Mirae Asset: HDBank đang được xem xét nới 'room' ngoại lên 49% theo lộ trình thực hiện EVFTA
Trong báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank - Mã: HDB), Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho biết HDBank là một trong số ít ngân hàng đang được xem xét nới giới hạn sở hữu nước ngoài lên 49% theo lộ trình quy định trong thỏa thuận thương mại EVFTA.
Bộ phận phân tích cho rằng nếu được chọn trở thành ngân hàng thí điểm sẽ là một yếu tố hỗ trợ giá của cổ phiếu, khi việc nới giới hạn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư dài hạn hơn.
Bên cạnh đó, với việc sử dụng trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) như một công cụ huy động mới, HDBank đã phần nào giảm được chi phí huy động cũng như hỗ trợ giá cổ phiếu khi giá chuyển đổi được nhiều nhà đầu tư xem là mức giá tham chiếu cho cổ phiếu HDB.
Trong lần chỉnh gần đây nhất của cổ phiếu HDB, thị giá đã nhanh chóng phục hồi tại mức giá chuyển đổi và giai đoạn này cũng gần trùng với thời hạn chuyển đổi của TPCĐ.
Cũng theo MASVN, chi phí huy động của HDBank cho giấy tờ phát hành có giá đang cao hơn so với các ngân hàng lớn khác. Việc sử dụng TPCĐ cũng như phát hành trái phiếu quốc tế sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận của ngân hàng. Thêm vào đó, phát hành TPCĐ cũng giúp gia tăng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cho ngân hàng.
Thu nhập lãi thuần là động lực tăng trưởng chính trong năm 2022
Nhờ hoàn thành được 84,5% kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng, các chuyên gia cho rằng HDBank sẽ có nhiều dư địa để cân bằng giữa tăng trưởng lợi nhuận và củng cố chất lượng tài sản bằng cách tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu trong thời gian tới.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng dự báo đạt 8.135 tỷ đồng trong năm 2021 và 9.290 tỷ đồng năm 2022, tương ứng với mức tăng trưởng lần lượt là 39,8% và 14,2% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu nhập thuần từ lãi sẽ là động lực tăng trưởng chính cho thu nhập của ngân hàng trong năm 2022. Tăng trưởng tín dụng được duy trì sẽ hỗ trợ tăng trưởng thu nhập thuần từ hoạt động cho vay.
Mặt khác, thu nhập thuần từ cung cấp các dịch vụ sẽ chậm lại do nền tăng trưởng cao trong hai năm gần đây. Thu nhập khác có thể gặp áp lực như thiếu lợi nhuận từ giao dịch trái phiếu dựa trên kỳ vọng tăng lãi suất điều hành.
Về chất lượng tài sản, nhóm phân tích kỳ vọng tín dụng của ngân hàng sẽ tăng tốc trở lại trong quý cuối năm 2021 và năm 2022 khi các biện pháp giãn cách dần được nới lỏng, cũng như độ phủ vắc xin cao.
"Tuy hạn mức tăng trưởng tín dụng của HDBank chưa được sử dụng hết trong 9 tháng đầu năm nhưng ngân hàng vẫn có nhu cầu nâng hạn mức, cho thấy ngân hàng sẽ việc đẩy mạnh cho vay trong những tháng cuối năm," báo cáo viết.
Tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu mở rộng (bao gồm nợ nhóm 2) dự báo sẽ gia tăng nhẹ trong năm 2021 và 2022 do cơ cấu tín dụng của HDBank được phân bố tập trung ở các tỉnh và TP phía nam, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh cả về số ca và áp lực kinh tế (thời gian giãn cách kéo dài).