MobiFone dưới thời Chủ tịch Lê Nam Trà
Chân dung nguyên Chủ tịch HĐTV MobiFone Lê Nam Trà | |
Điều chuyển Chủ tịch HĐTV MobiFone Lê Nam Trà về Bộ Thông tin và Truyền thông |
Ông Lê Nam Trà (Ảnh: internet) |
Chiều ngày 7/6, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố quyết định điều chuyển Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone Lê Nam Trà về công tác tại Văn phòng Bộ này từ ngày 6/6.
Hai năm liền lợi nhuận giảm sút
Ông Trà làm Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch MobiFone vào tháng 8/2014. Sau đó ông chính thức trở thành Chủ tịch HĐTV MobiFone từ tháng 4/2015. Trước quãng thời gian ông Trà nhậm chức, MobiFone đã có quãng thời gian kinh doanh khá khó khăn.
Cụ thể, từ năm 2012 - 2015, doanh thu của MobiFone đã giảm 20% từ mức 41.368 tỷ đồng xuống còn 33.001 tỷ đồng. Đây được coi là giai đoạn có sự cạnh tranh gay gắt của ngành viễn thông Việt Nam.
Dù là giai đoạn khó khăn nhưng lợi nhuận trước thuế của MobiFone lại tăng trưởng mạnh. Cụ thể từ năm 2012 - 2014, lãi trước thuế tăng 12%, tuy nhiên đến 2015 lại giảm 5%.
Sau khi ông Trà trở thành Chủ tịch HĐTV MobiFone được 1 năm, đến năm 2016, doanh thu của MobiFone bắt đầu tăng trưởng trở lại. Cụ thể, doanh thu tăng 16% so với năm 2015 nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm 25%.
Như vậy, lợi nhuận trước thuế năm 2015 và 2016 đều giảm lần lượt 5% và 25%. Nguyên nhân được lý giải bởi thị trường viễn thông Việt Nam đang bắt đầu rơi vào trạng thái bão hòa do số thuê bao vượt số dân cùng việc cạnh tranh giữa các nhà mạng ngày càng khốc liệt.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, doanh thu MobiFone đạt 12.000 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 1.685 tỷ đồng, bằng lần lượt 31% và 32% kết quả thực hiện năm trước.
Kết quả kinh doanh của MobiFone qua các năm (Đơn vị: tỷ đồng) |
Tính đến hết năm 2016, MobiFone sở hữu 4 công ty con, trong đó đáng chú ý là CTCP Nghe nhìn toàn cầu (AVG) - đơn vị MobiFone nắm 95% vốn đã bắt đầu có lãi 54 tỷ đồng song tỷ suất sinh lời trên vốn điều lệ vẫn còn thấp, chỉ 1,49%.
Danh sách các Công ty con MobiFone nắm trên 50% vốn điều lệ (Nguồn: MobiFone) |
Năm 2017, MobiFone đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 44.205 tỷ đồng, tăng 16%; lãi trước thuế của công ty mẹ đạt 5.589 tỷ đồng.
Cơ cấu vốn của MobiFone khá an toàn với hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giảm dần từ mức 60% của năm 2015 xuống còn 46% ở quý I/2017. Trong cơ cấu tổng nợ phải trả của MobiFone chủ yếu là nợ ngắn hạn.
Năm 2016, nợ phải trả của MobiFone nằm chủ yếu ở khoản phải trả người bán ngắn hạn, khoảng 5.492 tỷ đồng, chiếm 55% tổng nợ.
Cơ cấu vốn của MobiFone qua các năm (Đơn vị: tỷ đồng) |
Tính đến cuối quý I/2017, MobiFone có khoảng 1.800 tỷ đồng tiền góp vốn vào CTCP An Viên B.P từ năm 2016; khoảng gần 367 tỷ đồng đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) và gần 49 tỷ đồng đầu tư vào Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).
Lý giải nguyên nhân chưa thoái hết vốn tại 2 ngân hàng trên, MobiFone cho biết thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều khó khăn, thanh khoản của các cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết còn thấp nên chưa thoái vốn được cổ phần tại DongA Bank và một phần vốn còn lại tại TPBank. Năm 2017, MobiFone sẽ tiếp tục thực hiện công tác thoái vốn tại 2 ngân hàng trên.
Cổ phần hóa chưa thực thi
Cuối năm 2014, cùng khoảng thời gian ông Trà nhậm chức, MobiFone đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức ký ban hành Quyết định thành lập Tổng công ty Viễn thông MobiFone trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH Một thành viên Thông tin di động. Lúc đó, MobiFone có vốn điều lệ là 15.000 tỷ đồng.
Chính phủ cũng bày tỏ quyết tâm cổ phần hóa MobiFone bằng đề án tái cơ cấu VNPT năm 2014, theo đó đưa MobiFone từ một doanh nghiệp trực thuộc VNPT thành một tổng công ty trực thuộc Bộ thông tin truyền thông.
Cũng trong năm này, Bộ Thông tin Truyền thông thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc Ban chỉ đạo cổ phần hóa MobiFone. Theo dự kiến, Bộ sẽ bán tối thiểu 35% vốn tại MobiFone, Nhà nước sẽ nắm giữ từ 50% - dưới 65% vốn. Toàn bộ số tiền thu được, theo định hướng sẽ để tái đầu tư cho VNPT.
Tuy nhiên, suốt từ năm 2014 đến nay, nhiều lần lãnh đạo Bộ tuyên bố sẽ sớm đẩy nhanh cổ phần hóa nhưng hiện tại, kế hoạch này vẫn chỉ dừng lại ở các phát ngôn.
Không chỉ trong mấy năm gần đây, việc cổ phần hóa MobiFone mới được nhắc tới. Trước đó, vào năm 2005, Thủ tướng đã có yêu cầu phải cổ phần hóa MobiFone. Credit Suisse - Thuỵ Sỹ đã trúng thầu tư vấn thương vụ nhưng mức phí tư vấn để tiến hành cổ phần hóa quá cao nên việc thương thảo với Credit Suisse đã không thành. Sau đó, MobiFone đã ký hợp đồng với Công ty Chứng khoán Bản Việt (BVSC) để tư vấn định giá và chuẩn bị cho IPO.
Mới đây, Công ty tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance (trụ sở tại Anh) đã đưa ra công bố giá trị thương hiệu của MobiFone năm 2017 chỉ 391 triệu USD, giảm 27% năm trước và lùi 2 bậc, về vị trí thứ 17.
Bất thường thương vụ thâu tóm AVG
Trong thời gian ông Trà làm Chủ tịch HĐTV, MobiFone có một thương vụ thâu tóm đình đám, đó là mua 95% vốn Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG). MobiFone không thiết lộ giá trị thương vụ.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo tiến hành thanh tra toàn diện việc MobiFone mua 95% cổ phần AVG, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ít lâu sau đó, MobiFone công bố Báo cáo tài chính riêng năm 2016. Giá trị thương vụ được kê khai là 8.889,8 tỷ đồng. Thoả thuận được thực hiện vào ngày 25/12/2016.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạoThanh tra Chính phủ vào làm việc với MobiFone nhưng hiện nay chưa có kết luật cuối cùng, bởi cần làm rõ băn khoăn xem có "lợi ích nhóm" không, có thất thoát không?
Kết luận thanh tra vụ việc đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/