Mất hơn 800 tỷ đồng vốn nhà nước do đầu tư vào OceanBank
|
Đây là số liệu được công bố trong buổi họp báo chuyên đề Tình hình tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) của Bộ Tài chính vừa tổ chức chiều nay, ngày 23/12.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp báo cáo kết quả thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư. Tuy nhiên, số tiền thu về 10.742 tỷ đồng lại thấp hơn giá trị đã đầu tư ban đầu với 11.036 tỷ đồng.
Lý giải về nguyên nhân thất thoát vốn nhà nước, ông Tiến cho biết, số thu giảm so với sổ sách do khoản đầu tư của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước vào hai ngân hàng OceanBank và VNCB đã bị mua với giá 0 đồng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí đầu tư 800 tỷ đồng tại ngân hàng OceanBank và khoản đầu tư 1,3 tỷ đồng của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) tại VNCB.
Ngoài ra, trong năm 2016, việc thoái vốn nhà nước cũng bị thất thoát khi thoái 490 tỷ đồng, chỉ thu về 450 tỷ. Giá trị thu về thấp hơn giá trị đầu tư do khoản đầu tư 100,6 tỷ của Tổng công ty Thanh Lễ thoái tại Khu biệt thự vườn Chánh Mỹ trong năm nay cũng chỉ thu về 18,3 tỷ đồng.
Trả lời về trách nhiệm khi để thất thoát vốn nhà nước, đại diện Bộ Tài chính cho biết về việc thoái vốn tại các đơn vị đầu từ vào các ngân hàng 0 đồng đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Tuy nhiên, ông cho biết, Bộ Tài chính chỉ đưa ra cảnh báo, Bộ chủ quan chịu trách nhiệm trực tiếp là Bộ Công Thương. OceanBank sắp xét xử vụ án rồi, Vinafood 2 đang trong quá trình điều tra.
Đại diện Cục Tài chính Doanh nghiệp cũng cho rằng khi đầu tư vào 4 - 5 lĩnh vực không thể tránh được việc có khoản lãi, có khoản lỗ. Khi đó, các khoản lỗ lãi sẽ bù trừ cho nhau, vì vậy không xét xử trách nhiệm mà theo cơ chế thị trường.
"Quan trọng là khi bỏ trứng vào nhiều giỏ, tổng số trứng không thay đổi là được. Chỉ những trường hợp như vào ngân hàng 0 đồng mất toàn bộ vốn mới xử lý trách nhiệm tùy mức độ khác nhau.", ông Tiến nói.
Bộ Tài chính cũng cho biết thêm, với nghị định 109, Bộ đã quy định khống chế việc đầu tư ngoài ngành từ năm 2009. "Đầu tư ngoài ngành từ năm 2009 là không có. Hiện tại Bộ chỉ đang xử lý những tồn tại từ giai đoạn phát triển nóng", Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp khẳng định.
Ông thừa nhận việc đầu tư vốn ngoài ngành là còn tồn đô, 5 năm thoái vốn được khoảng 11.000 tỷ, năm 2016 được 490 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhưng lĩnh vực quan trọng đã thoái vốn hết rồi, còn lại là những cái không quá quan trọng. Vì vậy, ông cho rằng, để xử lý trách nhiệm phải mổ xẻ lại xem sai phạm đến đâu, có bảo toàn vốn hay không.
Theo đó, một số doanh nghiệp nếu có quỹ trích lập dự phòng bù đắp được thất thoát thì không vấn đề gì xảy ra. "Còn những đơn vị không có trích lập dự phòng hoặc không bù đắp được thì phải xử lý trách nhiệm, phải đền bù...Hiện các tập đoàn tổng công ty đang rà soát lại", ông Tiến nói.
Giai đoạn 2011-2015, SCIC đã tiếp nhận 67 doanh nghiệp, với giá trị sổ sách kế toán 1.666 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp SCIC tiếp nhận từ khi thành lập đến nay lên gần 1.000 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước hơn 8.722 tỷ đồng.
SCIC cũng đã bán vốn tại 411 doanh nghiệp, với doanh thu bán vốn đạt 8.726 tỷ đồng. Với mức giá vốn 3.595 tỷ đồng, SCIC thu về thặng dư bán vốn hơn 5.130 tỷ đồng, gấp 2,4 lần giá trị sổ sách. Về tính hình thoái vốn năm 2016, SCIC đã bán vốn tại 67 doanh nghiệp với giá trị 1.577 tỷ đồng, tổng công ty này đã thu về 4.116 tỷ đồng. Con số này chưa bao gồm khoản bán đấu gía cổ phần của Vinamilk ngày 12/12 (đơn vị trúng thầu chưa hoàn tất việc chuyển tiền đấu giá. |