|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Mỏ vàng' Amazon và giấc mộng làm giàu

07:55 | 24/12/2019
Chia sẻ
Khi Amazon bắt tay Bộ Công thương hỗ trợ doanh nghiệp Việt bán hàng xuyên biên giới, hàng loạt doanh nghiệp khấp khởi nuôi hy vọng sớm được bán hàng trên chợ điện tử lớn nhất hành tinh này.

Đánh thức giấc mơ triệu phú

Mở một xưởng nhỏ sản xuất các loại túi, ví, thắt lưng da tại Phú Xuyên (Hà Nội), anh Nguyễn Văn Hưng cho hay, anh đang tìm hiểu cơ hội bán hàng qua Amazon. 

“Nghe nói, bán hàng qua Amazon, doanh số sẽ tăng vài chục lần, lợi nhuận cao gấp nhiều lần bán hàng trong nước. Tôi đang tìm hiểu, nếu thử nghiệm thành công thì sẽ mở rộng hoạt động”, anh Hưng háo hức.

Ước mơ của anh Hưng được khơi dậy từ câu chuyện của Lê Thị Thiện Ngân, đồng sáng lập và là CEO của Paper Color. 

Chia sẻ với các doanh nghiệp muốn tham gia bán hàng trên Amazon, chị Ngân cho hay, từ chỗ chỉ có 2 thành viên, nhờ bán hàng trên Amazon, Paper Color hiện đã trở thành một doanh nghiêp có hàng chục nhân viên, xuất khẩu đi hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Giống như anh Hưng, bán hàng trên Amazon đã trở thành giấc mơ của hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Trong số hơn 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hiện mới chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp đang bán hàng trên Amazon.

'Mỏ vàng' Amazon và giấc mộng làm giàu - Ảnh 1.

Amazon Global Selling hợp tác với Bộ Công thương để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử.

Chính vì vậy, khi Amazon Global Selling chính thức tuyên bố thành lập đội ngũ chuyên trách tại Việt Nam và bắt tay với Bộ Công thương hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thông qua thương mại điện tử, hàng loạt doanh nghiệp khấp khởi vui mừng, kỳ vọng về một ngày mang sản phẩm lên bán trên nền tảng Amazon cho người tiêu dùng toàn cầu.

Theo đánh giá của ông Bernard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á, rất nhiều mặt hàng của Việt Nam có thể bán trên Amazon, đặc biệt là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, giày da, thời trang…

Trên thực tế, có khá nhiều mặt hàng xuất xứ Việt Nam đang được bán trên Amazon với giá cao gấp 10 - 15 lần giá bán ở trong nước. 

Ví dụ, trên trang web Amazon Mỹ, mỗi chiếc chổi đót giá khoảng 460.000 đồng (20 USD), gáo dừa có giá gần 180.000 đồng (8 USD). Trên Amazon UK, giá mỗi chiếc giỏ mây giá 3,5 triệu đồng, mỗi chiếc lược sừng hay hộp bút bằng vải có giá gần 400.000 đồng.

Theo chia sẻ của đại diện Amazon tại Việt Nam, chuyện chổi đót, đèn lồng… ra thế giới giờ đây không còn khó nữa. Doanh nghiệp có thể ngồi nhà, nhưng vẫn tiếp cận được 300 triệu khách hàng của Amazon trên toàn thế giới. 

Chỉ cần chuyển hàng vào kho của Amazon, việc còn lại của doanh nghiệp đơn giản là đăng sản phẩm, quản lý đơn hàng, không cần lo vận chuyển, chăm sóc khách hàng.

Hiện “gã khổng lồ” về thương mại điện tử này có hệ thống hạ tầng giao vận lớn nhất toàn cầu với 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên toàn thế giới, 100.000 robot và 40 máy bay tham gia giao hàng.

Sân chơi không dành cho tất cả

Câu chuyện những doanh nghiệp trở thành triệu phú chỉ sau vài ba tháng bán hàng trên Amazon đã truyền cảm hứng và trở thành động lực của hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam.

Số liệu của Amazon Global Selling cung cấp cho thấy, trong vòng 12 tháng vừa qua, đã có 28.000 lượt tìm kiếm từ khóa “bán hàng cùng Amazon” so với... 0 lượt tìm kiếm 10 năm trước. Trang facebook Amazon Global Selling mới được thành lập 4 tháng đã thu hút hơn 18.000 lượt theo dõi.

Thế nhưng, không phải giấc mơ nào cũng trở thành hiện thực và bán hàng trên Amazon không chỉ có màu hồng.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nhất Nam, chuyên sản xuất và bán gấu bông, đồ lưu niệm cho hay, Nhất Nam bán hàng trên Amazon từ năm 2018, song đến nay hầu như vẫn chưa có lãi.

“Amazon có 300 triệu khách hàng, nhưng cũng có hàng trăm triệu sản phẩm được rao bán. Năm 2018, tôi đóng hàng gửi sang kho Amazon, nhưng nhiều tháng sau đó không có đơn hàng và bị treo tài khoản. Sau khi khiếu nại thành công, được mở tài khoản trở lại, tôi chấp nhận chi tiền chạy dịch vụ quảng cáo, giảm giá ở mức chạm sàn để lấy “rank” (xếp hạng sản phẩm), từ đó, đơn hàng mới bắt đầu tăng lên. Nhưng sau khi trừ các khoản chi phí duy trì tài khoản, quảng cáo, gửi hàng vào kho, xử lý hàng tồn kho…, thì lãi hầu như không đáng kể”, chị Hà nói.

Dù chưa có lãi, chị Hà là một trong những doanh nghiệp nhỏ may mắn tạo lập được tài khoản và trải nghiệm kinh nghiệm bán hàng trên Amazon. 

Với rất nhiều doanh nghiệp khác, giấc mơ bán hàng trên Amazon bị dập tắt ngay từ đầu, bởi vẫn chưa thể vượt qua “ải” đăng ký tài khoản. Nhiều doanh nghiệp cho hay, dù đã gửi mọi tài liệu xác thực, nhưng cả năm nay vẫn chưa được Amazon cấp tài khoản bán hàng.

Chính vì mở tài khoản bán hàng trên Amazon rất phức tạp, kéo dài cả năm trời, nên “chợ đen” tài khoản Amazon xuất hiện. Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ đã phải tìm đến thị trường “chợ đen” để mua tài khoản bán hàng trên Amazon. 

Một tài khoản Amazon (chưa có đơn hàng) được bán với giá 8 - 10 triệu đồng, còn tài khoản chính chủ đã có đơn hàng được rao bán với giá 30 - 35 triệu đồng. 

Dù giá không hề rẻ, nhưng nhiều doanh nghiệp cho hay, có tới 90% tài khoản Amazon bán trên “chợ đen” là lừa đảo, rất nhiều tài khoản đang bị cảnh báo hoặc không chính chủ…, khiến nguy cơ bị treo rất cao.

Thời gian gần đây, để chống hàng giả, hàng nhái và các hiện tượng gian lận khác, Amazon quét tài khoản liên tục và ngay lập tức treo tài khoản nếu nghi ngờ có hiện tượng vi phạm thương hiệu, sáng chế, hàng giả, hàng hỏng… Nếu không biết kháng cáo, nhiều tài khoản bán hàng sẽ mất tiền oan.

Chính vì vậy, bên cạnh “chợ đen” tài khoản Amazon, dịch vụ “gỡ sus” (xử lý tài khoản bị treo, lấy lại tiền cho người bán) cũng nở rộ với chi phí cao ngất ngưởng. Theo đó, bên gỡ sus thường đòi 40 - 45% tổng số tiền có trong tài khoản. 

Ngoài ra, chủ tài khoản bán hàng trên Amazon còn gặp rủi ro vì phải bàn giao hết tài khoản Gmail, tài khoản Amazon, bản sao hộ chiếu, sao kê… cho người gỡ.

Ngoài ra, dịch vụ bán khóa học bán hàng trên Amazon cũng rộ lên như nấm sau mưa, chi phí từ 300.000 đồng, thậm chí 20 - 30 triệu đồng/khóa, đánh vào tâm lý khao khát bán hàng trên Amazon.

Amazon vào Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng là tin vui, song sân chơi này không dành cho tất cả. Không phải sở hữu một tài khoản Amazon là doanh nghiệp có thể bán hàng, còn vô vàn “ổ gà”, “ổ voi” trước mắt phải vượt qua, nếu muốn trụ trên sàn Amazon.

Chiến lược “sói gửi chân” hay chỉ tận thu phí?

Trước khi vào Việt Nam, Amazon đã có mặt ở 18 nước, tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2019 vượt 190 tỷ USD và có khả năng đạt 270 tỷ USD trong cả năm.

Đến nay, đại diện Amazon vẫn từ chối nói về dự định ở thị trường Việt Nam trong tương lai. Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), trong tương lai gần, Amazon chưa có ý định vào Việt Nam. 

Rất có thể, quy mô thị trường còn nhỏ bé là nguyên nhân Amazon chưa thiết lập trang bán hàng đầy đủ và cung cấp mọi dịch vụ tại Việt Nam.

Thế nhưng, những bước đi của Amazon tại Việt Nam cũng giống như cách thức quen thuộc được gã khổng lồ này áp dụng tại nhiều thị trường như Australia, Brazil, Singapore. Việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu chỉ là bước đệm để Amazon thực hiện chính sách “sói gửi chân”. 

Thị trường Việt Nam tuy còn nhỏ, song thương mại điện tử lại phát triển rất nhanh chóng, vì vậy, không loại trừ Amazon sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong tương lai.

Việc Amazon chiêu mộ ông Trần Xuân Thủy, nguyên giám đốc thị trường Việt Nam của Alibaba, nắm cương vị Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam cũng cho thấy, Amazon hiểu rất kỹ thị trường Việt Nam.

Chưa rõ Amazon có cung cấp dịch vụ đầy đủ tại Việt Nam hay không, nhưng trước mắt, ông trùm thương mại điện tử này sẽ chỉ hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu xuyên biên giới. Đương nhiên, sự hỗ trợ này  không hẳn là “từ thiện”.

Để bán hàng trên Amazon, doanh nghiệp phải trả 39,9 USD phí duy trì tài khoản mỗi tháng, nếu muốn sử dụng tài khoản miễn phí, họ phải trả hoa hồng 99 UScent với mỗi sản phẩm bán được. 

Ngoài ra, trung bình với mỗi sản phẩm, doanh nghiệp còn phải trả thêm 15% phí giới thiệu, chưa kể hàng loạt phí như hoàn thiện đơn hàng, lưu kho, quảng cáo…

Mỗi năm, tính riêng khoản hoa hồng và khoản phí mà người bán phải trả cho Amazon, con số đã lên tới hàng chục tỷ USD.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh với hàng trăm ngàn doanh nghiệp, song mới chỉ có vài trăm doanh nghiệp bán hàng trên Amazon. Dư địa để Amazon thu hút doanh nghiệp Việt bán hàng trên nền tảng của mình còn rất lớn. 

Tuy nhiên, việc thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng của Amazon có lẽ sẽ thực hiện một cách chọn lọc, ưu tiên những doanh nghiệp có tiềm năng và “chịu chi” các khoản phí. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp không thể đăng ký thành công tài khoản bán hàng trên Amazon cũng là điều dễ hiểu.

Amazon dự báo, năm 2022, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử toàn cầu sẽ vượt quá 6 lần tốc độ tăng trưởng của bán hàng offline.

Ở Việt Nam, thương mại điện tử là lĩnh vực có sức bật và tốc độ phát triển mạnh nhất trong nền kinh tế Internet.

Đến năm 2025, theo dự đoán của Công ty Tư vấn quản lý Bain & Company, thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ đạt giá trị 24,4 tỷ USD, tăng 6,5 lần so với năm 2018, tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Trần Mạnh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.