|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mở rộng hệ sinh thái không tiền mặt - Bài 2: 'Cú hích' đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số

08:15 | 01/03/2022
Chia sẻ
Dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây không ít khó khăn cho người dân.

Nhưng ở một góc độ khác, đại dịch được coi như một cú hích làm thay đổi thói quen thanh toán thường nhật. Theo đó, nhiều hoạt động vốn được giao dịch bằng tiền mặt trực tiếp thì nay đã chuyển sang các phương thức thanh toán trực tuyến.

Và đây cũng là “cú hích” đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong các đơn vị trung gian thanh toán.

TTXVN đã ghi lại ý kiến các bên trong vai trò tham gia thí điểm dịch vụ Mobile Money theo Quyết định số 1820/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc chấp thuận triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa dịch vụ có giá trị nhỏ.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long:

Chính phủ muốn đẩy mạnh dịch vụ Mobile Money để thu hẹp khoảng cách số ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, các nhà mạng cần triển khai dịch vụ Mobile Money hiệu quả và an toàn nhằm tạo sự đột phá, góp phần thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Muốn dịch vụ được sử dụng rộng rãi thì các nhà mạng phải đem lại sự tiện lợi và niềm tin cho khách hàng; phải đảm bảo chỉ thuê bao có thông tin định danh chính xác mới được cung cấp dịch vụ.

Việt Nam vẫn còn khoảng 50% dân số chưa có tài khoản ngân hàng và phần lớn người dùng trả tiền mặt khi mua hàng dưới 100.000 đồng. Do đó, dịch vụ Mobile Money phát triển sẽ tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy chuyển đổi số và mở rộng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đến hầu hết người dân, đặc biệt với người ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa - điều mà các dịch vụ ngân hàng truyền thống, ví điện tử chưa làm được.

Năm 2022, một nhiệm vụ được Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra là xây dựng các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý, giám sát hoạt động triển khai dịch vụ Mobile Money của doanh nghiệp. Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục thúc đẩy các nhà mạng chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số - hạ tầng quan trọng của Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel Trương Quang Việt:

Nhằm đẩy mạnh truyền thông, phổ cập dịch vụ Mobile Money đến người dân, nhà mạng Viettel đã triển khai 80.000 điểm tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng đăng ký, sử dụng dịch vụ trên toàn quốc. Khi triển khai Viettel Money và hạt nhân là Tiền di động, Viettel hoàn toàn có lợi thế về mặt hạ tầng - công nghệ - sản phẩm.

Mạng viễn thông của Viettel hiện đã phủ sóng đến 99% diện tích Việt Nam, cung cấp dịch vụ tại 11.000 phường/xã trong cả nước; trong đó, có các xã ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, gồm cả vùng mặt biển cách đất liền tới 100 km.

Do đó, với độ phủ rộng nhất trên thị trường hiện nay, ở bất kỳ đâu có sóng di động Viettel, ngay cả khi không có kết nối internet, người dân cũng có thể sử dụng Viettel Money.

Đặc biệt, vấn đề an toàn thông tin được Viettel đặt lên hàng đầu với nhiều cơ chế bảo mật như: 2 lớp gồm mã PIN và mã xác thực OTP, cơ chế bảo vệ chống dò mật khẩu…

Với hơn 300 tính năng, tiện ích được cá nhân hóa theo nhu cầu của khách hàng, người dùng Viettel Money có thể chuyển tiền trực tuyến tới số điện thoại, số tài khoản/số thẻ của hơn 40 ngân hàng tại Việt Nam. Mua bán hàng hóa, dịch vụ không tiền mặt, bằng cách quét mã QR đơn giản, tiện lợi. Nạp/rút tiền mặt dễ dàng tại hệ thống hàng trăm ngàn điểm giao dịch hoạt động 8 - 20h từ thứ Hai tới Chủ nhật, xuyên suốt các ngày lễ, Tết.

Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Huỳnh Quang Liêm:

Hiện VNPT đã có 61.280 khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money. Việc cung cấp dịch vụ Mobile Money là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

VNPT sở hữu mạng lưới điểm kinh doanh gồm hơn 10.000 điểm giao dịch, 10.000 điểm giao dịch ủy quyền và hơn 200.000 điểm kinh doanh liên kết, phủ rộng và sâu khắp 63 tỉnh thành cả nước giúp Mobile Money dễ dàng tiếp cận tới ngay cả những địa bàn vùng sâu, vùng xa, những nơi có điều kiện cơ sở vật chất khó khăn.

VNPT cam kết tiếp tục phát triển điểm kinh doanh Mobile Money rộng khắp đến các thôn, xóm, bản, làng… hướng đến thúc đẩy Hệ sinh thái tài chính toàn diện tại Việt Nam với các dịch vụ tài chính phái sinh khác, mang tới nền tài chính số công bằng cho mọi người dân.

Dịch vụ Mobile Money hứa hẹn sẽ trở thành một hình thức thanh toán an toàn, hữu ích cho xã hội, để người dân tiếp cận tốt hơn đến các dịch vụ trong đời sống như y tế, giáo dục, hành chính công.

Dịch vụ Mobile Money là một trong những sản phẩm, dịch vụ chiến lược quan trọng của tập đoàn. Với hệ sinh thái dịch vụ đa dạng gồm mạng di động, viễn thông, internet hơn 30 triệu thuê bao, hơn 30.000 trường học, hơn 20.000 nhà thuốc, hơn 7.000 cơ sở y tế/bệnh viện, kết nối thanh toán hơn 5.000 dịch vụ hành chính công và dịch vụ thiết yếu (điện, nước), Mobile Money – VNPT Pay đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thanh toán, mua sắm và tiện ích gắn với đời sống hàng ngày của mỗi người dân.

Hằng Trần

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.