|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Minh Beta rót vốn vào startup máy chiếu mini của cựu sinh viên Ngoại Thương

08:04 | 26/12/2023
Chia sẻ
Xuất phát điểm là sinh viên đại học Ngoại Thương và có sở thích với các món đồ công nghệ, nên nhà sáng lập Beecube đã nghiên cứu, tìm hiểu để cho ra sản phẩm máy chiếu mini phục vụ thị trường Việt.

Phan Anh Vũ, nhà sáng lập và điều hành thương hiệu máy chiếu Beecube mang mô hình kinh doanh của mình tới Shark Tank Việt Nam để huy động 8 tỷ đồng cho 10% cổ phần.

Theo chia sẻ, câu chuyện về chiếc máy chiếu mini của Vũ bắt nguồn từ ngày còn đi học. Trong một lần được tham dự lớp học có trang bị máy chiếu, Vũ đã cảm thấy thích thú và nảy ra suy nghĩ “Tại sao một cái máy chiếu như thế này người ta không mang về xem phim? Chỉ để trình chiếu slide thế này nó phí quá”.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó anh cũng nhận thức được rằng chi phí cho một chiếc máy chiếu khá đắt đỏ và chúng khá thô kệch, cồng kềnh nên chỉ được dùng chủ yếu ở các cuộc họp, hội nghị,... Sau đó, Vũ bắt đầu mò mẫm để cho ra sản phẩm máy chiếu mini cùng thương hiệu Beecube.

 Phan Anh Vũ, nhà sáng lập công ty sản xuất máy chiếu Beecube. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Nhà sáng lập Beecube cho biết điểm khác biệt của sản phẩm so với các máy chiếu truyền thống là ngoại hình nhỏ gọn, tiện lợi, dễ mang di chuyển và có thể làm đồ trang trí. Ngoài sản xuất máy chiếu, Beecube cũng tạo ra được một cộng đồng người sử dụng máy chiếu khoảng 20.000 thành viên.

Được thành lập vào năm 2021, Beecube đã đạt doanh thu 7 tỷ đồng trong cùng năm. Doanh số năm ngoái đạt 25 tỷ đồng với lợi nhuận chiếm 15%. Tính đến hết quý III năm nay, Beecube đã đạt doanh thu 27 tỷ và 12% lợi nhuận.

Dự kiến hết năm 2023 doanh nghiệp thu về là 39 tỷ đồng. 

Shark Bình cho rằng máy chiếu mini không phải một sản phẩm mới và rất nhiều thương hiệu trên thị trường đã làm rồi. Điều này được nhà sáng lập Beecube thừa nhận nhưng anh tự tin rằng sản phẩm của mình có nhiều phân khúc rõ ràng.

Hiện tại, doanh thu của Beecube đang phân theo tỷ trọng 70% online và 30% offline cho 6 showroom bán lẻ trực thuộc Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng và TP HCM. Mục tiêu năm 2024 và 2025, Beecube sẽ nâng tỷ trọng B2C lên, ổn định tỷ trọng B2B và tìm kiếm hướng đi ra thị trường toàn cầu.

 Shark Minh Beta đầu tư cho Beecube. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Shark Bình là người đầu tiên từ chối deal này vì ông nhận định đây là một sản phẩm không quá sáng tạo, ít tiềm năng khi mở rộng vào thị trường đại chúng. Shark Hùng Anh cũng có cùng quan điểm và không tham gia vào thương vụ. 

Tuy vậy, Shark Bình cũng đề nghị cho vay 8 tỷ đồng với điều kiến Beecube phải chia cổ tức cùng mức lãi 20% dành cho Shark sau khi thu hồi vốn.

Shark Minh Beta đưa ra đề nghị đầu tư 8 tỷ đồng cho 25% cổ phần. Ngoài ra, Shark Minh cũng rút ra tấm Vé Vàng Golden Ticket đầu tiên của mùa 6 để giành quyền thương lượng trực tiếp với Beecube.

Nhà sáng lập Beecube quyết định nhận tấm Vé Vàng. Sau đó, hai bên đạt thoả thuận với đề nghị đầu tư 8 tỷ đồng cho 22,5% cổ phần của Shark Minh Beta.

Thuỳ Trang