|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Máy thở là cứu tinh hay sát thủ đối với bệnh nhân COVID-19?

23:20 | 12/04/2020
Chia sẻ
Mặc dù các quan chức y tế trên khắp thế giới đang nỗ lực để có thêm máy thở cho việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19, một số bác sĩ đang tránh sử dụng chúng khi điều kiện cho phép.

Một số bệnh viện đã nhận thấy tỉ lệ tử vong cao bất thường đối với bệnh nhân COVID-19 dùng máy thở và một số bác sĩ lo ngại rằng máy thở có thể gây hại cho một số bệnh nhân, theo The South China Morning Post.

Xu hướng mới làm làm nổi bật một thực tế là các bác sĩ vẫn đang tìm cách tốt nhất để ngăn chặn một chủng virus xuất hiện chỉ vài tháng trước. Họ đang dựa vào dữ liệu thời gian thực, trong bối cảnh bệnh nhân quá nhiều, còn thuốc và các vật tư y tế quá thiếu.

Máy thở cơ học đẩy oxi vào bệnh nhân suy phổi. Để dùng máy thở, bác sĩ phải gây mê bệnh nhân và dán một ống vào cổ họng. Tử vong ở những bệnh nhân mắc bệnh như vậy khá phổ biến, dù họ phải sử dụng máy thở vì bất kì lí do nào.

Nhìn chung, 40% tới 50% bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp nặng tử vong khi dùng máy thở, theo các chuyên gia. Nhưng ít nhất 80% số bệnh nhân COVID-19 dùng máy thở ở thành phố New York (Mỹ) đã chết, theo dữ liệu của giới chức.

Tiến sĩ Albert Rizzo, giám đốc y khoa của Hiệp hội Phổi Mỹ, khẳng định tỉ lệ tử vong cao hơn bình thường của những bệnh nhân dùng máy thở ở nhiều nơi trên thế giới cũng khá cao.

Máy thở là cứu tinh hay sát thủ đối với bệnh nhân COVID-19? - Ảnh 1.

Lí do khiến tỉ lệ tử vong của bệnh nhân dùng máy thở cao bất thường vẫn là một bí ẩn đối với giới chuyên gia y khoa. Ảnh: CTV News

Các báo cáo tương tự cũng xuất hiện ở Trung Quốc và Anh. Một báo cáo ở Anh cho thấy tỉ lệ bệnh nhân dùng máy thở tử vong đạt 66%. Một cuộc khảo sát qui mô nhỏ ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cho thấy tỉ lệ tử vong là 86%.

Không ai biết lí do khiến tỉ lệ tử vong của bệnh nhân dùng máy thở cao bất thường. theo các chuyên gia, rất có thể nó liên quan tới thể trạng của bệnh nhân trước khi họ nhiễm virus, hoặc mức độ nặng của bệnh khi họ dùng máy thở.

Song một số chuyên gia y tế lo ngại liệu máy thở có thể khiến bệnh tình trở nên nặng hơn ở một số người bằng cách kích hoạt một phản ứng gây hại trong hệ miễn dịch.

Đó chỉ là suy đoán, song nhiều chuyên gia nhận định máy thở có thể gây hại cho bệnh nhân theo thời gian, do oxi có áp suất cao tràn vào những túi khí nhỏ xíu trong hai lá phổi của bệnh nhân.

"Chúng ta đều biết máy thở cơ học không phải thứ vô hại. Một trong những phát hiện quan trọng nhất trong vài thập kỉ qua là máy thở có làm khiến tổn thương phổi trở nên nghiêm trọng hơn. Vì thế, chúng ta nên cẩn thận khi sử dụng chúng", bác sĩ Eddy Fan, một chuyên gia về điều trị bệnh hô hấp ở Bệnh viện Đa khoa Toronto (Canada), bình luận.

Eddy Fan nhấn mạnh rằng bác sĩ có thể giảm nguy cơ tử vong bằng cách giới hạn áp suất và lượng khí oxi mà máy đưa vào phổi bệnh nhân.

Nhưng một số bác sĩ nói họ cố gắng không dùng máy thở cho bệnh nhân càng lâu càng tốt, và thay thế nó bằng những kĩ thuật khác.

Joseph Habboushe, một bác sĩ làm việc ở Bệnh viện Manhattan, thành phố New York, kể rằng chỉ vài tuần trước, một bệnh nhân COVID-19 trong bệnh viện đã dùng máy thở khi bệnh tình trở nặng. 

Tuy nhiên, ban đầu các bác sĩ đã thử những biện pháp khác. Một cách là để các bệnh nhân nằm theo nhiều tư thế khác nhau - bao gồm nằm sấp để mọi phần của phổi lấy không khí hiệu quả hơn. Một cách khác là bổ sung thêm không khí cho bệnh nhân qua ống xuyên mũi hoặc một thiết bị khác. Vài bác sĩ đang thử nghiệm việc bổ sung nitơ oxit (NO) vào oxy để cải thiện lưu thông máu và đưa oxy tới những phần chịu tổn thương nhẹ nhất của phổi.

"Nếu chúng ta có thể giúp phổi nhận nhiều oxy hơn mà không phải luồn ống khí, kết quả sẽ khả quan hơn", bác sĩ Habboushe nhận định.

Habboushe nói quyết định ấy không liên quan tới tình trạng thiếu máy thở trong các bệnh viện.

Hàng loạt báo cáo cho thấy bệnh nhân COVID-19 có xu hướng dùng máy thở lâu hơn so với các bệnh nhân khác, theo tiến sĩ William Schaffner, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Vanderbilt.

Nhiều chuyên gia nói các bệnh nhân viêm phổi do vi khuẩn có thể dùng máy thở trong 1 hoặc 2 ngày. 

"Song các bệnh nhân COVID-19 thường dùng máy thở tới 7, 10 hay thậm chí 15 ngày, và họ sẽ chết", ông Andrew Cuomo, Thống đốc bang New York, phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 8/4.

Nhạc Phong