Mộc Châu Milk được ĐHĐCĐ thông qua chào bán hơn 39 triệu cp cho Vinamilk và GTNFoods
CTCP Giống Bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) vừa công bố nghị quyết đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) qua hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.
ĐHĐCĐ đã thông qua phương án phát hành thêm 43,2 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ 668 tỉ lên 1.100 tỉ đồng nhằm tài trợ cho các dự án đầu tư của công ty.
Trong đó 3,34 triệu cổ phần sẽ được phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 20.000 đồng/cp. Theo đó tổng giá trị thu về gần 70 tỉ đồng.
Tỉ lệ phát hành là 100:5. Quyền mua cổ phần phát hành thêm không được phép chuyển nhượng.
Hơn 39 triệu cổ phần sẽ được phát hành cho hai cổ đông chiến lược là CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã: VNM), CTCP GTNFoods (Mã: GTN).
Trong trường hợp HĐQT có quyết định chào bán cho cổ đông chiến lược số lượng cổ phần không phân phối hết cho cổ đông hiện hữu thì tổng số lượng chào bán cho cổ đông chiến lược sẽ được tăng thêm tương ứng với số lượng cổ phần chào bán thêm này.
Giá chào bán là 30.000 đồng/cp, tương ứng với tổng giá phát hành khoảng 1.176 tỉ đồng. Cổ phần chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm kể ngày hoàn thành đợt phát hành.
668.000 cổ phần còn lại sẽ được phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị gần 7 tỉ đồng.
Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Tổng số tiền thu về theo giá phát hành khoảng 1.249 tỉ đồng. Sau khi trừ đi chi phí phát hành (nếu có), Công ty sẽ dùng số tiền này để đầu tư trang trại bò sữa mới với qui mô 4.000 con kết hợp du lịch sinh thái, nâng cấp trang trại hiện hữu lên qui mô 2.000 con, đầu tư dây chuyền sản xuất sữa nước và xây dựng nhà máy mới.
Dự án đầu tư trang trại bò sữa mới với qui mô 4.000 con kết hợp du lịch sinh thái, nâng cấp trang trại lên 2.000 con bò sữa được đầu tư và phát triển trên kinh nghiệm của Vinamilk.
Tổng vốn đầu tư các dự án này rơi vào khoảng 1.600 tỉ đồng. Số tiền còn lại sẽ được lấy từ nguồn vốn khác của công ty và/hoặc đi vay.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ cũng thông qua việc nới "room" lên 100% và chấp thuận cho doanh nghiệp lưu kí, niêm yết cổ phiếu trên HOSE.
Ngoài ra, Mộc Châu Milk cũng được chấp thuận việc bỏ một loạt ngành nghề kinh doanh để doanh nghiệp có thể tăng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%.
Về định hướng kế hoạch hoạt động năm 2020, công ty dự kiến tăng 12% tổng đàn bò, từ 25.580 con lên 28.680 con.
Doanh thu thuần dự kiến từ 2.558 - 2.905 tỉ đồng, tăng 13,5%. Trái lại lợi nhuận sau thuế lại giảm 6% còn 157 tỉ đồng do thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 là 20%, tăng so với năm 2019 là 10%. Về cổ tức năm 2020, HĐQT dự kiến trả bằng tiền mặt 25% trên vốn điều lệ.
ĐHĐCĐ của Mộc Châu Milk diễn ra diễn tháng 2 vừa qua đã bầu ba cá nhân là người của Vinamilk tham gia HĐQT nhiệm kì 2020 - 2024 gồm: Bà Mai Kiều Liên (Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vinamilk, Chủ tịch HĐQT GTNfoods), ông Trịnh Quốc Dũng (Giám đốc điều hành Phát triển Vùng nguyên liệu của Vinamilk kiêm Tổng Giám đốc GTNfoods), ông Phan Minh Tiên (Giám đốc điều hành Marketing và Kinh doanh nội địa Vinamilk). Trong đó, bà Mai Kiều Liên làm Chủ tịch HĐQT Mộc Châu Milk.
Bên cạnh đó, HĐQT cũng gồm hai thành viên từ Mộc Châu Milk là ông Phạm Hải Nam đang, Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Nhà máy Sữa.
Tại ĐHĐCĐ của Vinamilk, bà Mai Kiều Liên cũng chia sẻ: "Kế hoạch cho thời gian tới, Vinamilk sẽ xây dựng lại toàn bộ hệ thống phân phối, kì vọng sản phẩm của Mộc Châu Milk sẽ đi rộng hơn và xa hơn. Kết quả đầu tư vào Mộc Châu Milk sẽ có vào cuối năm nay", bà cho hay.
Tổng Giám đốc Vinamilk thông tin thêm đến hiện tại, công ty đã có kế hoạch nâng cấp nhà máy và trang trại, cũng như có kế hoạch tăng vốn ở Mộc Châu Milk. Bà Liên lí giải: "Phải tăng vốn mới có tiền đầu tư, muốn đầu tư cũng cần trên 1.000 tỉ đồng".
Hiện nay, công suất của nhà máy Mộc Châu Milk vẫn còn nhỏ. Do vậy, thời gian tới Vinamilk sẽ xây dựng trang trại hiện đại, theo tiêu chuẩn của Vinamilk với 4.000 con bò để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Về đất đai phục vụ việc xây dựng trang trại, Vinamilk đã làm việc với UBND tỉnh Sơn La và cơ bản đã được tỉnh đồng thuận cho triển khai.