|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

7-Eleven né thâu tóm

11:30 | 13/11/2024
Chia sẻ
7-Eleven đang là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới.

Theo AFP, Seven & i Holdings - chủ sở hữu 7-Eleven (Nhật Bản) đang cân nhắc việc tự mua lại cổ phần để trở thành công ty tư nhân, nhằm tránh bị đối thủ Couche-Tard (đơn vị vận hành Circle K) thâu tóm.

Seven & i Holdings xem xét động thái này như một biện pháp đối phó trước đề xuất thâu tóm trị giá 7.000 tỷ yen (45 tỷ USD) từ Alimentation Couche-Tard.

Nếu thương vụ thành công, đây sẽ là thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay của một công ty nước ngoài đối với một doanh nghiệp Nhật Bản.

Cửa hàng 7-Eleven tại TP HCM. (Ảnh: Đức Huy).

Hiện tại, 7-Eleven có khoảng 85.000 cửa hàng trên toàn thế giới, là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới. Khoảng một phần tư số cửa hàng này nằm tại Nhật Bản, nơi 7-Eleven được xem là điểm dừng chân tiện lợi cho mọi nhu cầu, từ cơm nắm đến vé xem hòa nhạc.

Ngày 13/11, Bloomberg cũng đưa tin rằng Seven & i đang cân nhắc mua lại cổ phần do ban lãnh đạo thực hiện, gọi là MBO, với giá trị có thể lên đến 9.000 tỷ yen, cao hơn mức vốn hóa thị trường hiện tại là 5.700 tỷ yen.

Người phát ngôn của Seven & i cho biết hiện “chưa có thông tin nào để công bố công khai”.

Cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đầu tiên ở Việt Nam được mở vào năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 19 góp mặt trong hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới này. Tính đến năm 2023, 7-Eleven có khoảng 80 cửa hàng tại Việt Nam.

Trong khi đó, Couche-Tard, xuất phát từ một cửa hàng ở Laval, Canada vào năm 1980, hiện đang điều hành gần 17.000 cửa hàng tiện lợi trên toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, chuỗi này hiện diện từ tháng 12/2008 đến nay có hơn 450 cửa hàng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP HCM,…

Theo Nikkei, nguồn tin thân cận với Seven & i cho biết công ty đã bắt đầu thảo luận với các tổ chức tài chính để huy động nguồn lực cần thiết cho kế hoạch mua lại cổ phần của mình.

Tuy nhiên, công ty cho biết có thể gặp một số trở ngại, bao gồm việc các ngân hàng có đồng ý cho vay số tiền lớn cần thiết hay không và liệu gia đình sáng lập Seven & i có ủng hộ kế hoạch này.

Vào tháng 9, Seven & i đã từ chối đề nghị thâu tóm ban đầu từ Couche-Tard, cho rằng đề nghị này “đánh giá quá thấp” giá trị của công ty và có thể gặp rào cản pháp lý.

Tháng trước, công ty cho biết đã nhận được đề nghị sửa đổi từ Couche-Tard, với tổng giá trị được cho là khoảng 7.000 tỷ yen.

Để nâng giá cổ phiếu và ngăn chặn Couche-Tard, Seven & i đã công bố kế hoạch tái cấu trúc lớn, bao gồm việc tách riêng các mảng kinh doanh không cốt lõi.

Công ty mẹ mới sẽ tập trung vào 7-Eleven và bao gồm các mảng kinh doanh thực phẩm siêu thị, cửa hàng chuyên biệt và các hoạt động khác.

Đức Huy

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.