MBS: Cho vay mua nhà và mua xe là động lực dẫn dắt tăng trưởng của VIB trong những năm tiếp theo
Báo cáo mới đây của Chứng khoán MB (MBS) cho biết mảng cho vay mua nhà và cho vay mua xe của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB – Mã: VIB) là động lực dẫn dắt tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, mảng kinh doanh thẻ cũng đóng góp đáng kể vào danh mục cho vay bán lẻ của ngân hàng này.
Chuyên gia MBS cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang khá thận trọng trong việc nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nửa cuối năm 2022 nhằm kiểm soát lạm phát.
Do đó, khả năng cao ngân hàng sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 30% cho cả năm 2022 dù các mảng cho vay chủ lực của ngân hàng này đang là những mảng cho vay được chú trọng và là thị trường mà hầu hết các NHTM khác đang hướng tới. Tăng trưởng tín dụng của VIB được dự báo đạt mức 13,5%, tương đương với room hiện tại.
Cùng với đó, mảng bán lẻ cũng đang có sự cạnh tranh khá khốc liệt với những ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VPBank, MB,... Theo MBS, những ngân hàng này có thẻ có lợi thế về mặt chi phí vốn hơn so với VIB do tỷ trọng khách hàng doanh nghiệp cao sẽgiúp mang về những khoản CASA lớn.
Ngoài ra, những ngân hàng thực hiện chuyển giao bắt buộc như MB và Vietcombank được ưu tiên hơn trong việc cấp room tín dụng, mà các ngân hàng này cũng đang tập trung vào cho vay bán lẻ nhiều hơn cũng khiến cho lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ như VIB giảm đi.
Trong năm 2022, MBS kỳ vọng mảng cho vay bán lẻ của VIB sẽ đạt mức tăng trưởng 15% và tăng lên mức 20% trong năm 2023 với kỳ vọng lạm phát được kiểm soát.
Bên cạnh đó, chuyên gia MBS cho rằng tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của ngân hàng vẫn tăng nhẹ dù lãi suất huy động tăng mạnh.
Trong năm 2022, NIM của VIB được kỳ vọng sẽ đạt khoảng 4,8% và có xu hướng giảm dần trong năm 2023 khi các mức lãi suất huy động cao bắt đầu phản ánh vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng. NIM trong năm 2023 được kỳ vọng sẽ giảm về mức 4,7%.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ngân hàng đạt 30,4%, dẫn đầu về ROE toàn ngành. Theo MBS, trong bối cảnh room tín dụng không còn quá “nới lỏng” thì các hoạt động ngoài lãi sẽ là mũi nhọn giúp VIB tiếp tục duy trì tỷ lệ ROE của mình.
Bên cạnh các hoạt động kể trên, xử lý nợ cũng là một trong những hoạt động cần đẩy mạnh vừa đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân hàng từ các khoản lãi dự thu vừa có thể giúp ngân hàng cải thiện chất lượng tài sản.
Ngoài việc nâng cao ROE, việc tập trung vào các hoạt động như xử lý nợ hay chuyển đổi số cũng giúp ngân hàng cải thiện hệ số chi phí/doanh thu (CIR), chỉ số hiện đang khá cạnh tranh trong toàn ngành.