'Môi giới trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi cung cấp thông tin không đầy đủ cho khách hàng'
Sáng ngày 30/11, Hội thảo Phát hành Trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và Giải pháp do Tạp chí Tài chính Kinh doanh tổ chức đã diễn ra tại TP HCM.
Hội thảo phác họa lại một cách tổng thể của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam hiện nay, vấn đề niềm tin của nhà đầu tư và các diễn giả đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để phát triển thị trường TPDN.
Tham luận tại sự kiện, Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM nêu lên vai trò của 4 bên trên thị trường TPDN gồm nhà đầu tư, tổ chức phát hành, tổ chức trung gian và cơ quan quản lý.
Ông cho biết thời gian qua công ty luật của ông đã tiếp nhận rất nhiều hồ sơ liên quan đến TPDN. "Có khách hàng nói họ đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm, được nhân viên giới thiệu với lịch sử tín dụng tốt, họ đủ điều kiện tham gia vào sản phẩm khác có lãi suất cao hơn nên đã tham gia. Bản thân khách hàng không biết đó là TPDN có độ rủi ro mà nghĩ rằng mình đang đầu tư vào một sản phẩm khác của ngân hàng. Nhà đầu tư đặt niềm tin vào ngân hàng, vào công ty chứng khoán", luật sư kể.
Và theo luật sư, "trước hết, các nhà đầu tư khi chưa hiểu biết rõ về trái phiếu và đơn vị phát hành sẽ dễ ngậm trái đắng. Bên cạnh đó, một số đơn vị phát hành che giấu thông tin và mục đích thật sự của việc phát hành trái phiếu. Thông tin về tài sản bảo đảm của doanh nghiệp phát hành cũng mập mờ khiến nhà đầu tư cũng cảm thấy mơ hồ theo.
Không những thế, cần xét đến vai trò môi giới của ngân hàng và công ty chứng khoán. Họ môi giới với mục đích sinh lời thì phải chịu trách nhiệm khi cung cấp thông tin không đầy đủ cho khách hàng. Về điều này cần có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn.
Một vấn đề hết sức quan trọng là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước,… trong việc giám sát kiểm tra hoạt động phát hành trái phiếu cần được nâng cao”.
Ông Hưng chia sẻ thêm, các công ty phát hành hiện nay thường là công ty con trong một hệ sinh thái nào đó. Các doanh nghiệp này có thể không hoạt động kinh doanh mà vẫn phát hành trái phiếu được nhờ vào kế hoạch của các nhà tư vấn phát hành.
Theo số liệu được công bố bởi TS. Đinh Thế Hiển, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân trên thị trường TPDN sơ cấp chiếm 10,1% nhưng đã tăng lên 32,6% ở thị trường thứ cấp. Chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi về vai trò của ngân hàng thương mại và tổ chức chứng khoán khi chính họ là những nhà đầu tư mua nhiều TPDN trên thị trường sơ cấp nhất nhưng sau đó lại phân phối đến tay nhà đầu tư cá nhân.