|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mất điện 28 phút từng khiến Samsung lỗ 36 triệu USD, vậy 28.000 nhân viên nghỉ việc sẽ thiệt hại thế nào?

14:43 | 04/06/2024
Chia sẻ
Công đoàn Samsung tiếp tục đình công đòi minh bạch chế độ tiền lương.

Theo Korea Times, công đoàn Samsung Electronics dự định tổ chức một cuộc đình công kéo dài một ngày vào ngày 7/6, yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc. Động thái này khiến các chuyên gia trong ngành lo ngại rằng một cuộc tranh chấp lao động kéo dài có thể làm gián đoạn sản xuất chất bán dẫn tại công ty hàng đầu thế giới về chip nhớ.

 Các thành viên NSEU tập trung trước trụ sở Samsung yêu cầu đàm phán về chính sách tiền lương ngày 24/5. (Ảnh: Yonhap).

Công đoàn Samsung Electronics toàn quốc (NSEU) là tổ chức đại diện cho công nhân của hãng sản xuất chip này. Ngày 29/5, phía công đoàn đã thông báo rằng hơn 28.000 thành viên công đoàn sẽ đồng loạt nghỉ một ngày vào ngày 7/6, thực hiện cuộc đình công. Họ đưa ra các yêu cầu gồm mức lương công bằng cho người lao động và cải thiện hệ thống lương của công ty để đảm bảo minh bạch.

Các chuyên gia cảnh báo một cuộc đình công làm gián đoạn quá trình sản xuất chất bán dẫn của Samsung, có thể gây ra thiệt hại rất lớn đối với công ty, vì ngay cả một gián đoạn ngắn ngủi trong sản xuất chất bán dẫn cũng có thể dẫn đến hậu quả đáng kể.

"Các cơ sở sản xuất chất bán dẫn cần thời gian và nguồn lực đáng kể để hoạt động trở lại nếu chúng gặp bất kỳ sự gián đoạn nào, dù là ngắn ngủi. Việc duy trì hoạt động liên tục là vô cùng quan trọng tại các nhà máy này, và một cuộc đình công kéo dài có thể thực sự làm tê liệt quá trình sản xuất, gây ra sự gián đoạn và chi phí lớn cho công ty," Lee Jong-hwan, Giáo sư kỹ thuật chất bán dẫn tại Đại học Sangmyung, cho biết.

Hồi năm 2019, Samsung đã chịu thiệt hại hơn 50 tỷ won (36 triệu USD) khi một sự cố mất điện kéo dài 28 phút xảy ra tại nhà máy Pyeongtaek của họ. Tương tự, trong mùa đông năm 2021, một sự cố mất điện do sóng lạnh đã buộc nhà máy tại Austin, Texas ngừng sản xuất gần một tháng, gây ra thiệt hại tài chính ước tính khoảng 400 tỷ won.

Kim Dae-jong, Giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Sejong, dự đoán rằng công đoàn Samsung sẽ đình công lần nữa nếu các cuộc đàm phán với công ty không tiến triển tốt, điều này có thể trở thành yếu tố quan trọng làm giảm tính cạnh tranh của nhà sản xuất chip.

"Nếu các cuộc đàm phán lao động không diễn ra tốt đẹp trong tương lai, công đoàn có thể sẽ lại đình công. Hiện tại, Samsung đang đối mặt với nhiều thách thức, chẳng hạn như khó khăn trong thị trường chip nhớ AI HBM, cho thấy họ đang phải lèo lái một môi trường kinh doanh phức tạp," ông Kim nói.

"Do đó, cách mà Samsung xử lý các cuộc đàm phán với công đoàn trong tương lai có thể có ảnh hưởng đáng kể đến kinh doanh của họ. Công ty cần tích cực tham gia đối thoại với công đoàn và chuẩn bị kỹ lưỡng để quản lý các vấn đề liên quan đến công đoàn", vị giáo sư này nói thêm.

NSEU đã đàm phán về lương với công ty nhiều lần kể từ năm ngoái và khi không thể thu hẹp sự khác biệt trong các cuộc đàm phán diễn ra vào ngày 28/5, công đoàn đã tuyên bố đình công. "Chúng tôi không muốn tăng lương một hoặc hai phần trăm. Chúng tôi yêu cầu thanh toán công bằng cho công việc đã thực hiện," Son Woo-mok, người đứng đầu NSEU, nói trong một cuộc họp báo tổ chức tại Seoul vào ngày 29/5.

"Không phải là yêu cầu thêm tiền thưởng. Chúng tôi yêu cầu thanh toán minh bạch thông qua các cải tiến hệ thống", đại diện công đoàn nêu rõ quan điểm.

Về phía ngành sản xuất bán dẫn, chuyên gia nêu quan điểm cho rằng cuộc đình công kéo dài một ngày dự kiến vào ngày 7/6 sẽ không làm gián đoạn sản xuất chất bán dẫn tại công ty. "Cuộc đình công này sẽ không ảnh hưởng đến sản xuất DRAM và NAND Flash, cũng như không gây ra thiếu hụt lô hàng," TrendForce, một đơn vị nghiên cứu thị trường trong ngành chất bán dẫn, cho biết.

"Ngoài ra, giá giao ngay (spot price) của DRAM và NAND Flash đã giảm trước khi công bố đình công, và không có sự thay đổi trong xu hướng giảm này kể từ khi thông báo", đơn vị này phân tích.

Thành Vũ