Mối lo tồn kho gần 1 triệu tấn gạo
VFA cũng nhận định, năm 2017, tình hình XK gạo sẽ tiếp tục gặp khó khăn do kinh tế thế giới khủng hoảng; xu hướng tự túc lương thực, hạn chế NK ở các nước tăng lên.
Nguồn cung thế giới dư thừa
Theo VFA, lượng gạo tồn kho khoảng gần 1 triệu tấn đang nằm rải rác ở các DN. Trong đó, TCty Lương thực miền Nam tồn khoảng gần 318.000 tấn; TCty Lương thực miền Bắc khoảng 110.000 tấn. Số còn lại khoảng 528.000 tấn thuộc về các DN khác.
Lượng tồn kho lớn, thị trường cạnh tranh quyết liệt khiến việc XK gạo của Việt Nam năm nay được dự báo tiếp tục gặp khó |
Tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/1/2017, các DN đã XK hơn 320.000 tấn, giảm hơn 20% so với cùng thời điểm năm 2016. Giá bình quân FOB là 427,51 USD/tấn. Trị giá FOB là 142,141 USD/tấn và giá CIF là 143,475 triệu USD/tấn.
Việc tồn kho số lượng lớn gạo XK nói trên phản ánh ngược với những tín hiệu tích cực từ đầu năm 2017. Một trong những tín hiệu đó là Việt Nam chính thức được XK gạo chính ngạch sang Trung Quốc với 22 DN được cấp phép.
Ngay trong tháng 1/2017, đã có khoảng 20.000 tấn gạo được XK vào thị trường này. Dự báo giá gạo XK vào Trung Quốc sẽ được cải thiện so với năm 2016 khi thị trường này NK chủ yếu là sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nghiêm ngặt các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, theo VFA, ngoài Trung Quốc, tình hình nhu cầu NK gạo của các nước vẫn chưa rõ nét trong khi sản lượng và tồn kho gạo thế giới tăng ở mức kỷ lục trong năm qua. VFA dự báo XK gạo trong năm 2017 chỉ đạt mức xấp xỉ 5 triệu tấn, tương đương sản lượng XK năm 2016. Nguyên nhân chính, theo VFA phân tích, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2016 - 2017 được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục (khoảng 480 triệu tấn gạo xay xát), cao hơn niên vụ trước khoảng 1,6%. Cùng với đó, tồn kho gạo toàn cầu được dự báo lên ở mức cao nhất từ năm 2001 đến nay.
Đáng chú ý, tồn kho ở các nước XK chính lại giảm đáng kể, trong khi con số này lại tăng ở các nước NK và XK nhỏ. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng giảm NK và hạn chế các hợp đồng thương mại gạo. Trong khi đó, những năm trước đây, các nước trong khu vực ASEAN như Philippines, Malaysia, Indonesia… NK gạo Việt Nam lên đến 2 - 3 triệu tấn gạo theo các hợp đồng tập trung, nhưng đến năm 2016, lượng gạo XK sang cả ba thị trường này chỉ còn khoảng 10%.
Ngoài ra, một số thị trường NK gạo lớn những năm trước đây thì năm 2017 có thể sẽ chủ động cơ bản nguồn lương thực tại chỗ, giảm và tiến tới chấm dứt NK gạo từ Việt Nam. Những thị trường khác chuyển dần NK gạo của các quốc gia có giá cạnh tranh hơn, hoặc các quốc gia XK gạo mới nổi.
Phải xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam
Theo VFA, xu hướng tự do hóa trong thương mại gạo ngày càng phổ biến ở các nước khu vực ASEAN khiến các hợp đồng tập trung tiếp tục suy giảm. Đó là chưa kể đến sự cạnh tranh gay gắt của các nước XK trong khu vực với Việt Nam ở các thị trường chính.
Trong bối cảnh trên, XK gạo của Việt Nam năm 2017 tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Ngay cả thị trường Trung Quốc, thị trường NK gạo lớn nhất của Việt Nam, cũng khó đạt được sản lượng XK như mong muốn.
Mặt khác, theo thông tin từ VFA, hiện sản lượng tồn kho của các DN từ năm 2016 chuyển sang là 443.000 tấn, chưa kể vụ Đông Xuân sắp sửa vào đợt thu hoạch. Với nhu cầu yếu, sản lượng lại dồi dào, nhiều khả năng giá lúa gạo sẽ sụt giảm và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, VFA đề nghị Bộ NN-PTNT đánh giá tình hình thực tế và kiến nghị Chính phủ ra quyết định mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân 2016 - 2017 để ổn định giá thị trường theo định hướng, bảo đảm mức lãi tối thiểu cho nông dân.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ những khó khăn cho ngành lúa gạo, VFA kiến nghị Bộ NN-PTNT xúc tiến nhanh kế hoạch thực hiện lộ trình tháo gỡ các điểm nghẽn khi XK gạo sang các thị trường chất lượng cao, giá cao. Đồng thời, có định hướng phát triển SX dựa trên cơ sở nâng cao chất lượng và hiệu quả…
Lãnh đạo TCty Lương thực Miền Bắc, một trong những DN đầu tàu XK gạo từ nhiều năm nay, cho rằng, trong xu thế ngày càng khó khăn của thị trường, việc nâng cao chất lượng gạo là yếu tố hàng đầu và quan trọng nhất. Do đó, cần thiết phải thực hiện ngay chiến lược xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam một cách thực tiễn. Ngoài ra, tăng cường liên kết với nông dân để thực hiện hiệu quả các vùng nguyên liệu, qua đó kiểm soát được chất lượng.
“Muốn thúc đẩy XK gạo, phải gắn kết 4 nhà với nhau. Nhưng chính nhà nông cũng phải biết gắn với nhau trong phạm vi một vài xã để có chung vùng nguyên liệu. Phải làm thương hiệu gạo Việt Nam thì mới có thể cạnh tranh với thế giới và ngay tại sân nhà” vị lãnh đạo này nói.
Theo số liệu thống kê, năm 2013, Việt Nam XK 6,748 triệu tấn gạo, năm 2014 là 6,461 triệu tấn, năm 2015 đạt 6,615 trệu tấn. Năm 2016 giảm mạnh còn 4,890 triệu tấn gạo các loại, trị giá hơn 2,128 tỷ USD, về số lượng giảm 25,54%, về giá trị giảm 20,5% so với cùng kỳ năm trước. |