|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Masan – một ‘Reliance Jio’ của Việt Nam?

15:11 | 23/09/2021
Chia sẻ
Chiều ngày 21/9, Masan Group đã có buổi chia sẻ với nhà đầu tư, chuyên viên phân tích về “mảnh ghép chiến lược” Mobicast trong chiến lược xây dựng nền tảng “Point of Life” của tập đoàn này. Mô hình Reliance Jio kết hợp giữa bán lẻ và viễn thông tại Ấn Độ chính là một hình mẫu được Masan hướng tới trong mục tiêu phát triển mạng di động ảo Reddi.

Tiềm năng của ngành viễn thông và dịch vụ số tại Việt Nam

The Sherpa - công ty con của Masan – công bố hoàn tất mua lại 70% cổ phần của Mobicast với tổng giá trị tiền mặt là 295,5 tỷ đồng. Mobicast là start-up của Việt Nam trong lĩnh vực MVNO (mạng di động ảo) với thương hiệu Reddi.

Cơ cấu dân số trẻ với 56% có độ tuổi dưới 35, tỉ lệ sở hữu thuê bao di động ở mức cao cùng độ phủ sóng 4G lên tới 95%, Việt Nam đang có cơ cấu dân số cũng như nền tảng hạ tầng viễn thông lý tưởng để phát triển dịch vụ số.

Masan – một ‘Reliance Jio’ của Việt Nam? - Ảnh 1.

Masan công bố hoàn tất mua lại 70% cổ phần của Mobicast với tổng giá trị tiền mặt là 295,5 tỷ đồng. (Ảnh: MSN).

Dù đa phần người Việt Nam đều quen thuộc với điện thoại di động nhưng theo thống kê, gần một nửa số thuê bao di động chỉ sử dụng các tiện ích cơ bản là nghe gọi, SMS. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp viễn thông không nhiều tiện ích để người dùng "tiêu tiền", và chỉ khoảng 35% doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông đến từ khai thác dữ liệu.

Một nhà mạng ảo (MVNO) như Reddi ra đời để bù đắp những thiếu sót này. MVNO cung cấp dịch vụ thoại và dữ liệu di động tới khách hàng của mình dựa trên thỏa thuận hợp tác sử dụng cơ sở hạ tầng của nhà khai thác di động (MNO – Mobile Network Operator) khác.

Reddi có mô hình kinh doanh tinh gọn, tiết kiệm chi phí nhờ tận dụng hạ tầng mạng truyền dẫn và thu phát sóng đã có sẵn. Điều này cho phép Reddi tập trung vào phát triển các dịch vụ gia tăng trên di động, giúp nâng cao chất lượng và đa dạng trải nghiệm.

Mở rộng sang viễn thông – bước đi nằm trong lộ trình chiến lược "Point of Life"

Nhà mạng ảo khi mới gia nhập thị trường luôn phải đối mặt với bài toán hệ thống phân phối, để nhanh chóng tiếp cận được khách hàng một cách hiệu quả. Bên cạnh đó là chi phí cao để thu hút thuê bao và xây dựng cơ sở khách hàng trung thành.

Với việc tích hợp vào nền tảng của Masan, Reddi gần như giải quyết được tất cả các bài toán của một MVNO. Cụ thể, Reddi sẽ được "trợ lực" từ một tập đoàn tiêu dùng có sản phẩm tại 98% hộ gia đình Việt Nam, sở hữu hệ thống bán lẻ rộng lớn với 9 triệu người tiêu dùng tại 2.400 siêu thị VinMart và VinMart+, tập khách hàng có phong cách sống hiện đại, thành thạo sử dụng các dịch vụ số tại Phúc Long, hay gián tiếp là 5 triệu khách hàng có thu nhập tốt tại Techcombank và hàng triệu người tiêu dùng từ các đối tác chiến lược từ offline đến online của Masan.

Masan – một ‘Reliance Jio’ của Việt Nam? - Ảnh 2.

Dịch vụ số là mảnh ghép còn thiếu của chiến lược "Point of Life". (Đồ hoạ: MSN).

Ở chiều ngược lại, với các trụ cột sản phẩm đã rất mạnh, sự có mặt của một mạng viễn thông Reddi sẽ tăng thêm độ phủ cho các sản phẩm của Masan. Doanh nghiệp này cũng cho thấy tầm nhìn không chỉ dừng lại ở hàng tiêu dùng mà tiếp tục tạo ra những tiện ích mới trên nền tảng viễn thông, mục tiêu phục vụ tất cả nhu cầu hàng ngày của khách hàng, từ ăn uống, mua sắm đến giải trí.

Đầu tư vào Mobicast là bước đi của Masan nhằm tích hợp mảnh ghép thứ ba – Dịch vụ số - sau hai mảnh ghép đã có trước đó là Nhu yếu phẩm và Dịch vụ tài chính. Từ năm 2019, tập đoàn này đã chia sẻ kế hoạch xây dựng nền tảng "tất cả trong một" đáp ứng đa dạng các nhu cầu thiết yếu như nhu yếu phẩm, bán lẻ, tài chính, giáo dục, giải trí và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam.

Masan gọi đây là nền tảng tích hợp xuyên suốt từ offline đến online "Point of Life". Mở rộng sang lĩnh vực viễn thông và các dịch vụ thiết yếu trên nền tảng số sẽ giúp Masan gia tăng khả năng tiếp cận ngân sách tiêu dùng của người Việt lên 80%.

Ông Danny Le – Tổng Giám đốc Masan Group cho biết: "Reddi là mảnh ghép đầu tiên để số hóa "Point of Life", từng bước tích hợp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu vào một nền tảng duy nhất.

Dù chỉ mới ở giai đoạn đầu, "Point of Life" đã có tất cả các mảng ghép chiến lược cần thiết để thu hút người tiêu dùng với chi phí hiệu quả. Từ đó, giúp người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ và sản phẩm với chi phí rẻ hơn so với hiện tại. Đây chính là mục tiêu của chúng tôi khi xây dựng nền tảng này."

Mô hình Reliance Jio tại Ấn Độ

Sự kết hợp giữa một tập đoàn bán lẻ với một mạng viễn thông đặc biệt thành công tại Ấn Độ. Đây có thể là hình mẫu thành công mà Masan hướng tới trong mục tiêu phải triển mạng di động ảo Reddi.

Reliance Industries là nhà bán lẻ hàng đầu tại Ấn Độ về quy mô với gần 11.000 điểm bán, sở hữu 23 trung tâm phân phối và cơ sở dữ liệu với hơn 110 triệu khách hàng thân thiết.

Masan – một ‘Reliance Jio’ của Việt Nam? - Ảnh 3.

Mô hình Reliance Jio tại Ấn Độ. (Ảnh: MSN).

Năm 2016, Reliance quyết định "lấn sân" sang lĩnh vực kỹ thuật số và điện tử viễn thông khi giới thiệu nhà mạng Jio. Đến nay Jio đã trở thành nhà khai thác di động lớn nhất của Ấn Độ, đánh bật nhiều đối thủ cạnh tranh thông qua chiến lược giá hợp lý, chất lượng sóng tốt và các gói dịch vụ hấp dẫn và khác biệt.

Hiện nay, Jio sở hữu khoảng 400 triệu người dùng trả phí cho các dịch vụ trong hệ sinh thái của họ. Hệ sinh thái này bao gồm cả JioTV –TV trực tuyến, JioMoney –tiền kỹ thuật số và thanh toán điện tử, JioMart – hệ thống cửa hàng online….

Với hệ thống sinh thái về ứng dụng đa dạng, Jio nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường hơn một tỷ dân tại Ấn Độ và thu hút ánh mắt thèm muốn của các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Doanh nghiệp được định giá là công ty Ấn Độ lớn thứ tư theo vốn hóa thị trường và nhận được đầu tư tổng cộng 20 tỉ USD từ các nhà đầu tư lớn bao gồm cả Google, Facebook.

Với Reddi, trước mắt doanh nghiệp sẽ tập trung vào nhóm khách hàng trung thành của các siêu thị Winmart. Mục tiêu ngắn hạn trong 6 – 12 tháng tới của Reddi là bao phủ khoảng 16% lượng khách hàng trung thành của chuỗi siêu thị Winmart, tương đương khoảng 1,4 triệu thuê bao, mang về doanh thu khoảng 150 tỷ đồng/tháng.

Tầm nhìn của Masan là xây dựng nền tảng tích hợp xuyên suốt từ offline đến online nhằm phục vụ các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, có tần suất sử dụng hàng ngày cho 50 triệu người tiêu dùng Việt Nam vào năm 2025.

Bích Thu