Mở cửa trở lại sau dịch, các cửa hàng quần áo, cà phê vẫn chật vật tìm cách thanh lý, sang nhượng
Trao đổi với người viết, chị Vy (30 tuổi, quê Quảng Nam) chia sẻ: Năm 2018 chị mở shop quần áo trên đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Mỗi năm, cửa hàng cho thu nhập gần 100 triệu đồng, sau khi trừ đi tiền lương nhân viên, thuê mặt bằng và các chi phí khác. Tuy nhiên sau khi trải qua nhiều đợt dịch COVID-19, chị Vy muốn sang nhượng cửa hàng để chuyển hướng kinh doanh mô hình mới.
“Từ khi dịch bệnh xảy ra năm 2020 đến nay, nhu cầu mua sắm giảm sâu. Hàng tháng tôi thống kê bán hàng hóa không đủ lo chi phí mặt bằng, còn chưa nói đến tiền điện nước, lương nhân viên,...
Năm 2020, tôi lỗ hơn 80 triệu đồng, còn năm 2021 này dịch bùng phát lại mấy tháng liền phải tạm ngừng kinh doanh. Sau khi nới lỏng giãn cách, tôi bán trở lại nhưng tình hình cũng không khá hơn nên đành tìm người để sang nhượng cửa hàng”, chị Vy nói.
Theo người phụ nữ này, dù chị đã ký gửi hơn hai tháng qua nhưng việc tìm người nhận sang nhượng cửa hàng rất khó khăn. Có hai người quan tâm, muốn nhận sang nhượng nhưng họ đưa ra giá quá thấp, chị Vy không đồng ý.
Chị Vy nói: “Tình hình nếu không tìm được người nhận sang nhượng đến trước Tết Nguyên Đán, tôi sẽ thanh lý hợp đồng thuê mặt bằng, tạm đưa hàng hóa về nhà, chấp nhận mất các chi phí đầu tư, tiền hợp đồng thuê nhà đã bỏ ra".
Anh Hà, chủ công ty chuyên nhận sang nhượng, cho thuê mặt bằng ở Đà Nẵng chia sẻ: Chị Vy là một trong nhiều người ký gửi sang nhượng cửa hàng ở công ty anh. Từ tháng 7 đến nay, công ty anh đã nhận ký gửi tìm khách hàng sang nhượng hơn 40 cửa hàng quần áo, giày dép và quán cà phê trên các tuyến đường trung tâm thành phố như Lê Duẩn, Hoàng Diệu, Nguyễn Chí Thanh, Phan Châu Trinh (quận Hải Châu); đường Trần Cao Vân, Hà Huy Tập (quận Thanh Khê) và xung quanh trường ĐH Sư phạm, ĐH Bách Khoa (quận Liên Chiểu). Giá sang nhượng từ 50 đến hơn 300 triệu đồng, chưa bao gồm tiền thuê mặt bằng.
“Việc sang nhượng cửa hàng quần áo, giày dép, quán cà phê đã diễn ra từ cuối năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch. Hồi tháng 6 vừa qua, dịch bùng phát lại khiến tình hình sang nhượng nhiều hơn, gấp 3-4 lần.
Hầu hết chủ sở hữu đều kinh doanh ế ẩm, bên cạnh đó nhiều người vay tiền đổ vào mở hai ba shop thời trang, quán cà phê trước đó mà không lường có dịch bệnh trở lại. Hiện nay, chủ sở hữu lâm nợ nên muốn thu hẹp lại hoặc chuyển sang kinh doanh mô hình mới nên tìm người sang nhượng cửa hàng”, anh Hà nói.
Còn anh Vinh, môi giới tự do chuyên nhận ký gửi, sang nhượng hàng quán kinh doanh, cho biết: Từ tháng 8 đến nay, anh cùng nhóm bạn nhận tìm khách sang nhượng cho 16 shop quần áo, giày dép và quán cà phê ở các tuyến đường Lê Duẩn, Hoàng Diệu và Nguyễn Chí Thanh (quận Hải Châu); xung quanh trường ĐH Kinh tế (quận Ngũ Hành Sơn).
“Dịch bệnh khiến kinh doanh ế ẩm, không có doanh thu trong khi hàng ngày chủ các shop thời trang, quán cà phê gánh tiền thuê mặt bằng và tiền vay để có vốn kinh doanh nên tìm người sang nhượng”, anh Vinh chia sẻ.
Theo anh Hà và anh Vinh, mặc dù nguồn cung sang nhượng nhiều nhưng nhu cầu hiện tại của khách hàng rất ít. Gần 60 shop thời trang, quán cà phê hai anh nhận ký gửi mới chỉ sang được cho hai chủ mới trong ba tháng qua.
“Chủ sở hữu sang nhượng trong thời điểm dịch bệnh, kinh doanh khó khăn nên việc tìm kiếm khách hàng không dễ dàng vì khách hàng họ biết tình trạng hiện nay. Nhiều chủ sở hữu họ định giá hàng hóa, các máy móc thiết bị đã đầu tư, các chi phí đã bỏ ra quá cao cũng là nguyên nhân khó tìm được người mới nhận sang nhượng", anh Hà chia sẻ.