|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mật ong Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ điều tra CBPG

09:50 | 30/04/2021
Chia sẻ
Theo Cục Phòng vệ thương mại đây là lần đầu tiên sản phẩm mật ong của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra biện pháp phòng vệ thương mại và có thể là vụ việc điều tra phòng vệ thương mại thứ ba trên thế giới.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 22/4, Cục Phòng vệ thương mại nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Argentina, Brazil, Ấn Độ, Ucraina và Việt Nam.

Nguyên đơn là Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ và Hiệp hội mật ong Sioux. Hàng hóa bị điều tra là mật ong thô được phân loại theo mã HS 0409.00. Các doanh nghiệp cần kiểm tra đối chiếu với mã HS khi xuất khẩu và mô tả sản phẩm của Mỹ.

Thời kỳ điều tra bán phá giá đề xuất từ 1/10/2020 đến 31/3/2021. Thời kỳ điều tra thiệt hại từ 1/1/2018.

Theo số liệu của hải quan Mỹ, kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt khoảng 50.700 tấn năm 2020, chiếm khoảng 25,8% tổng lượng nhập khẩu mật ong của Mỹ.

"Đây là lần đầu tiên sản phẩm mật ong của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra biện pháp phòng vệ thương mại và có thể là vụ việc điều tra phòng vệ thương mại thứ ba trên thế giới sau vụ việc Mỹ điều tra CBPG đối với mật ong Trung Quốc và vụ việc Mỹ điều tra CBPG và chống trợ cấp đối với mật ong Argentina năm 2001", Cục Phòng vệ thương mại cho biết. 

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp, làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nuôi ong Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong sang Mỹ nhằm chủ động nắm bắt thông tin và chuẩn bị phương án ứng phó kịp thời trong trường hợp bị khởi xướng điều tra.

Theo quy định của Mỹ, DOC sẽ xem xét tiến hành khởi xướng điều tra vụ việc trong vòng tối đa 20 ngày kể từ ngày nhận đơn kiện (21/4/2021). 

Theo thông lệ, DOC sẽ gửi bản câu hỏi Lượng và Giá trị (Quantity and Value Questionnaire) cùng ngày với thông báo khởi xướng vụ việc. Các doanh nghiệp sẽ có khoảng 14 ngày để hoàn thành bản câu hỏi Q&V. Việc trả lời bản câu hỏi Q&V là bắt buộc nếu doanh nghiệp không muốn bị áp mức thuế bất hợp tác.

Hiện nay, Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đang xem xét đơn kiện của Nguyên đơn để đánh giá mức độ thiệt hại của ngành sản xuất mật ong tại Mỹ. ITC sẽ phải đưa ra kết luận về đánh giá mức độ thiệt hại cho ngành ong tại Mỹ trong 45 ngày kể từ ngày nhận đơn. 

Để phục vụ cho việc đánh giá thiệt hại nói trên, ITC đã gửi bản câu hỏi nhằm tìm kiếm một số thông tin liên quan từ các nhà sản xuất trong nước, nhà nhập khẩu và nhà sản xuất/xuất khẩu mật ong từ 5 quốc gia bị cáo buộc. 

Thời hạn cung cấp thông tin cho ITC đến ngày 5/5/2021 (theo giờ Mỹ), cách thức nộp bản trả lời được ITC nêu cụ thể tại bản câu hỏi.

Cục phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan nên trả lời bản câu hỏi của ITC để thể hiện thiện chí hợp tác với cơ quan điều tra Mỹ. Cục phòng vệ thương mại sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trả lời theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, cần đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và nộp Bản trả lời câu hỏi theo đúng định dạng và thời hạn quy định, thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin cho Cục phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

"Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Mỹ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế CBPG cao nhất do Nguyên đơn đề xuất", Cục Phòng vệ thương mại lưu ý.

Như Huỳnh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.