Mô hình ATM gửi rác, rút tiền
Bắt đầu từ tháng 4/2022, dự án “Vracbank - Gửi rác, lấy tiền” của CTCP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (QNC) là mô hình “ATM rác” đầu tiên tại Việt Nam. Sau hai năm, dự án được mở rộng trên các địa phương tại Quảng Ninh như Uông Bí, Hạ Long, Quảng Yên.
Để tham gia vào mô hình Vracbank, người dùng sẽ được tạo một tài khoản riêng nhằm quản lý dữ liệu gửi rác. Rác được thu gom, phân loại như giấy bìa carton, chai lọ nhựa, vải vụn, vỏ bao xi măng,… sau đó mang tới “ngân hàng rác” để cân và quy đổi ra thành tiền hoặc điểm tích lũy trong tài khoản.
Sau khi định lượng và tính thành tiền số lượng rác mang đến gửi, khách hàng sẽ nhận được phiếu ghi rõ số tiền, số điểm tích lũy và nhận tiền hoặc quy đổi ra sản phẩm hàng hoá thiết yếu.
Chương trình có chính sách hỗ trợ để thu hút khách hàng như: Xe vận chuyển tận nhà với số lượng rác lớn, thu mua với giá cao hơn 10-15% so với giá thị trường, lãi suất đối với những tài khoản tích lũy lâu dài… Khi tài khoản đạt đến 300 điểm tích lũy nhưng người dùng chưa rút tiền sẽ được cộng trả lãi suất 1%/năm.
Dựa trên doanh thu tiền gửi rác tích luỹ của mỗi tài khoản trong một tháng, với những tài khoản gửi rác có tổng doanh thu đạt từ 500.000 đồng/tháng trở lên, Vracbank sẽ thưởng 10% giá trị tiền tích luỹ của tài khoản đó.
Theo thống kê, từ tháng 4/2022 đến hết tháng 6/2024, có 2.150 tài khoản tham gia, khối lượng rác được Vracbank thu gom hơn 650 tấn, chi trả hơn 1,7 tỷ đồng.
Mục tiêu đến năm 2025, chương trình sẽ xây dựng 1.000 điểm thu gom chi nhánh của Vracbank, không chỉ trên địa bàn Quảng Ninh mà còn mở rộng sang các địa phương khác trên cả nước.
Ông Phạm Quang Vinh, Phó chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Quảng Ninh đánh giá Vracbank góp phần giảm thiểu tối đa lượng rác thải nhựa đi vào các bãi chôn lấp, các hoạt động xử lý bằng phương pháp đốt không thu hồi nhiệt và gây phát thải thứ cấp như hiện nay.
Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Tổng Giám đốc QNC, nói trong quá trình sản xuất xi măng tại nhà máy, nhận thấy việc dùng than nung clinker có giá thành rất cao, doanh nghiệp đã hình thành ý tưởng sử dụng nguồn nguyên liệu than kết hợp với rác thải nhựa, rác thải công nghiệp từ ngành may mặc và giày da.
Từ đó, giảm giá nguyên liệu trong sản xuất xi măng, tiết kiệm chi phí, đồng thời xử lý được khối lượng lớn rác thải nhựa, rác thải tái chế trong dân cư và các công trình, nhà máy, khu công nghiệp.
Doanh nghiệp sản xuất này cho hay việc sử dụng rác vào nung clinker cho sản xuất xi măng sẽ giúp tiết kiệm được khoảng 10-15% khối lượng than, tương đương tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí mỗi năm.