Mất tiền tỉ vì 'thu nhập thụ động': Tại ham lợi hay do thiếu hiểu biết?
51 nhà đầu tư và 72 tỉ đồng
Suốt gần hai tuần qua, những dòng chia sẻ ở các diễn đàn chứng khoán tập trung vào câu chuyện “51 nhà đầu tư, 72 tỉ đồng và Nam Phan”, khi nhân vật chính là người có nhiều liên kết với thị trường qua nhiều khóa học “làm giàu” trước đây.
Nguồn tin của báo Đầu tư chứng khoán kể lại câu chuyện bắt đầu bằng những khóa học chia sẻ cách thức đầu tư.
Thời gian đầu chỉ có vài người tham gia, sau khi niềm tin được tạo dựng vững chắc, đã có nhiều người bỏ ra thậm chí cả chục tỉ đồng để tạo ra nguồn “thu nhập thụ động” cho bản thân.
Mọi chuyện bắt đầu vỡ lỡ vào thời điểm tháng 12-2019, khi ông Phan Hoàng Nam không thể hoàn trả được khoản tiền như đã hẹn.
Các nhà đầu tư sau đó tố cáo rằng ông Nam đã làm sai cam kết khi đầu tư vào thị trường cặp tiền tệ (forex) thay vì chứng khoán phái sinh, và những thỏa thuận khác như báo cáo lời lỗ hàng tháng cũng không được tôn trọng.
Một người trong nhóm nhà đầu tư cho biết, nhóm này đã cử ra ban đại diện làm việc và đang tiến hành nhiều biện pháp để đòi lại tiền, trong đó có cả việc khiếu kiện.
Trong khi đó, ông Nam đã từ chối gặp TBKTSG nhưng trả lời trên đài truyền hình, phủ nhận những cáo buộc và cho rằng những mối quan hệ là tự nguyện, không có cam kết, không có văn bản nào được ký kết.
Nếu nhìn ở góc độ pháp lý thì những nhà đầu tư đang ở thế yếu, khi thông tin ban đầu cho thấy các giấy tờ mà họ hiện có chỉ là hợp đồng về việc mua khóa học, và hóa đơn chuyển khoản ngân hàng.
Trong hoạt động ủy thác cá nhân hiện nay, nhiều người vẫn chọn tiêu chí lợi nhuận cao để "đánh cược" nhưng quên cân nhắc các yếu tố khác, bởi đây là yếu tố dễ thấy, dễ đưa ra. Thời gian đầu, các khoản cam kết trả lãi thường rất đúng hẹn và đầy đủ. Theo ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính, chỉ cần ai đưa ra mức cam kết lời gấp 3 lần lãi suất ngân hàng là có "mùi" lừa đảo.
Theo luật sư Phạm Đình Bắc (Đoàn Luật sư TPHCM), những thông tin ban đầu nêu trên của vụ việc cho thấy đây là vụ tranh chấp dân sự, nhưng ranh giới giữa hành vi dân sự và có dấu hiệu vi phạm hình sự rất “mong manh”.
Theo đó, để cấu thành hành vi vi phạm hình sự cần có ba yếu tố, đầu tiên là người thực hiện có âm mưu thủ đoạn ngay từ đầu, dùng tiền chiếm đoạt để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác và có hành vi bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
“Việc ủy thác giữa cá nhân với cá nhân chưa được pháp luật quy định. Như vậy, những thỏa thuận ủy thác cá nhân với cá nhân ngay từ đầu đã không tuân thủ pháp luật về ủy thác đầu tư trong lĩnh vực chứng khoán.
Việc này có được xem là dùng thủ đoạn ngay từ đầu hay không cần được cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét làm rõ”, luật sư Bắc bình luận.
Nhiều chuyên gia cho rằng về bản chất thì công ty của ông Nam đang tiến hành các hoạt động như một công ty quản lý quỹ, tức quản lý, kinh doanh vốn trên thị trường chứng khoán.
Hoạt động này được quy định rõ ràng trong Luật Chứng khoán, với nhiều điều kiện bắt buộc và sẵn có.
Trong khi đó, một chuyên gia chứng khoán cho rằng một trong những yếu tố để xác định có hành vi lừa đảo hay không là việc có huy động vốn trái phép hay không, vì chức năng này là của các ngân hàng thương mại và các quỹ đầu tư có giấy phép.
Theo luật sư Bắc, với thỏa thuận dân sự như hiện nay thì dẫn đến hậu quả đầy bất lợi cho người ủy thác, tức người đưa tiền, khi có tranh chấp.
“Hầu như không thể nhận lại khoản tiền ủy thác nếu như người nhận ủy thác thực hiện các chiêu trò như các khoản đầu tư bị lỗ, biến động thị trường, không cam kết trước những phát sinh mới trong quá trình đầu tư...”, ông Bắc cho biết.
Ủy thác có trách nhiệm
Tất nhiên, việc xác định ông Nam có lừa đảo hay không cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Vụ việc cho đến nay vẫn chưa có gì rõ ràng, nhưng trên các diễn đàn đã chia thành hai luồng dư luận: một cho rằng đã làm ăn chung thì lời ăn lỗ chịu, phần còn lại cho rằng mô hình ủy thác đầu tư kiểu cá nhân như vậy rất dễ gặp vấn đề khi người nhận ủy thác thực hiện hành vi lừa đảo.
Thực tế thì hình thức ủy thác cá nhân hiện nay khá phổ biến ở thị trường Việt Nam. Có những môi giới “hoạt động ngoài giờ” với những khách hàng cá nhân khác.
Đại diện một công ty chứng khoán cũng nhìn nhận câu chuyện này thực sự rất khó quản lý, dù công ty chứng khoán nào cũng có những quy định khá chặt chẽ về hoạt động giao dịch của nhân viên.
Nếu nói là thiếu hiểu biết thì điều này là chưa chắc đúng với nhóm 51 người trên, khi có không ít trong số đó là những người đã có thâm niên với thị trường chứng khoán, bên cạnh những chủ doanh nghiệp khác ngành nghề và những người làm công ăn lương.
Thực tế thì cũng đã có những khoản lời đầu tiên và đều đặn trong thời gian đầu của những mối quan hệ ủy thác đầu tư, hay những chương trình "thu nhập thụ động" bằng cách góp tiền đóng vào.
Những mô hình cam kết “thu nhập thụ động” ngày càng phổ biến trong thời gian qua với nhiều loại hình đầu tư khác nhau, từ thị trường cổ phiếu trong nước, ngoài nước, đến thị trường vàng, tiền tệ, trái phiếu...
Thậm chí, nó còn lan rộng với nhiều loại hình khác nhau, đặc biệt là tiền mã hóa. Cuối năm ngoái, Bộ Công an đã cảnh báo ví điện tử PayAsian có dấu hiệu lừa đảo khi thu hút hàng ngàn nhà đầu tư tham gia bằng cam kết mua đồng tiền ảo Paya và nhận lãi lớn.
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều người “sập bẫy”. Đơn giản vì những khoản đầu tư này thường mang lại lợi nhuận cao hơn tiền lãi gửi tiết kiệm, ai cũng thích nhưng không phải cá nhân nào cũng làm được, vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm và cả thời gian.
Bởi vậy mới sinh ra những nhà môi giới, những công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp. Việc ủy thác đầu tư, trên khía cạnh nào đó, cũng là một trong những phương án giúp quản lý tài sản cho một cá nhân.
Có rất nhiều mô hình ủy thác đầu tư hợp lệ mà nhà đầu tư có thể quan tâm, do nhiều công ty chứng khoán đưa ra, thậm chí ngành bảo hiểm cũng đưa ra rất nhiều sản phẩm liên kết đầu tư, trong đó có quỹ đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu, tùy người mua lựa chọn.
Dù đi sau các ngân hàng ngoại, nhưng nhiều ngân hàng nội cũng đã bắt đầu phát triển các sản phẩm và dịch vụ quản lý tài sản cho khách hàng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, ở các thị trường tài chính phát triển, đa phần cá nhân bỏ tiền vào các quỹ đầu tư hơn là tự mình quản lý.
Các quỹ đó có thể là quỹ tín thác bất động sản (REIT) hay quỹ hỗ tương (mutual fund). Cũng có trường hợp cá nhân hùn tiền với nhau để cùng đầu tư nhưng đa phần đều có độ hiểu biết tương đồng với nhau.
“Thực tế thì hiếm có ai tin tưởng ai để đưa tiền cho nhau đầu tư. Cũng không ai tin vào người có khả năng tạo ra lợi nhuận hàng chục phần trăm mỗi tháng hay trăm phần trăm mỗi năm”, ông Hiếu nói.
Vì vậy có thể xem chuyện rót tiền vào các định chế tài chính chuyên nghiệp để nhờ họ quản lý giúp tài sản là một lựa chọn khá an toàn, hợp pháp hiện nay, bên cạnh việc cùng hùn tiền lập quỹ theo dạng “cùng chơi cùng chịu”.
Trong hoạt động ủy thác cá nhân hiện nay, nhiều người vẫn chọn tiêu chí lợi nhuận cao để “đánh cược” nhưng quên cân nhắc các yếu tố khác, bởi đây là yếu tố dễ thấy, dễ đưa ra. Thời gian đầu, các khoản cam kết trả lãi thường rất đúng hẹn và đầy đủ.
Theo ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính, chỉ cần ai đưa ra mức cam kết lời gấp 3 lần lãi suất ngân hàng là có “mùi” lừa đảo.
“Số lượng những cá nhân chiến thắng được thị trường là rất nhỏ, sao không tự đặt câu hỏi lợi nhuận họ cao như thế rồi còn huy động thêm làm gì?”, ông Khánh nói và cho rằng, các nhà đầu tư không nên ủy thác đầu tư cho cá nhân.
Nếu nhắc đến câu chuyện cam kết lợi nhuận, thậm chí có những hợp đồng pháp lý ràng buộc hẳn hỏi nhưng vẫn “gãy” vì người hứa không thể thực hiện được.
Điển hình gần đây nhất là câu chuyện của dự án Cocobay ở Đà Nẵng, với viễn cảnh tạo ra thu nhập thụ động khi dòng tiền đi vào cao hơn là dòng tiền đi ra (trả lãi ngân hàng để mua căn hộ).