May 10 đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 đạt 4.500 tỷ đồng
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng Công ty May 10 – CTCP (May 10) đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 đạt 4.500 tỷ đồng, không đổi so với thực hiện của năm 2022.
Tổng Giám đốc May 10, ông Thân Đức Việt cho biết trong năm 2022, May 10 đạt doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng, tăng 18,42% so với kế hoạch, tăng 27,93 % so với năm 2021.
Hiện tại, công ty chưa chông bố chi tiết báo cáo tài chính quý IV/2022. Theo số của quý III/2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 39% so với cùng kỳ lên 1.382 tỷ đồng. Song, giá vốn cũng tăng nhanh 41% khiến biên lợi nhuận gộp giảm 1,4 điểm phần trăm xuống 8,7%. Công ty ghi nhận lãi sau thuế 25 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, May 10 thu về 3.464 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái và lãi sau thuế hơn 75 tỷ đồng, tăng 51%.
Mặc dù vậy, theo ông Việt 2022 là một năm khó khăn chung của toàn ngành dệt may bởi nhiều yếu tố, trong đó xung đột địa chính trị, lạm phát, tỷ giá lãi suất tăng cao, sức mua giảm trên toàn cầu… đã kéo theo lượng đơn hàng giảm từ 10-15%, đơn hàng nhỏ, lẻ phức tạp giá giảm từ 15% – 30% khiến cho hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Trước đó, tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 22/11, ông cho biết một số công ty bị ảnh hưởng vì thiếu đơn hàng ngay từ tháng 7, tháng 8, số khác thì từ tháng 10 trở đi mới thiếu. May 10 cũng nằm trong bối cảnh chung, nhưng thiếu ít hơn so với các đơn vị khác.
“Khi tôi công tác ở Thái Lan, một số khách cho biết đang rà soát lại hàng tồn kho. Họ giật mình khi sắp Giáng Sinh rồi mà lượng hàng tồn kho còn quá lớn và yêu cầu May 10 từ từ sản xuất. Trong khi đó chúng tôi đã nhập nguyên phụ liệu rồi. Tình trạng tương tự xảy ra với một số khách hàng khác của chúng tôi. Có khoảng 10 - 15% khách hàng yêu cầu ra Tết mới bắt đầu sản xuất", ông Việt chia sẻ.
May 10 hiện tại vẫn có đơn hàng do chấp nhận làm cả những đơn hàng thời trang đòi hỏi yêu cầu chất lượng cao hơn, số lượng nhỏ lẻ hơn và thời gian giao hàng ngắn hơn. Ông lý giải điều này sẽ khó với các doanh nghiệp quen làm những đơn hàng lớn, cơ bản bởi họ không thể xoay trục nhanh trong thời gian ngắn được.
Ngoài ra, công ty còn chịu áp lực chênh lệch tỷ giá. “Người ta cứ nói đồng USD tăng giá thì xuất khẩu có lợi nhưng điều đó chỉ đúng với một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp làm gia công. Đồng VND càng mất giá, đồng USD càng tăng giá họ càng hưởng lợi vì không phải nhập nguyên liệu chỉ gia công và lấy tiền USD về. Ví dụ USD tăng 9% thì họ lợi 9%. Nhưng với doanh nghiệp FOB như chúng tôi phải nhập khẩu nguyên phụ liệu do đó không có lợi”, ông Thân Đức Việt chia sẻ.
Trong quý III/2022, công ty ghi nhận khoản chi phí do chênh lệch giá gần 22 tỷ, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ.