|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Masan bỏ túi 2/3 thị phần nước mắm, nước chấm Việt Nam

14:30 | 22/04/2019
Chia sẻ
Masan Consumer (công ty con của Tập đoàn Masan) áp đảo về thị phần các sản phẩm nước mắm, nước chấm tính theo khối lượng so với các nhà sản xuất công nghiệp khác và đối thủ sản xuất theo phương thức thủ công; tỉ lệ tương ứng 65% và 62% trong năm 2018.
Masan bỏ túi 2/3 thị phần nước mắm, nước chấm Việt Nam - Ảnh 1.

Thị trường nước mắm, nước chấm tại Việt Nam có quy mô khoảng 225 triệu lít/năm

Masan 'độc chiếm' ngành nước mắm, nước chấm

Theo số liệu từ một báo cáo vừa được trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây cho thấy, thị trường nước mắm và nước chấm có nguồn gốc từ nước mắm (tạm gọi là "nước chấm") tại Việt Nam có quy mô khoảng 225 triệu lít/năm.

Trong đó phân khúc "nước mắm", tức là các sản phẩm được lên men từ cá và muối với thời gian ủ chượp tối thiểu 6 tháng và có độ đạm từ 10 độ trở lên có quy mô thị trường khoảng trên 100 triệu lít/năm; bên cạnh đó phân khúc nước chấm là các sản phẩm gốc nước mắm có độ đạm dưới 10 độ và các sản phẩm pha chế sẵn (như nước mắm tỏi ớt…) có quy mô thị trường khoảng 125 triệu lít/năm.

Trong đó, báo cáo dẫn số liệu nghiên cứu thị trường của Công ty AC Nielsen cho thấy, thị phần nước mắm của Masan Consumer trong năm 2018 theo khối lượng khoảng 62% gồm các sản phẩm mang nhãn hiệu Chin-Su và Nam Ngư.

Trong phân khúc nước chấm, Masan Consumer sở hữu 65% thị phần theo khối lượng với các sản phẩm mang thương hiệu Đệ Nhị và Siêu Tiết Kiệm.

Thị phần kết hợp của Masan Consumer trên thị trường nước mắm và nước chấm đạt mức 63,5% theo khối lượng. Như vậy, Masan Consumer tiếp tục giữ vị thế số một tuyệt đối về thị phần với các sản phẩm nước mắm và nước chấm, vượt hàng chục lần so với các 'ông lớn' khác trong ngành thực phẩm nói chung, như Nestle, Acecook.

Thị phần và sản lượng lấn lướt này mang lại cho Masan Consumer mức doanh thu và lợi nhuận ấn tượng trong các năm qua, đặc biệt là 2018 khi doanh thu thuần mảng gia vị (bao gồm nước mắm, nước chấm, nước sốt, tương ớt...) tăng vọt từ mốc khoảng 5.000 tỉ đồng lên hơn 7.000 tỉ đồng, qua đó giúp lợi nhuận gộp của công ty này cán mốc 3.569 tỉ, tăng 20% so với cùng kì 2017.

Số liệu từ báo cáo thường niên 2018 của Masan Consumer, riêng sản lượng các thương hiệu như Chin-Su, Nam Ngư tăng trưởng 26% so với năm trước đó.

Masan bỏ túi 2/3 thị phần nước mắm, nước chấm Việt Nam - Ảnh 2.

Cả doanh thu và lợi nhuận mảng gia vị của Masan Consumer đều tăng mạnh trong năm 2018 (Nguồn: BCTC Masan Consumer/Đồ họa: Bạch Mộc).

Đặc biệt, ngành hàng này có tỉ suất lợi nhuận hiếm có. Năm 2018, mặc dù biên lợi nhuận gộp mảng gia vị không còn giữ được mức hơn 64% như 2016, nhưng mức 50,5% vẫn là niềm mơ ước với ngay cả những công ty đang kinh doanh các ngành hàng béo bở như Vinamilk hay Sabeco.

Masan bỏ túi 2/3 thị phần nước mắm, nước chấm Việt Nam - Ảnh 3.

Ngành gia vị luôn mang lại tỉ suất lợi nhuận cao ổn định cho Masan Consumer (Nguồn: BCTC Masan Consumer/Đồ họa: Bạch Mộc).

Nước mắm 'cá và muối' chỉ chiếm 1 - 2% thị phần

Để đảm bảo sản lượng đáp ứng nhu cầu của 63,5% thị trường như nói trên, Masan không chỉ dựa vào nguồn nước mắm nguyên liệu do nhà máy của công ty tự sản xuất.

Theo báo cáo, nguyên liệu sản xuất của Masan được lấy từ hai nguồn chính là nguyên liệu nước mắm cốt do Nhà máy của công ty tự sản xuất từ 500 thùng chượp (tổng sức chứa 10.000 tấn cá) và nguồn nước mắm thu mua của các cơ sở sản xuất nước mắm trong nước (chiếm khoảng 60 – 70% tổng sản lượng nước mắm cốt của các vùng sản xuất trọng điểm trong nước như Phú Quốc, Kiên Giang, Nha Trang, Phan Thiết).

Masan Consumer sở hữu 3 nhà máy chế biến và đóng chai nước mắm tại Phú Quốc (công suất 10.000 chai/giờ), Bình Dương (công suất 72.000 chai/giờ) và tại Nghệ An (36.000 chai/giờ). 

Nếu như những năm trước, công ty này tập trung vào phân khúc bình dân với các dòng sản phẩm giá rẻ, thì từ năm ngoái, 'ngáo ộp' ngành gia vị đã chen chân vào phân khúc cao cấp, và các, các sản phẩm này đã đóng góp khoảng 10% doanh thu ngành hàng này của Masan Consumer. Thêm vào đó, giá bán bình quân tăng thêm khoảng 7% so với năm 2017.

Theo một số liệu khác của Kantar Worldpanel, khoảng 97% gia đình Việt Nam trong khu vực đô thị sử dụng nước mắm trong bữa ăn hàng ngày.

Masan bỏ túi 2/3 thị phần nước mắm, nước chấm Việt Nam - Ảnh 4.

Nước mắm 'cá và muối' (không bổ sung phụ gia) hiện chỉ chiếm 1 - 2% thị phần

Trái ngược với triển vọng sáng sủa của Masan, báo cáo giám sát nói trên cũng cho thấy tình hình không mấy khả quan của loại hình sản xuất nước mắm theo phương thức thủ công truyền thống.

Theo đó, loại hình này hiện có khoảng 2.800 hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất trong cả nước. Sản lượng của các đơn vị này chiếm khoảng 20% thị phần nước mắm trong nước (so với mức hơn 70% thị phần của 10 công ty lớn). 

Trong đó loại nước mắm thành phẩm có thành phần từ cá và muối (không bổ sung phụ gia) chỉ chiếm khoảng 1 – 2%, chủ yếu là nước mắm được sản xuất theo chỉ dẫn địa lý Phú Quốc, Cát Hải.

Theo báo cáo của Hội nước mắm Phú Quốc, Hội có 56 doanh nghiệp với sản lượng nước mắm trên 30 triệu lít/năm. Trong đó có 8 doanh nghiệp có nước mắm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU, Pháp, Nhật…

Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn vốn, sản xuất chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ nên phần lớn doanh nghiệp sản xuất nước mắm theo phương thức truyền thống chưa có điều kiện đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, nhà xưởng. 

Báo cáo cũng dẫn thông tin từ UBND huyện Phú Quốc cho biết, số doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ, làng nghề nước mắm tại huyện đảo này có xu hướng giảm trong những năm gần đây.

Bạch Mộc