Masan: Quỹ ngoại này vừa đi, quỹ ngoại khác lại đến
Quỹ ngoại KKR thắng đậm khi hoàn tất bán 54,8 triệu cổ phiếu của Masan |
Theo nguồn tin này, quỹ GIC Pte đã mua vào khoảng một nửa số 4,7% vốn cổ phần mà quỹ KKR bán ra tuần vừa qua. Giao dịch này nằm trong thỏa thuận giữa GIC và quỹ đầu tư vốn tư nhân KKR (Mỹ) khi KKR muốn thoái toàn bộ vốn tại Masan để thu về 209 triệu USD.
Trước khi đầu tư vào Masan, GIC đã tham gia đầu tư vào các ngành hàng không, ngân hàng và bất động sản của Việt Nam. Tháng trước, CEO của GIC ông Lim Chow Kiat cho biết ông nhìn thấy nhiều cơ hội tiềm năng tại các thị trường mới nổi, và rằng các thị trường này chỉ đang gặp những thách thức mang tính “riêng biệt” chứ không phải mang tính “hệ thống”.
Người phát ngôn của GIC cho biết chưa thể phản hồi về thông tin này. Đại diện KKR từ chối bình luận.
Những thương vụ khổng lồ
GIC đóng vai trò đáng kể trong ba đợt chào bán cổ phần lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, tất cả đều được thực hiện trong vòng một năm trở lại đây.
Cụ thể, quỹ này rót khoảng 1,3 tỉ USD vào công ty phát triển bất động sản cao cấp Vinhomes ngay trước khi công ty này IPO vào tháng 5/2018, đây cũng là thương vụ chào bán lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
Quỹ này cũng trở thành nhà đầu tư chủ chốt trong thương vụ IPO trị giá 922 triệu USD của Techcombank, một ngân hàng thương mại được Warburg Pincus hậu thuẫn.
Năm 2017, khi Vincom Retail niêm yết, quỹ này cũng là một nhà đầu tư chủ chốt. Ngoài ra, GIC còn là cổ đông lớn của CTCP Hàng không Vietjet trước khi hãng hàng không giá rẻ này lên sàn đầu năm ngoái.
Sau khi giá cổ phiếu Masan tăng hơn gấp đôi, quỹ ngoại KKR đã quyết định thoái vốn. Theo nguồn tin bí mật của Bloomberg, KKR đã bán 54,8 triệu cổ phiếu Masan với giá 89.200 đồng/cp – nằm giữa khoảng giá thỏa thuận trước đó.
Giá cổ phiếu tăng gấp đôi
Mức giá nói trên thấp hơn 5% so với giá đóng cửa của cổ phiếu Masan hôm thứ Năm tuần trước. Khoảng giá được đưa ra ban đầu là 87,800 – 90,600 đồng/cp, theo các điều khoản mà Bloomberg thu thập được.
Đợt chào bán của KKR nhận được số lượng đăng ký mua rất lớn với nhu cầu đến từ các quỹ chỉ đầu tư giá lên (long-only funds) và các nhà đầu tư trong nước. Riêng 5 nhà đầu tư lớn nhất đã mua khoảng 85% khối lượng chào bán.
Tháng 4/2017, KKR cho biết quỹ này đang mua lại khối lượng cổ phiếu MSN trị giá 100 triệu USD từ tay quỹ đầu tư vốn tư nhân của Đan Mạch PENM Partners. Quỹ này còn chi 150 triệu USD nữa để góp vốn vào công ty chế biến thịt của Masan.
Kể từ khi KKR đầu tư vào Masan đến khi thanh lý khoản đầu tư ngày thứ Năm vừa qua, giá cổ phiếu MSN đã tăng 109% trong khi chỉ số tham chiếu VN-Index chỉ tăng 44% trong cùng khoảng thời gian này.