'Miếng bánh' thị trường dầu châu Á - mục tiêu thực sự của ông Trump?
Mỹ chính thức chấm dứt miễn trừ lệnh trừng phạt đối với 8 nhà nhập khẩu dầu Iran, chủ yếu đến từ châu Á, vào ngày 2/5 nhằm nhằm ngăn chặn xuất khẩu dầu của quốc gia Trung Đông và từ đó bóp nghẹt nguồn doanh thu chính của Tehran.
Điều này khiến thị trường dầu, vốn đang rơi vào tình trạng thắt chặt vì thoả thuận cắt sản xuất của Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh, gia tăng lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung trong thời gian tới.
Hôm 10/4, OPEC cho biết thỏa thuận giảm nguồn cung của tổ chức và sự sụt giảm sản lượng tại Venezuela và Iran đã đẩy thị trường dầu rơi vào tỉnh trạng thâm hụt, với nguồn cung đang ở dưới mức nhu cầu ước tính của tổ chức đối với dầu thô.
Và dầu đá phiến Mỹ có thể là một lựa chọn thay thế.
Từ quốc gia nhập khẩu ròng trở thành nhà xuất khẩu ròng
Theo báo cáo từ Bộ Năng lượng Mỹ vào tháng 12/2018, lần đầu tiên kể từ năm 1973, Mỹ là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ duy trì tăng trong tháng 6 và tháng 8/2018, lên gần 11 triệu thùng/ngày. Con số này đưa Mỹ vượt qua Nga lần đầu tiên kể từ tháng 2/1999. Và Mỹ sẽ không ngừng phấn đấu để đạt được ngôi vị dẫn đầu trên thị trường dầu.
Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ vượt Nga và Arab Saudi trong suốt năm 2019.
Sản lượng dầu của Mỹ không ngừng gia tăng.
Dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến ngày 26/4, không gồm dự trữ xăng dầu quốc gia, tăng 9,9 triệu thùng so với tuần trước đó.
Tháng 11/2018 đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng của ngành dầu Mỹ, khi xuất khẩu dầu nhiều hơn khối lượng mua vào lần đầu tiên trong nhiều thập kỉ trong tuần cuối cùng của tháng.
Xuất khẩu ròng dầu thô và sản phẩm dầu từ Mỹ tổng cộng đạt 211.000 thùng/ngay trong tuần tính đến ngày 30/11, theo dữ liệu từ EIA. Chỉ mới năm 2005, nhập khẩu ròng dầu thô của Mỹ trung bình đạt hơn 12,5 triệu thùng/ngày.
Ở mức 470,6 triệu thùng, dự trữ dầu thô của Mỹ đang ở mức trung bình trong 5 năm.
Với sản lượng hiện tại, cơ quan năng lượng Mỹ dự báo nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ xuất khẩu nhiều dầu thô và nhiên liệu lỏng hơn so với nhập khẩu vào tháng 9/2020 và tổng xuất khẩu ròng sẽ vượt 1 triệu thùng/ngày vào tháng 12/2020.
Nguồn: Financial Times.
Châu Á tăng nhập khẩu dầu Mỹ sau khi lệnh miễn trừ kết thúc
Thị trường châu Á là cái bánh hấp dẫn cho các nhà xuất khẩu dầu trên thế giới. Theo World Top Exports, các quốc gia châu Á có giá trị nhập khẩu dầu lớn nhất trong năm 2018 tính theo đồng USD, ghi nhận ở mức 628,2 tỉ USD (tương đương 53,2% tổng giá trị nhập khẩu của thế giới).
Trong số các nhà nhập khẩu dầu hàng dầu lớn của Iran nhận được miễn trừ từ Mỹ có Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc, đây cũng là những nền kinh tế nằm trong top 15 nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới về giá trị trong 2018.
Sau khi lệnh miễn trừ của Mỹ kết thúc vào ngày 2/5, nhiều quốc gia châu Á đang tìm đến dầu Mỹ như nguồn cung thay thế.
Ảnh minh hoạ.
Tại Ấn Độ, Indian Oil, nhà máy lọc dầu và bán lẻ lớn nhất quốc gia này, đã tuyên bố kí hợp đồng năm để mua dầu thô Mỹ vào cuối tháng 2 để đa dạng hoá nguồn nhập khẩu. Theo hợp đồng, công ty sẽ nhập khẩu 3 triệu tấn dầu trị giá 1,5 tri USD trong năm ngày chính bắt đầu vào tháng 4.
Ngoài ra, phần lớn dầu thô Mỹ chảy sang châu Á sẽ được điều hướng tới các nhà máy lọc dầu ở Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ và Nhật Bản trong vài quí qua.
Tuy nhiên theo ghi nhận, các chuyến tàu chở dầu Mỹ cũng đang di chuyển tới các quốc gia khác ở châu Á như Australia, Việt Nam và Indonesia.
Theo đó, chiếc Almi Horizon, vận chuyển khoảng 340.000 thùng dầu thô Mỹ, sẽ cập cảng thuộc nhà máy lọc dầu Dung Quất, Quảng Ngãi vào cuối tháng 4, trong khi Indonesia sẽ nhận được lô hàng dầu thô Mỹ đầu tiên vào tháng 6.
Bên cạnh đó, hai lô dầu thô Mỹ cũng đã vận chuyển đến Australia, dữ liệu theo dõi tàu biển từ Refinitiv và Vortexa cho biết.
Sự lựa chọn của tổng thống Mỹ
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần kêu gọi OPEC tăng sản xuất để hạ giá dầu thế giới, giá dầu tăng cao sau tuyên bố chấm dứt miễn trừ của Washington.
Giá dầu thô, vốn duy trì ở mức cao nhờ thoả thuận giảm sản xuất của tổ chức xuất khẩu dầu, vượt 75 USD/thùng lần đầu tiên trong 6 tháng.
Dù người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ chịu tác động mạnh từ sự tăng giá này, những các nhà xuất khẩu dầu sẽ hưởng lợi lớn.
Ông Trump tin tưởng Arab Saudi sẽ tăng sản lượng để bù đắp vào lượng dầu sụt giảm từ Iran, nhưng Bộ trưởng năng lượng Oman Mohammed bin Hamad al-Rumhy mới đây cho biết OPEC, Nga và các nhà sản xuất khác sẽ tìm cách gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng dầu khi gặp mặt vào tháng 6.
Ông cũng nói thị trường đang cân bằng và 70 USD/thùng là một mức giá phù hợp cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng, thêm vào đó, bất chấp chính sách của Mỹ đối với Iran, cũng như các cuộc khủng hoảng ở Venezuela và Libya, giá dầu có thể vẫn ở mức này.