|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

MBBank: Hệ số LDR tăng cao kỉ lục, liệu có gây áp lực thanh khoản?

11:19 | 21/05/2019
Chia sẻ
Báo cáo tài chính hợp nhất quí I/2019 cho thấy, hệ số LDR (dư nợ cho vay khách hàng/tiền gửi khách hàng) đang tăng cao ở mức kỉ lục, gây áp lực về rủi ro thanh khoản.
MBBank: Hệ số LDR tăng cao kỉ lục, liệu có gây áp lực thanh khoản? - Ảnh 1.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank).

Tỉ lệ dư nợ cho vay/huy động tăng cao kỉ lục gây rủi ro thanh khoản?

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), một điểm nổi lên đáng chú ý trong kết quả kinh doanh quí I của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - Mã: MBB) là hoạt động cho vay khách hàng tăng trưởng mạnh trong khi tiền gửi hầu như không thay đổi.

Chính sự mất cân đối giữa hai nghiệp vụ huy động và cho vay đã đẩy hệ số LDR (tỉ lệ dư nợ cho vay/huy động vốn) thuần tăng lên mức cao kỷ lục là 94,6%. 

Cụ thể, cho vay khách hàng hợp nhất tăng mạnh lên 6,75% so với đầu năm đạt 229.160 tỉ đồng, riêng cho vay ở ngân hàng mẹ tăng 6,74% so với đầu năm đạt 226.700 tỉ đồng. Số dư huy động tăng nhẹ 0,95% so với đầu năm đạt  242.250 tỉ đồng. Trong đó, số dư tiền gửi không kì hạn tăng mạnh lên 15,65% so với đầu năm đạt 82.200 tỉ đồng, chiếm 33,93% tổng tiền gửi khách hàng; số dư tiền gửi có kì hạn tăng 12,3% so với đầu năm đạt 160,05 nghìn tỉ đồng. 

Hệ số LDR thuần đã tăng 5% lên 94,6%, đây được coi là mức tăng cao kỷ lục của MBBank trong những năm gần đây. HSC cho rằng điều này sẽ là rủi ro thanh khoản tiềm ẩn cho MBBank và ngân hàng cần phải đẩy mạnh huy động tiền gửi trong các quí tiếp theo.

Thu nhập ngoài lãi là điểm sáng của MBBank

Bên cạnh đó, HSC nhận định các mảng kinh doanh mới như tài chính tiêu dùng và bảo hiểm nhân thọ đang là điểm sáng trong hoạt động của MBBank. Mặc dù bắt đầu phát triển hai mảng này muộn hơn, tuy nhiên ngân hàng lại có lợi thế khi sở hữu nguồn khách hàng trung thành và gắn bó, đảm bảo nền tảng phát triển tốt trong giai đoạn tới. Hiện các mảng này đang cho kết quả kinh doanh tốt, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.

Thu nhập ngoài lãi của ngân hàng tăng trưởng mạnh, hơn 40% so với cùng kì đạt 1.319 tỉ đồng. Trong đó, lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng 140,6% so với cùng kì, đạt 758,64 tỉ đồng và chiếm 57,5% trong tổng thu nhập ngoài lãi. Trong hoạt động dịch vụ, hoa hồng bảo hiểm tăng 62,94% so với cùng kỳ, đạt 778,14 tỉ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 59,2% so với cùng kỳ lên 120,36 tỉ đồng trong khi thu nhập từ kinh doanh, đầu tư chứng khoán giảm 34,4% so với cùng kỳ xuống còn 181,04 tỉ đồng. 

HSC cho rằng ngân hàng MBBank vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trên mức bình quân nhờ cơ cấu tài sản tốt và bộ máy lãnh đạo năng động. Ngân hàng cũng có các thế mạnh truyền thống như cho vay khách hàng cá nhân và cho vay các DNNVV được hỗ trợ từ nguồn huy động chi phí thấp với tỷ trọng tiền gửi không kì hạn thuộc dạng cao nhất ngành, đạt 40%.

Ngoài ra, ngân hàng cũng vẫn luôn nghiêm ngặt trong các quy trình cho vay và xử lí nợ xấu khá nhanh. Vì vậy, các hệ số an toàn của ngân hàng luôn được đảm bảo, tạo điều kiện cho tín dụng tăng trưởng mạnh hơn với các ngân hàng đối thủ.

Ngày 27/4/2019, Đại hội đồng cổ đông thường niên MBBank năm 2019 đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2019 dự kiến tăng 23,1% đạt 9.560 tỉ đồng; tăng vốn điều lệ lên thêm 20% thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỉ lệ 8%, phát hành cổ phiếu ESOP với tỉ lệ 2% và phát hành riêng lẻ với tỉ lệ 10% vốn điều lệ.

MBBank cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép áp dụng và tuân thủ Basel 2 kể từ ngày 1/5/2019.

Đỗ Thanh Tùng

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.