|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mì gói thăng hoa, đồ uống sa sút ở châu Á vì COVID-19

11:07 | 26/08/2020
Chia sẻ
Ngành mì ăn liền ở châu Á đang hưởng lợi lớn từ đại dịch viêm phổi cấp COVID-19, trong bối cảnh phong trào tích trữ thực phẩm trong giai đoạn giãn cách xã hội tăng, trong khi doanh thu của mảng đồ uống giảm.

Lữ hành, khách sạn, hàng không, dầu khí và nhiều ngành trên toàn cầu đang khốn đốn vì COVID-19, nhưng các nhà sản xuất mì ăn liền không phải chịu hoàn cảnh tượng. Ngược lại, họ đang hưởng lợi từ lệnh phong tỏa và các biện pháp giãn cách xã hội ở nhiều nước. 

Do châu Á là thị trường tiêu thụ lớn nhất, các nhà sản xuất mì ăn liền trong khu vực đang tận hưởng thời kì dễ chịu trong bối cảnh kinh tế ảm đạm.

2020 sẽ là năm bội thu đối với Tingyi Holding, nhà sản xuất mì ăn liền Master Kong - thương hiệu mì ăn liền đạt doanh số cao nhất Trung Quốc. Doanh thu nửa đầu năm của họ tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 32,93 tỉ nhân dân tệ (4,76 tỷ USD), trong khi lợi nhuận ròng tăng 58,4%, đạt 2,38 tỉ nhân dân tệ và lập kỉ lục mới.

Mì gói thăng hoa, đồ uống sa sút ở châu Á vì COVID-19 - Ảnh 1.

Nhu cầu mua mì ăn liền ở châu Á tăng mạnh khi người dân ở nhiều nước tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn COVID-19. Ảnh: Nikkei Asian Review

Wei Hong-ming, Chủ tịch HĐQT của Tingyi tuyên bố mì ăn liền đã giúp tập đoàn trở lại thời kì vinh quang. Mảng đồ uống của tập đoàn chứng kiến doanh thu giảm 4,1% và lợi nhuận ròng tăng 9,9%, song mì ăn liền hưởng mức tăng trưởng hai con số cả về doanh thu ( 29,2%) và lợi nhuận ròng (93,7%).

Vị chủ tịch nhận định yếu tố chủ chốt là nhu cầu tăng cao đối với mì ăn liền trong giai đoạn đại dịch. Khi số lượng người ở nhà tăng vì các quy tắc giãn cách xã hội ở Trung Quốc, mức độ mua mì ăn liền cũng tăng theo.

"Đô thị nhỏ và khu vực nông thôn trở thành thị trường quan trọng khi số lượng người di chuyển giảm. Ngoài ra, mức độ tích trữ của người tiêu dùng cũng tăng do bối cảnh đại dịch và phong trào ăn tại nhà", Wei bình luận.

Tingyi đã sớm nhận ra nhu cầu của người tiêu dùng trên cả nước nhờ sự phổ biến của thương hiệu và phạm vi tiếp cận rộng rãi. Dữ liệu của Nielsen cho thấy, trong nửa đầu năm, doanh số mì ăn liền của Tingyi tăng 11,5% ở đại lục.

Anne Ling, nhà phân tích hàng tiêu dùng của công ty Jefferies Hong Kong, đã nâng ước tính lợi nhuận ròng cả năm của Tingyi từ mức 3,441 tỉ nhân dân tệ (theo dự báo trước đó) lên 4,244 tỉ nhân dân tệ . 

"Khả năng Tingyi giành thêm thị phần trong tương lai rất cao. Đại dịch COVID-19 giúp họ giới thiệu các sản phẩm cao cấp cho khách hàng trong giai đoạn khủng hoảng".

S&P Global Ratings và hàng loạt tổ chức xếp hạng lớn cũng đã nâng triển vọng của Tingyi từ trung lập lên tích cực từ trung lập.

Mức nâng triển vọng phản ánh sự cải thiện trong hồ sơ tín dụng của Tingyi và kỳ vọng của chúng tôi rằng vị thế cạnh tranh của tập đoàn trong ngành mì ăn liền và đồ uống đóng sẵn sẽ tiếp tục tăng mạnh", S&P Global Ratings, giải thích.

Ying Wang, nhà phân tích cấp cao của Moody's Investors Service, kỳ vọng Tingyi sẽ duy trì các chỉ số tài chính vững chắc trong vòng 2-3 năm tới. S&P và Moody's công bố mức xếp hạng có thể đầu tư tương ứng dành cho Tingyi là BBB-plus và Baa1.

Uni-President China, một doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền ở Đài Loan, cũng hưởng lợi từ các biện pháp cách li tại nhà. 

"Nửa đầu năm 2020, ngành sản xuất mì ăn liền đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp về phòng COVID-19 toàn cầu", Chủ tịch Lo Chih-Hsien của Uni-President China nhận xét.

Công ty con tại Hong Kong của Uni-President là một trong những nhà sản xuất mì ăn liền hàng đầu ở đại lục. Doanh thu mảng thực phẩm của họ - với mì đóng vai trò chút chốt - đã tăng 22% lên 5,21 tỉ tệ, còn lợi nhuận tăng 30% lên 448,09 triệu tệ.

Lo nhận định người tiêu dùng đã hiểu hơn về độ an toàn và độ ngon của mì ăn liền và ngành đã tăng trưởng mạnh. 

"Mặc dù vậy, giống như Tingyi, mảng đồ uống của Uni-President khá ảm đạm, do doanh thu giảm 7,4% trong khi lợi nhuận chỉ tăng 2,1%", ông Lo tiết lộ.

Indofood CBP Sukses Makmur, một doanh nghiệp thực phẩm ở Indonesia, xác nhận mảng mì là tác nhân chủ đạo đối với mức tăng trưởng doanh thu 4,1%. Doanh số bán mì ăn liền của tập đoàn tăng 6,3% và đạt 15,492 nghìn tỉ rupiah (1,05 tỉ USD), còn tỉ suất lợi nhuận gộp tăng 1,1 điểm phần trăm, đạt 22,6%, nhờ giá bán cao hơn và giá lúa mì giảm. 

Hoạt động kinh doanh mỳ của Indofood CBP Sukses Makmur tập trung vào thương hiệu Indomie mà họ bán bên ngoài lãnh thổ Indonesia, bao gồm cả khu vực khác của châu Á và châu Phi.

Đà tăng trưởng của các nhà sản xuất mì lớn ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng khá lớn. Nissin Foods (Nhật Bản), chủ sở hữu thương hiệu Cup Noodle, thông báo nhận lợi nhuận ròng trong quý II cao hơn gấp đôi, đạt 12,09 tỉ yen (114,2 triệu USD) so với cùng kì năm 2019.

Lợi nhuận của Toyo Suisan, một nhà sản xuất mì khác ở Nhật Bản, tăng 76%, lên 8,4 tỉ yen trong cùng kỳ. Cả hai tập đoàn đều tăng trưởng doanh số bán hàng trong nước cũng như nước ngoài. Thị trường chủ yếu của Nissin là châu Mỹ, Trung Quốc đại lục và Hong Kong, còn Toyo Suisan chủ yếu bán sản phẩm ở  Mỹ và Mexico.

Hai "đại gia" mì ăn liền đã dẫn đầu sự phục hồi của thị trường chứng khoán Nhật Bản. Giá cổ phiếu của cả hai tập đoàn đều tăng hơn 35% kể từ khi chỉ số Nikkei Average chạm mức thấp nhất trong năm vào giữa tháng 3. Đây là hai trong số 10 cổ phiếu hàng đầu trên sàn Tokyo, với vốn hóa thị trường trên 50 tỷ yen.

Nongshim (Hàn Quốc) cũng hưởng "trái ngọt" tương tự khi doanh thu nửa đầu năm nay tăng 17,2% so với cùng kỳ, lên 1,35 nghìn tỉ won (1,13 tỉ USD). Doanh số thương hiệu mì cay Shin Ramyun ở thị trường nội địa của Nongshim đã tăng 12% trong khi doanh số bán hàng ở nước ngoài tăng 34%, nhờ sức mua ở hai thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ tăng.

"Mức độ nhận diện Nongshim ở bên ngoài Hàn Quốc tăng nhờ COVID-19", Shim Eun-joo, một nhà phân tích của công ty Hana Financial Investment, bình luận. 

Giống như các doanh nghiệp cùng ngành tại Nhật Bản, giá cổ phiếu của Nongshim đã tăng hơn 50% trong năm nay, đạt 361.000 won khi phiên giao dịch ngày 24/8 kết thúc. Giá cổ phiếu Nongshim đạt 500.000 won trong 12 tháng tới là dự báo của Shim.

Nhạc Phong