|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Mở rộng hay tạo chiều sâu cho đô thị

16:53 | 23/10/2018
Chia sẻ
Chiều 11-10-2018, Thành ủy TPHCM tổ chức hội thảo “Quản lý đô thị trên địa bàn TPHCM: Thực trạng, vấn đề và giải pháp”. Đứng trước sự bế tắc môi trường sống ở đô thị lớn hiện nay, câu chuyện bành trướng đô thị “bẩn” hay đi tìm chiều sâu cho phát triển đô thị “sạch” đã gấp rút lắm rồi.
mo rong hay tao chieu sau cho do thi Kiến nghị mở rộng không gian đô thị TP HCM về phía Long An
mo rong hay tao chieu sau cho do thi
Tính đến năm 2018, Việt Nam có 804 đô thị và 74.000 điểm thị tứ hóa với dân số đô thị là 42 triệu người. Ảnh: Thành Hoa

Bối cảnh khó lường về đô thị hóa

Lần đầu tiên trong lịch sử, có tới hơn một nửa dân số thế giới (hơn 4 tỉ người) sống tại các khu vực đô thị. Con số sẽ tăng lên 5 tỉ người vào năm 2030 (UN-Habitat, 2008). Tới giai đoạn 2030-2050, hơn 90% tăng trưởng đô thị diễn ra ở các nước đang phát triển, châu Á sẽ chiếm tới 63% dân số đô thị toàn cầu. Đến năm 2025, thế giới sẽ có 26 siêu đô thị (có hơn 10 triệu dân), Việt Nam có hai đô thị như vậy là TP HCM và Hà Nội. Tính đến năm 2018, Việt Nam có 804 đô thị và 74.000 điểm thị tứ hóa với dân số đô thị là 42 triệu người.

Sự bùng nổ đô thị và dân số như vậy chắc chắn kéo theo khủng hoảng đô thị do hạ tầng, nhà ở, phương tiện và dịch vụ công cộng không thể theo kịp. Mặt khác, làn sóng di dân từ nông thôn ra đô thị tăng nhanh đang biến TP HCM và Hà Nội thành các siêu thành phố khổng lồ, ngột ngạt vì ô nhiễm, bị “bệnh đầu to” và thiếu an sinh xã hội. Chưa hết, sau 20 năm, đô thị Việt Nam đang mắc phải ba nhược điểm lớn tác động không nhỏ đến chất lượng con người đô thị (văn hóa, trình độ lao động), chất lượng xây dựng (đánh mất bản sắc đô thị và hạ tầng yếu kém), và nhiễm căn bệnh liên tục bành trướng đô thị “bẩn” (lấn chiếm vành đai xanh nông nghiệp ngoại vi), bất chấp tính bền vững.

Tuy vậy, cần nhớ đô thị hóa là không thể đảo ngược, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác, đô thị là sự chuyển đổi quan trọng nhất dẫn đến tái cơ cấu các nền kinh tế - xã hội và GDP đô thị luôn đạt từ 60-80% toàn quốc, chưa kể đô thị còn có vai trò lớn lao hơn khi định dạng lại cuộc sống của hàng tỉ người trong tương lai. Bối cảnh đô thị hóa mới dẫn đến việc các quốc gia luôn cần đổi mới tư duy phát triển đô thị.

Tư duy lãnh đạo và tư duy của hội nghề quy hoạch

Trong khi TP HCM đang tìm cách hướng quy hoạch tổng thể phát triển đến liên kết vùng hợp lý để giảm tải cho thành phố, không mở rộng quỹ đất đô thị, thì hội nghề nghiệp lại bàn mở rộng thành phố đến Long An.

Theo dõi cuộc hội thảo nêu trên, điều đáng nói là có sự khác biệt giữa tư duy quản lý phát triển của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và của Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính.

Trong khi TP HCM đang tìm cách hướng quy hoạch tổng thể phát triển đến liên kết vùng hợp lý để giảm tải cho thành phố, với tầm nhìn xa thành phố sẽ tăng hiệu quả kinh tế đô thị tại huyện Cần Giờ và Củ Chi để quyết không mở rộng quỹ đất đô thị, hội nghề nghiệp lại bàn mở rộng thành phố đến Long An.

Có thể mở rộng, nhưng cần nhớ đô thị Việt Nam vốn xôi đỗ tới 40-50% nông thôn, lại ôm tiếp những vùng nông nghiệp rộng lớn để bán đất kiếm lời thì bao giờ mới có đủ nguồn lực để đầu tư hạ tầng đô thị dàn trải. Cứ thế đô thị lan theo mảng lạc hậu về hình thể, biến tướng về chất lượng, lại giẫm vết xe đổ mở rộng Hà Nội năm 2008 khi diện tích tăng gấp bốn lần và ôm trọn hành lang xanh gồm hơn 1.000 làng cổ xứ Đoài, vành đai nông nghiệp của sông Nhuệ đến Đông Anh, lấn vào một phần Hòa Bình, Vĩnh Phúc, tức đã “thanh toán” vùng vành đai xanh ngoại vi bao bọc Hà Nội mà vẫn chưa hình thành được cấu trúc.

Thực tế cho thấy hai mươi năm đô thị hóa, sự bùng nổ các khu đô thị mới chưa chắc chúng ta có đô thị theo đúng nghĩa. Tuy có giảm áp lực chỗ ở cho người dân đô thị, đem lại lợi nhuận khổng lồ giới kinh doanh bất động sản và thuế cho ngân sách, nhưng thực sự chúng là khu đô thị - phòng ngủ, bỏ ngỏ các công trình đời sống thiết yếu và hạ tầng xôi đỗ thiếu tính kết nối. Hàng ngày dòng người vẫn đổ về trung tâm tìm kiếm việc làm, dịch vụ đời sống, đi lại quá nhiều và quá tải, gây tắc đường, biến trung tâm cũ thành “bệnh đầu to”. Đô thị ở Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 10% đất hạ tầng, so với quốc tế là từ 30-35% (diện tích đất giao thông của Hà Nội bình quân đầu người là 4,8 mét vuông, TP HCM là 2,9 mét vuông, so với thế giới thì mới chỉ đạt 20-25%). Dân đô thị mình khổ sở vô cùng với kẹt xe và ngập nước, đó là điều không tránh khỏi và sẽ còn dài dài nếu nhìn vào những con số này.

Trước thực tế này, lãnh đạo TP HCM cho rằng “cần giải quyết mâu thuẫn bài toán dân số tăng nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng kịp. Phải có cơ chế phối hợp vùng, để giúp các thành phố cùng phát triển, thu nhập tại chỗ cao hơn để giảm áp lực dân số từ các vùng nông thôn, tỉnh nhỏ đổ về thành phố”. Nếu không điều chỉnh tầm nhìn chiến lược để các thành phố nhỏ và vừa lân cận có cơ hội phát triển việc làm, dịch vụ và tiện ích đô thị, thì tình trạng di dân tự do vào TP HCM khó có thể kiểm soát. Chính quyền cần nhìn nhận vấn đề này một cách toàn diện hơn, coi họ như nguồn lực cùng chung tay phát triển thành phố, đồng thời cần kiểm soát ngưỡng di dân tự do dẫn đến quá tải thành phố. TP HCM sẽ san sẻ, chuyển giao công nghệ cho các vùng lân cận, để người lao động có thể an cư tại quê hương nhiều hơn, tạo điều kiện cho thành phố chọn lựa lao động trình độ cao để phát triển công nghiệp 4.0 về phía Đông.

Tư duy lãnh đạo có trở thành hiện thực hay không, cần lắm nguồn nhân lực cho đô thị vốn đang yếu kém và cần sự bứt phá về chính sách phát triển. Các thành phố siêu lớn ở Việt Nam cần thực thi chính quyền đô thị để bớt quan liêu, sát với dân cư, tập trung chăm lo tiện ích và chất lượng dịch vụ, việc làm cho dân số đang tăng chóng mặt.

Buộc quy hoạch đô thị phải tự đổi mới

Xung đột giữa cái mới và cái cũ luôn là một dạng khủng hoảng của quá trình công nghiệp hóa và hệ quả của nó là đô thị hóa. Nhưng những quốc gia “tiên tiến” tự tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp và đã phải trải qua gần một thế kỷ để điều chỉnh những thay đổi có ảnh hưởng sâu rộng về mặt văn hóa và xã hội trong chính sách phát triển đô thị. Các nước nghèo hơn phát triển đô thị nhanh chóng với phương tiện có nguồn gốc tư duy và kỹ thuật từ bên ngoài. Không có gì ngạc nhiên về sự đảo lộn đô thị về mặt văn hóa, xã hội nên cần thay đổi quan điểm về đô thị.

Đến lúc đô thị cần một không gian xã hội có tính nhân bản chứ không chỉ đô thị với “tính tăng trưởng”. Đô thị cần được tổ chức sao cho bản tính con người được tồn tại một cách tự nhiên, tạo ra những không gian sống tối ưu cho sự phát triển toàn diện và tự do cho mỗi người có cơ hội trở thành “ego cá nhân” sáng tạo, độc lập để kết nối thành các “ego cộng đồng” văn minh đi đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế thông minh hơn. Muốn như vậy, quy hoạch phải chuyển thành những khung kiến tạo phát triển chứ không chỉ là công cụ mở rộng đất đai đô thị như hiện nay.

Quy hoạch thế giới đã trải qua sự thay đổi mạnh mẽ cuối thế kỷ 20 đến nay, nhằm giải quyết những tiêu cực về môi trường và xã hội do đã tạo hàng loạt đô thị công nghiệp và đô thị ưu tiên giao thông ô tô cá nhân.

Quy hoạch là công cụ pháp lý của chính quyền đang dần chuyển sang hợp tác quy hoạch: Theo tổng kết của Hiệp hội Quy hoạch thế giới, vào năm 2000, gần như các nước có dân số đô thị chiếm trên 50% đã rời bỏ phương pháp quy hoạch tổng thể kiểu truyền thống do nó khó đáp ứng nền kinh tế thị trường. Quy hoạch mềm dẻo hơn, được lập trình linh hoạt cho phép sự tham gia liên tục của các bên liên quan. Hai thành phố Portland và Seattle (Mỹ) đi đầu trong việc áp dụng nguyên tắc hợp tác quy hoạch nhằm đảm bảo cân bằng quyền lợi của các đối tác tham gia phát triển đô thị (có sự tham gia chủ động của các bên liên quan và các nhóm bị ảnh hưởng), cộng đồng phải có quyền ra quyết định cuối cùng, cam kết của chính quyền về việc hỗ trợ các nguồn lực (chính sách, tài chính và trí tuệ) phải được thực thi. Cách làm này khai thác và phân bổ công bằng mọi nguồn lực cho phát triển dựa trên sự tham gia của chính quyền (chứ không chỉ là quản lý một chiều).

Việc phát triển đô thị ở Việt Nam theo mô hình nào thực sự cam go do chúng ta đang thiếu lực lượng nghiên cứu chuyên nghiệp. Chưa kể, sự mất mát diện tích đất canh tác xanh quý giá bao bọc thành phố do đô thị hóa mạnh mẽ gây ra đang là một hiểm họa khác mà các nhà quy hoạch và quản lý cần phải khống chế trong thời gian tới.

Xem thêm

PGS.TS.KTS. Nguyễn Hồng Thục