|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mì trà sữa trân châu bắp bò gây tranh cãi của 'ông trùm' Golden Gate

16:09 | 27/09/2024
Chia sẻ
Trước món mì trà sữa trân châu bắp bò, thị trường F&B Việt Nam đã chứng kiến nhiều món ăn kỳ lạ, như trà sữa hột vịt lộn, trà sữa hành lá hay chuỗi F&B nổi tiếng Pizza 4P's cũng từng gây chú ý với món pizza bún đậu mắm tôm.

Chuỗi trà sữa Yu Tang mới đây đã tạo nên một "cú hích" khi ra mắt món mì trà sữa trân châu bắp bò, một sự kết hợp có vẻ "bất khả thi" nhưng lại nhanh chóng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Theo giới thiệu, món ăn này được lấy cảm hứng từ món lẩu sữa Đài Loan, Yu Tang đã sáng tạo nên món mì có nước dùng từ trà sữa và kết hợp cùng thịt bò, trân châu.

Mì trà sữa trân châu bắp bò của Yu Tang. (Ảnh: Yu Tang).

Yu Tang, ra mắt vào tháng 8/2017, là thương hiệu trà sữa đầu tiên của tập đoàn F&B Golden Gate - chủ sở hữu nhiều chuỗi nhà hàng lớn như Manwah, Kichi-Kichi, và Gogi House. Bên cạnh trà sữa, Yu Tang còn cung cấp các món ăn đường phố Đài Loan. Tháng 8/2023, Golden Gate cũng ra mắt chuỗi trà sữa khác có tên Universal Tea.

Món mì trà sữa gây tranh cãi từ phía người dùng. Một số bày tỏ sự hoài nghi, nhưng cũng không ít người sẵn sàng thử thách vị giác của mình với sự kết hợp độc đáo này. Mặc dù ý tưởng có phần táo bạo, Yu Tang không phải là thương hiệu đầu tiên thử nghiệm những món ăn kết hợp "độc lạ".

Chẳng hạn, tại Hong Kong, món Yuenyeung kết hợp giữa cà phê và trà sữa, đã trở thành một biểu tượng của sự sáng tạo trong ẩm thực đồ uống. Hương vị đậm đà của cà phê được cân bằng bởi sự ngọt ngào của trà, khiến đây trở thành món uống yêu thích của nhiều người.

Tại Indonesia, món Es Alpukat Kopi - sự kết hợp giữa cà phê và bơ, đã mang lại cảm giác béo ngậy và thanh mát, một trải nghiệm mới mẻ cho những ai ưa thích những món ăn kỳ lạ.

Đầu năm nay, tại Trung Quốc, Starbucks tung ra sản phẩm cà phê vị thịt heo kho Đông Pha – món uống gây tranh cãi nhưng lại được đón nhận nồng nhiệt trong dịp Tết Nguyên Đán. 

Thịt heo Đông Pha là món ăn truyền thống xuất hiện ở hầu hết các vùng tại Trung Quốc. Món ăn được đặt theo tên của vị nhà thơ, hoạ sĩ nổi tiếng trong Thế kỷ 11. Đông Pha là món thịt heo kho cùng với các nguyên liệu như đường phèn, nước tương, rượu và các gia vị khác. Thành phẩm là thịt heo có kết cấu cực kỳ mềm, có thể dễ dàng cắt thành miếng nhỏ bằng đũa.

Thị trường F&B Trung Quốc cũng sở hữu nhiều món đồ uống độc lạ. Đơn cử, món Latte cay Giang Tây, có giá khoảng 20 nhân dân tệ (hơn 68.000 đồng), là sản phẩm kết hợp cà phê với ớt, xuất phát từ vùng Giang Tây nổi tiếng với các món ăn cay.

Ngoài latte ớt, nhiều cửa hàng ở Trung Quốc còn sáng tạo thêm trà sữa pha sa tế, cà phê pha với rượu Mao Đài, hay thậm chí trứng bắc thảo. Trong cuộc đua sáng tạo, một số quán cà phê còn pha cà phê với giấm, bạch tuộc, đậu phụ thối, và dùng cà phê làm nước sốt ăn kèm bánh cuốn hay cơm cuộn, tạo ra những trải nghiệm độc lạ cho thực khách.

Những sự kết hợp "lạ lùng" này không chỉ đơn thuần là những ý tưởng độc đáo mà còn phản ánh sự phát triển của ngành F&B, nơi sáng tạo không còn giới hạn trong các công thức truyền thống. Những món như mì trà sữa của Yu Tang hay Latte cay Giang Tây đang trở thành biểu tượng cho xu hướng này, không chỉ thu hút sự chú ý mà còn tạo nên làn sóng thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội.

Thành Vũ

Làn sóng rao bán tài sản, cơ cấu hoạt động kinh doanh
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải cầm cự bằng cách cắt giảm nhân sự, cơ cấu lại các khoản đầu tư thậm chí giải thể các đơn vị kinh doanh không hiệu quả.