MBS: PVS gặp khó khi các dự án quy mô lớn như Nam Du - U Minh, Lô B vẫn chưa hoàn thành
Trong báo cáo mới nhất về CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (mã: PVS), chứng khoán MB Securities (MBS) dự báo năm 2021 PVS có thể đạt 16.570 tỷ đồng doanh thu và 920 tỷ đồng lãi trước thuế, lần lượt giảm 18% và 10% so với thực hiện 2020.
Trong đó lãi gộp dự kiến đạt 856 tỷ đồng, tăng 10%. Lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết đạt 478 tỷ đồng, bằng 250% so với 2020 do có thêm FSO Sao vàng đi vào hoạt động, MV12 khắc phục được sự cố và các dự án khác hoạt động ổn định.
Thu nhập khác từ hoàn nhập dự phòng các công trình xây dựng đạt 150 tỷ đồng, bằng 20% của năm 2020. Năm 2021, các dự án có thể hoàn nhập một phần là Gallaf và Sử tử trắng fullfield.
Con số dự báo này lớn hơn nhiều so với kế hoạch đề ra của PVS khi MBS nhận xét là "khá thận trọng". Cụ thể, năm 2021, PVS đặt mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng, tương ứng với mức giảm 50% và 32% so với thực hiện 2020.
Các lực đẩy tăng trưởng của PVS trong năm 2021
Dự báo về các hoạt động sản xuất kinh doanh của PVS trong năm 2021, MBS xác định lĩnh vực cơ khí dầu khí vẫn là một điểm trũng khi các dự án mới quy mô lớn như Nam Du U Minh, Lô B chưa có.
Hoạt động chế tạo cơ khí vẫn tập trung vào các dự án lớn như giàn Đại Nguyệt, dự án Gallaf, dự án Vopak-Galaxy Expansion Phase III, LNG Thị Vải, Tổ hợp hóa dầu miền Nam- gói A1...
Trong khi tiếp tục chờ đợi kết quả dự thầu các dự án lớn khác như NT3&4 dự kiến tổ chức đầu thầu EPC vào cuối năm 2021 hay các dự án Nam Du - U Minh, Lô B - Ô môn và các dự án (7-8) thầu quốc tế khác…
Ngoài điểm trũng này thì các lĩnh vực hoạt động khác của PVS được dự báo vẫn đảm bảo ổn định. Trong đó hoạt động kho nổi là điểm sáng nhất trong hoạt động của công ty trong năm 2021.
Các kho nổi Lam Sơn, Ruby hoạt động ổn định trở lại nhờ các hợp đồng kinh doanh đã được ký kết chính thức, MV12 đã khắc phục hoàn toàn sự số từ tháng 10/2020 và đặc biệt có sự đóng góp mới của FSO Sao Vàng từ tháng 11/2020.
Lĩnh vực tàu chuyên dụng ngoài phục vụ các hoạt động dầu khí, sẽ mở rộng sang thị trường năng lượng điện gió ngoài khơi. PVS đã tham gia ký kết MOU với CTCP phát triển điện gió La Gàn công suất 3,5GW, mở ra một thị trường dịch vụ năng lượng mới trong tương lai. PVS cũng đã cung cấp một số dịch vụ tàu chuyên dụng cho dự án Hải Long - Đài Loan với giá trị nhỏ.
Bên cạnh đó, giá dầu tiếp tục hồi phục và tăng lên mức 65-70 usd/thùng (dầu Brent) được dự báo sẽ kích hoạt và đẩy nhanh tiến độ trở lại các dự án dầu khí lớn, hứa hẹn làm cơ sở cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành dầu khí trong giai đoạn 2021-2025.
Trong dài hạn 2021-2025, MBS dự báo PVS có cơ hội tham gia nhiều dự án lớn của ngành dầu khí như: Lô B- Ô Môn, Nam Du - U Minh, Cá Voi Xanh, Báo Vàng, Sư tử Trắng giai đoạn hai.
Các dự án trên bờ như LNG Thị Vải Mở rộng, LNG Sơn Mỹ, LNG Long An, dự án Đường ống Đông-Tây nam bộ, dự án điện khí NT3&4, dự án Nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất,... PVS cũng sẽ mở rộng tham gia thị trường Năng lượng ngoài khơi trong nước và khu vực.