Mời gọi đầu tư vào 23 vị trí đất tại huyện Hóc Môn, TP HCM
Đây là nội dung chính của Hội nghị giới thiệu quy hoạch và mời gọi đăng ký đầu tư trên địa bàn huyện Hóc Môn tổ chức ngày 29/9.
Theo ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, huyện mời gọi đầu tư tại 23 khu vực quỹ đất trên địa bàn với diện tích hơn 2.624 ha.
Đây hầu hết là đất nông nghiệp nhưng không có hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, đất có giá trị tiềm năng theo quy hoạch, thuận lợi về mặt kết nối giao thông, nhằm góp phần tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn sắp tới.
Thời gian qua, huyện Hóc Môn chưa huy động được nhiều nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách để phát huy các tiềm năng.
Nguồn lực đất đai trên địa bàn khá lớn nhưng chủ yếu hình hành các khu phân lô tự phát, không đảm bảo kết nối hạ tầng.
Diện tích đất nông nghiệp khoảng 4.600 ha nhưng chỉ canh tác 2.000 ha (đóng góp 3% tổng giá trị sản xuất); vẫn còn 2.600 ha để hoang hóa, không có hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Các khu đất này được huyện Hóc Môn kêu gọi đầu tư với 8 hình thức khác nhau gồm: 9 dự án đô thị, 1 khu thương mại dịch vụ, 3 khu công nghiệp, 5 khu dân cư nông thôn, 2 khu du lịch sinh thái – nhà vườn, 1 khu nông nghiệp công nghệ cao, 1 khu công viên cây xanh, 1 khu công viên cây xanh – thể dục thể thao - nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Dương Hồng Thắng cho biết, hầu hết các quy hoạch chưa có kế hoạch đầu tư, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Việc mời gọi đầu tư nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, góp phần tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân địa phương; đồng thời, huyện hướng tới đạt được các tiêu chí lên quận giai đoạn 2020 – 2025.
Hóc Môn cam kết tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư tiếp cận thông tin, tìm hiểu đầu tư.
Về định hướng quy hoạch, huyện Hóc Môn có 36 đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 và 10 đồ án quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới tỉ lệ 1/5.000 đã được phê duyệt. Đây là cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi nhằm triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội để phục vụ người dân.
Ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM cho biết, hướng Tây Bắc là một trong những chiến lược quy hoạch phát triển của thành phố vàquy hoạch vùng này nhằm tiếp nối phát triển giữa nội thành – ngoại thành của TP HCM.
Do đó, huyện Hóc Môn là khu vực có vị trí có thể đáp ứng yêu cầu đầu tư lâu dài của các nhà đầu tư. Không chỉ quy hoạch phát triển địa ốc, nhà đất, khu vực này có thể đầu tư phát triển các tiện ích đô thị, các khu chức năng của đô thị như sản xuất kinh doanh, vui chơi giải trí…
Hóc Môn hiện có 315 tuyến giao thông thủy với tổng chiều dài 320 km, dự kiến xây mới một số cảng sông nhỏ tại cầu An Hạ, cầu Lớn, sông Sài Gòn.
Trong khi đó, hệ thống giao thông đường bộ tương đối hoàn chỉnh với 2.800 tuyến đường, tổng chiều dài khoảng 700 km, với các tuyến chính như Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Đặng Thúc Vịnh, Tô Ký, Dương Công Khi, Nguyễn Ảnh Thủ… Đây là những tuyến đường lưu thông chính, trục động lực kết nối liên vùng phục vụ lưu thông và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, thời gian gần đây, thành phố đã triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông tại huyện Hóc Môn như: vừa hoàn thiện nút giao An Sương, mở rộng đường Tô Ký, đang thi công Tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh)...
Ngành giao thông cũng đã có chủ trương đầu tư các cầu vượt tại nhiều nút giao Quốc lộ 22 với Nguyễn Ảnh Thủ, Quốc lộ 22 và Nguyễn Văn Vứa, xây dựng đường song hành Phan Văn Hớn; cải tạo mở rộng Quốc lộ 22, đầu tư xây dựng cao tốc TP HCM – Mộc Bài (Tây Ninh).
Tại Hội nghị, các đơn vị chức năng của TP HCM và huyện Hóc Môn đã trao đổi thông tin về 23 vị trí khu vực mời gọi đầu tư, định hướng quy hoạch của huyện trở thành quận thời gian tới; kế hoạch đầu tư, phát triển mạng lưới giao thông huyện, định hướng, tiềm năng phát triển kinh tế xã hội của khu vực Tây Bắc…/.