|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Mở quyền sở hữu bất động sản cho Việt kiều

07:20 | 09/08/2024
Chia sẻ
Chính sách mới mở rộng quyền tiếp cận bất động sản cho Việt kiều được đánh giá khuyến khích nhóm này đầu tư, sở hữu bất động sản nhiều hơn tại Việt Nam nhưng cũng cần lưu ý ở giai đoạn đầu áp dụng.

Theo Luật Đất đai 2024, Việt kiều là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam sẽ không còn bị hạn chế quyền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thay vì chỉ được phép cho thuê, ủy quyền quản lý nhà không sử dụng như trước đây. Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam, đã chia sẻ góc nhìn với chúng tôi về chính sách mới này.

Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam. (Ảnh: NVCC).

Đánh giá của chuyên gia về chính sách mới này đối với thị trường bất động sản trong thời gian tới nói riêng và nền kinh tế nói chung?

Ông David Jackson: Quy định về việc mở rộng quyền tiếp cận nhà đất đối với Việt kiều là một trong những điểm mới trong Luật Đất đai 2024 vừa có hiệu lực. Trước đây, Việt kiều muốn mua bất động sản (BĐS) trong nước phải nhờ người thân ở Việt Nam đứng tên hộ.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, tính đến cuối năm 2023 có 6,5 triệu kiều bào sống ở nước ngoài, trải dài khoảng ba thế hệ và hơn 20% trong số đó đã đến tuổi nghỉ hưu. Do đó, nhu cầu về Việt Nam sinh sống, cũng như mua và đầu tư BĐS tại Việt Nam là có.

Luật mới cho thấy một sự rõ ràng và cởi mở hơn trước, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho Việt kiều và khuyến khích họ đầu tư, sở hữu bất động sản tại Việt Nam.

Nhìn rộng hơn, luật mới cũng giúp góp phần thu hút nguồn vốn kiều hối vào thị trường BĐS. Bên cạnh FDI, dòng kiều hối này ngày càng trở thành một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Từ năm 1993 đến năm 2022, lượng kiều hối đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ. Một khi điểm nghẽn về quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất của Việt kiều được khơi thông, lượng kiều hối chảy vào BĐS được kỳ vọng sẽ nhiều lên, mức độ hấp thụ của các dự án được cải thiện và thúc đẩy sự hồi phục của thị trường BĐS.

Theo quan sát của chuyên gia trong quá khứ, Việt Kiều thường nhắm đến loại hình bất động sản nào và dự báo của ông về xu hướng trong thời gian tới?

Ông David Jackson: Nếu mua để ở, Việt kiều ưu tiên vị trí bất động sản gần người thân và gia đình, hoặc ở các địa phương có môi trường tự nhiên tốt cho sức khỏe như gần biển hoặc ở cao nguyên để nghỉ dưỡng. Họ có thể chọn nhà liền thổ hoặc chung cư tùy vào giá bán BĐS khu vực đó và khả năng tài chính của họ.

Luật mới cũng cho phép Việt kiều đầu tư, kinh doanh BĐS như công dân trong nước, ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Do đó, Việt kiều cũng có thể cân nhắc các sản phẩm nhà ở cao cấp để hưởng tiềm năng tăng giá hoặc đem lại dòng tiền tốt từ việc cho thuê. Cũng có nhiều người vì không thường xuyên ở Việt Nam nên chọn các công cụ đầu tư khác như chứng chỉ quỹ, trái phiếu... thay vì trực tiếp mua BĐS.

Theo chuyên gia, có trở ngại nào trong các giao dịch bất động sản đối với Việt Kiều hay không? Lời khuyên dành cho nhà đầu tư là Việt kiều khi đầu tư vào bất động sản Việt Nam?

Ông David Jackson: Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực và thị trường BĐS Việt Nam được đánh giá còn nhiều dư địa phát triển trong dài hạn. Việc mở rộng đối tượng tiếp cận đất đai được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đầu tư BĐS trong nước, gồm cả nhà ở hay BĐS thương mại để phục vụ sản xuất - kinh doanh, thay vì chỉ gửi kiều hối về nước như trước đây.

Tuy nhiên, quá trình xác định nguồn gốc Việt Nam của người mua hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, bất cứ khi nào luật mới được ban hành, thị trường cần một đến hai năm để "hấp thụ" chính sách mới.

Do đó, thị trường cần có thêm thời gian cũng như nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện để các bên tham gia thị trường, gồm nhà phát triển, nhà đầu tư và người mua Việt kiều hiểu rõ và tích hợp các quy định mới này vào quy trình của họ và bất kỳ quyết định đầu tư nào.

Nguyên Ngọc

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 07/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9.