|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Mirae Asset (VN) sẽ phát triển hoạt động giao dịch không môi giới, kế hoạch lợi nhuận 2024 tăng 23%

10:20 | 20/02/2024
Chia sẻ
Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đánh giá thị trường chứng khoán đang có nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng trong năm 2024. Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 913 tỷ đồng, tăng 23% so với thực hiện 2023.

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) thông báo dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên vào 13/3.

Theo tài liệu họp, công ty đánh giá thị trường đang có nhiều yếu tố hỗ trợ cho năm 2024. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5%, đến từ sự phục hồi của nhu cầu trong nước và toàn cầu, xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ vừa phải và đầu tư từ vốn Nhà nước và FDI.

Việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 dự kiến thuận lợi hơn năm 2023 với triển vọng Fed cắt giảm lãi suất 0,75 điểm phần trăm năm nay. CPI được đặt mục tiêu kiểm soát dưới ngưỡng 4-4,5%.

Chính phủ đang tập trung phát triển thị trường vốn với một số mục tiêu như: Vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 100% GDP vào 2025, lên 120% vào 2030; quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP vào năm 2025, lên 25% vào năm 2030; số lượng tài khoản chứng khoán đạt 9 triệu vào năm 2025, lên 11 triệu vào năm 2030; nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi vào năm 2025.

Theo MASVN, P/E của thị trường kỳ vọng sẽ tăng lên từ mức 15.x hiện tại lên mức trung bình lịch sử là 16−17.x. Tại đó, mức định giá của Việt Nam sẽ ngang bằng với trung vị các thị trường chứng khoán khác trên thế giới.

Nhờ lãi suất cho vay giảm và các chính sách hỗ trợ, kỳ vọng đầu tư, sản xuất và tiêu dùng sẽ phục hồi hơn nữa. Tăng trưởng EPS ở hầu hết các ngành dự kiến sẽ tăng vào năm 2024, so với mức giảm 4% trong năm 2023.

Các rủi ro cần theo dõi trong năm 2024 bao gồm, sự không chắc chắn về thời gian và quy mô cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2024; tác động của lãi suất toàn cầu cao đối với việc đảo nợ, hoạt động kinh doanh, tiêu dùng; hậu quả ngày càng lan rộng từ khủng hoảng bất động sản Trung Quốc; rủi ro địa chính trị.

Về phía mình, kế hoạch năm 2024, MASVN muốn tiếp tục mở rộng hoạt động môi giới với mục tiêu nâng thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm trên sàn HOSE vào top 5 (năm 2023 đạt hạng 6 về môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ cả trên sàn HOSE và HNX).

 Nguồn: MASVN.

MASVN cũng lên kế hoạch tiếp tục đầu tư vào hệ thống và đội ngũ công nghệ. Công ty cho biết đang xây dựng hệ thống phần mềm riêng với sự hỗ trợ từ tập đoàn mẹ Hàn Quốc. Công ty đang triển khai và phát triển kênh giao dịch không môi giới nhằm đón đầu làn sóng đầu tư vào thị trường chứng khoán của đông đảo nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường; đồng thời chuẩn bị nguồn lực và tài chính để phục vụ tổ chức nước ngoài.

Năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh thu 2.730 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 913 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,5% và 23,4% so với thực hiện 2023.

 Nguồn: MASVN.

Nhìn lại 2023, MASVN ghi nhận đối mặt với khó khăn của nền kinh tế trong và ngoài nước, kết quả quả kinh doanh giảm so với 2022. Cụ thể, doanh thu hoạt động 2.515 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt 740 tỷ đồng và 584 tỷ đồng, giảm 12-13%.

Số lượng tài khoản chứng khoán cơ sở năm 2023 là trên 91.000 tài khoản, giảm 25% so với năm trước; ngược lại, số lượng tài khoản chứng khoán phái sinh tăng 36% lên trên 37.000 tài khoản.

Công ty cũng trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 là trả cổ tức 7%/năm đối với cổ đông mua cổ phần ưu đãi cổ tức, phần lợi nhuận còn lại sẽ được cộng dồn vào vốn chủ sở hữu.

Một nội dung khác dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua là việc miễn nhiệm 3 cá nhân khỏi vị trí thành viên ban kiểm soát. Đồng thời, MASVN muốn bổ nhiệm ông Jung Ho RHEE giữ chức Trưởng Ban kiểm soát, bà Nguyễn Thị Thu Vân và bà Mai Diệu Trúc làm Thành viên. 

Xuân Nghĩa

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'cứu cánh' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, "cứu cánh" cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.