Định giá thị trường Việt Nam có rẻ trong bối cảnh lãi suất tăng?
Báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm của VNDirect (Mã: VND) công bố mới đây cho thấy, sau khi đạt mức cao lịch sử tại 1.528,6 điểm vào ngày 6/1, VN-Index đã giảm mạnh trong những tháng tiếp theo. Tâm lý tiêu cực lan rộng khiến VN-Index giảm xuống 1.188,9 điểm, giảm 20,7% so với đầu năm vào ngày 23/6.
Theo bộ phận phân tích của VNDirect, việc bán tháo của thị trường có thể là do Fed đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại do lạm phát cao, gián đoạn chuỗi cung ứng và tình trạng tài chính toàn cầu thắt chặt.
Bên cạnh đó, tâm lý thị trường tiêu cực do các vụ bắt giữ một số chủ tịch công ty lớn liên quan đến thao túng cổ phiếu và gian lận phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tính từ đầu năm 2022, HNX-Index đã giảm 41,5% so với đầu năm và UPCoM-Index cũng giảm 23,1%.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã điều chỉnh giống như hầu hết các thị trường mới nổi khác trong 6 tháng đầu năm, đưa VN-Index giao dịch ở mức gần như thấp nhất trong 5 năm qua.
Vào ngày 23/6, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E hiện tại là 12,9 lần, tức là mức chiết khấu 25% so với mức đỉnh trong năm nay và chiết khấu 22% so với mức P/E trung bình 5 năm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang nổi bật hơn các thị trường mới nổi khác do có mức tăng trưởng EPS cao trong giai đoạn 2022 - 2024 (trung bình 19,2%).
Tuy nhiên, để định giá thị trường Việt Nam trong tương quan với môi trường lãi suất tăng, các nhà phân tích của VNDirect sử dụng phương pháp định giá lợi suất thu nhập thị trường. Phương pháp này rất hữu ích khi xuất hiện lo ngại về lãi suất tăng và giúp nhà đầu tư tối ưu phân bổ tài sản.
Nhóm phân tích quan sát thấy rằng chênh lệch giữa lợi suất thu nhập của thị trường Việt Nam và lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng thương mại đang gia tăng, điều này cho thấy thị trường chứng khoán có thể đang bị định giá thấp.
Từ đó, VNDirect kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phục hồi vào nửa cuối năm 2022 với 2 kịch bản được đưa ra.
Kịch bản cơ sở bao gồm các luận điểm như lạm phát của Mỹ khó có thể sớm hạ nhiệt; Fed tăng lãi suất điều hành theo kế hoạch và lãi suất mục tiêu quỹ của Fed có thể tăng đến 3,2-3,8% vào cuối năm 2022; tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo ở mức 7,1% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thể tăng lãi suất điều hành thêm 25 - 50 điểm cơ bản trong quý IV/22; tăng trưởng EPS năm 2022 của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE sát với dự báo là 23% so với cùng kỳ năm trước.
Với kịch bản này, VND dự báo VN-Index đạt 1.330 điểm vào cuối năm 2022 (tương đương P/E ở mức 12,5 lần)
Với kịch bản tích cực, lạm phát của Mỹ có thể sớm hạ nhiệt từ cuối quý III/22; kế hoạch tăng lãi suất của Fed có thể chậm lại và lãi suất mục tiêu quỹ của Fed có thể đạt 2,8 - 3,2% vào cuối năm 2022.
Song song đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo vượt 7,5% so với cùng kỳ; NHNN không thể tăng lãi suất điều hành trong năm 2022 và tăng trưởng EPS năm 2022 của các công ty niêm yết trên HOSE có thể vượt dự báo.
Theo đó, các nhà phân tích cho rằng VN-Index sẽ đạt 1.500 điểm vào cuối năm 2022, tương đương P/E khoảng 14 lần.