTo vẫn tự tin sẽ đạt điểm hòa vốn EBITDA ở cấp độ tập đoàn vào cuối năm nay.

Bà Catherine Sutjahyo, Trưởng bộ phận dịch vụ theo yêu cầu, giải thích rằng việc lợi nhuận giảm là do công ty tập trung vào phân khúc khách hàng đại chúng, với các dịch vụ giá rẻ như GoCar Hemat.

CEO Patrick Walujo cũng thừa nhận rằng chiến lược này sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận trong ngắn hạn, nhưng ông tin rằng những khách hàng sử dụng dịch vụ giá rẻ sẽ có xu hướng sử dụng thêm các sản phẩm tài chính khác của GoTo, đặc biệt là các sản phẩm cho vay.

Trong khi đó, đúng như kỳ vọng, mảng fintech của Gojek đã tỏa sáng trong quý này, với tổng giá trị giao dịch tăng 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của mảng này cũng gần như tăng gấp đôi trong cùng kỳ.

Mảng kinh doanh này tiếp tục thể hiện sức mạnh khi số lượt tải xuống ứng dụng ví điện tử GoPay tăng 50% so với quý trước, đạt 30 triệu vào cuối tháng 6. Trong khi đó, các khoản vay chưa thanh toán đã tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 215 triệu USD, nhờ các dịch vụ mua trước trả sau (BNPL) và vay tiền mặt.

Trong tương lai, ông Thomas Husted - Trưởng bộ phận công nghệ tài chính, cho biết một động lực khác cho tăng trưởng cho vay sẽ là dịch vụ BNPL mới ra mắt gần đây của họ trên ShopTokopedia của TikTok.

Vận may của GoTo dường như gắn liền với tình hình hoạt động của TikTok tại Indonesia. Nhờ vào quan hệ đối tác với TikTok, GoTo nhận được một khoản phí dịch vụ thương mại điện tử từ Tokopedia mỗi quý, tùy thuộc vào quy mô và tốc độ tăng trưởng của Tokopedia.

Trong quý gần đây nhất, GoTo đã thu về 10,5 triệu USD phí dịch vụ (trước thuế) từ Tokopedia. Tính cả số tiền thu được trong tháng 2 và tháng 3 (thỏa thuận được ký kết vào cuối tháng 1), GoTo đã tích lũy được 17 triệu USD phí từ TikTok cho đến nay, con số mà GoTo cho biết là "phù hợp" với dự đoán ban đầu của họ.

Trong cuộc họp với các nhà phân tích, một lĩnh vực hợp tác khác được tiết lộ là việc TikTok lấn sân sang các dịch vụ F&B ở một số thị trường Đông Nam Á, bao gồm Indonesia và Thái Lan.

Khi được hỏi liệu điều này có dẫn đến cạnh tranh giữa TikTok và GoFood (dịch vụ giao đồ ăn của Gojek) hay không, bà Sutjahyo cho biết GoFood là một phần trong chương trình thử nghiệm của ứng dụng video ngắn này để kiểm tra các dịch vụ địa phương tại Indonesia.

Cụ thể, khi người dùng TikTok nhấn vào thẻ điểm ưa thích trên ứng dụng, họ sẽ được chuyển hướng đến trang GoFood, nơi họ có thể đặt hàng từ các nhà hàng của GoFood.

Bất chấp kết quả kinh doanh khả quan, các nhà đầu tư của Gojek vẫn cảm thấy lo lắng đồng thời cổ phiếu tập đoàn niêm yết tại Indonesia đã sụt giảm. Theo TechinAsia, điều này có thể đến từ việc hai ông lớn gồm SoftBank và Alibaba - những bên nắm giữ cổ phần đáng kể trong GoTo, đang tìm cách bán bớt cổ phần của họ trong công ty.

Khi GoTo IPO, cả hai cổ đông đã đồng ý với thời gian 8 tháng, trong khoảng thời gian này họ sẽ không thể bán cổ phiếu của mình, để hỗ trợ giá sau IPO. Vào thời điểm khóa kết thúc tháng 11/2022, Alibaba và SoftBank mỗi bên sở hữu khoảng 9% cổ phần của GoTo.

Cả hai đã bắt đầu bán bớt cổ phần của mình, với SoftBank nắm giữ khoảng 7,6% và Alibaba khoảng 7,4% tính đến cuối tháng 6 năm nay.

Việc thoái vốn này có thể sẽ tiếp tục, vì Softbank đang chuyển trọng tâm sang đầu tư vào AI trong khi bán bớt cổ phần của mình trong các công ty thương mại điện tử khác như Alibaba.

Trong khi Alibaba tự đặt cược vào các doanh nghiệp thương mại điện tử ở nước ngoài để cân bằng tốc độ tăng trưởng chậm ở Trung Quốc, cam kết của họ với GoTo là một câu hỏi để ngỏ, do Alibaba đã bắt đầu bán bớt cổ phần của mình và đã có sự hiện diện tại Indonesia thông qua Lazada.

Đức Huy