|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

MBKE chỉ ra hai yếu tố 'đáng gờm' sẽ tác động đến hoạt động kinh tế Việt Nam trong nhiều tháng

13:50 | 06/05/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia MBKE tiếp tục dự đoán lạm phát sẽ tăng trong những tháng tới khi việc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy tổng cầu, đồng thời duy trì dự báo lạm phát toàn phần cho năm 2022 ở mức 4%.

Theo báo cáo kinh tế Việt Nam tháng 4 mới đây, Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) nhận định sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và doanh thu bán lẻ vẫn phục hồi trong tháng 4, do làn sóng Omicron của tháng 3 suy yếu và lượng khách du lịch quay trở lại.

Tuy nhiên, cuộc chiến Nga - Ukraine và việc phong tỏa trên khắp Trung Quốc vẫn là những khó khăn đáng gờm sẽ tác động đến hoạt động kinh tế trong nhiều tháng tới. Do đó, MBKE duy trì dự báo GDP thực tế cho năm 2022 ở mức 5,8%.

Bên cạnh đó, các chuyên gia MBKE tiếp tục dự đoán lạm phát sẽ tăng trong những tháng tới khi việc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy tổng cầu, đồng thời duy trì dự báo lạm phát toàn phần cho năm 2022 ở mức 4%.

Lý giải về điều này, MBKE cho rằng sẽ có những áp lực về nguồn cung xuất phát từ cuộc chiến Nga - Ukraine đang diễn ra và những hạn chế về di chuyển ở Trung Quốc, ngay cả khi những cú sốc về nguồn cung như lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia được thông qua.

 

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), báo cáo cũng cho biết vốn đầu tư vào các dự án hiện tại tăng mạnh 92,5%, cho thấy sự tin tưởng tiếp tục của các nhà đầu tư hiện tại vào Việt Nam.

Các dự án này bao gồm KCN Việt Nam-Singapore tăng vốn khoảng 940 triệu USD, Công ty Samsung Electro-Mechanical Việt Nam thêm 920 triệu USD và Fujifilm Business Innovation Việt Nam đầu tư khoảng 495 triệu USD.

MBKE đánh giá FDI sẽ tiếp tục duy trì khả năng phục hồi trong thời gian còn lại của năm, đặc biệt là đối với ngành sản xuất. Việt Nam sẽ vẫn là lựa chọn hàng đầu cho các nhà sản xuất đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, do vị trí địa lý gần Trung Quốc, triển vọng kinh tế mạnh mẽ và môi trường kinh doanh thuận lợi. 

 

Báo cáo cũng cho biết số ca nhiễm COVID-19 trong nhà máy cùng với sự suy yếu của làn sóng Omicron có thể giảm áp lực về nhân lực, cho phép các nhà máy tăng cường sản xuất. Sản xuất công nghiệp tăng tốc lên 9,4% trong tháng 4. Sản lượng sản xuất tăng 11,3%, cải thiện so với mức tăng 9,6% của tháng trước.

Tăng trưởng xuất khẩu tăng đáng kể 25% trong tháng 4, từ mức tăng 17% trong tháng trước.

Đánh giá về hoạt động xuất khẩu trong thàng 4 vừa qua, MBKE cho rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng do chiến tranh Nga - Ukraine và việc Trung Quốc phong tỏa dường như không ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, có thể do các công ty đang xuất hàng tồn kho hiện có trước nhu cầu phục hồi. 

Về du lịch, ngành này tiếp tục tăng trưởng trong tháng 4. Lượng du khách nước ngoài đã tăng lên 101.373 người trong tháng 4, gần gấp 3,5 lần so với con số của tháng 3.

Ngoài ra, có 10,5 triệu lượt khách nội địa trong tháng 4, cao hơn gần 25% so với tháng 3. MBKE đánh giá du lịch trong nước vẫn có khả năng phục hồi và sẽ tiếp tục là động lực cho ngành du lịch. 

Phương Trang