|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vì sao đưa Masan vào ban soạn thảo quy chuẩn nước mắm?

20:28 | 15/03/2019
Chia sẻ
"Thành phần tham gia ban soạn thảo phải đầy đủ như vậy để đảm bảo tính khoa học, khách quan, tính thực tiễn và nhất là phải đảm bảo sự đồng thuận..." - Cục trưởng Nguyễn Như Tiệp nói.
Vì sao đưa Masan vào ban soạn thảo quy chuẩn nước mắm? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ngày 15-3, trao đổi với Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã lý giải về việc đưa Masan vào ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mắm.

Cụ thể, ông Tiệp cho biết: “Khi Bộ NN-PTNT giao cho Cục chủ trì xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “Sản phẩm thủy sản – Nước mắm” đã yêu cầu rất rõ phải đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.

Để đảm bảo các yếu tố đó, chúng tôi đã thành lập ban soạn thảo với thành phần bao gồm: Đại diện cơ quan quản lý của Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan liên quan của Bộ NN-PTNT; Đại diện Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng; Đại diện các cơ quan nghiên cứu như Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3; bà Trần Thị Dung, chuyên gia về nước mắm, các nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp”.

Theo lời ông Tiệp, phía doanh nghiệp tham gia ban soạn thảo có đại diện Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, đại diện Hiệp hội nước mắm Nha Trang, đại diện Hiệp hội nước mắm Bình Thuận. Ngoài ra còn có một số doanh nghiệp lớn như Công ty Masan. Công ty Masan sản xuất rất nhiều loại, bao gồm cả nước chấm và nước mắm. Ở các địa bàn khác nhau họ cũng có các nhà máy sản xuất về nước mắm, nước chấm như  Phú Quốc, Bình Dương...

“Thành phần tham gia ban soạn thảo phải đầy đủ như vậy để đảm bảo tính khoa học, khách quan, tính thực tiễn và nhất là phải đảm bảo sự đồng thuận. Chúng tôi tạo ra diễn đàn cho tất cả các bên ngồi lại với nhau. Nhưng dù ý kiến gì thì cũng phải dựa trên tính khoa học, khảo sát tính thực tiễn", ông Tiệp nói.

Chúng tôi thắc mắc về việc tại sao trước đó đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước mắm rồi giờ lại phải xây dựng thêm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “Sản phẩm thủy sản – Nước mắm”; đã ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN5107:2018 về nước mắm, vì sao nay lại phải soạn thảo thêm TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm…

Về vấn đề này Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản cho biết: “Đây là hai quy chuẩn, tiêu chuẩn khác nhau. Một bên là quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản phẩm. Còn một bên là quy chuẩn, tiêu chuẩn về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong quá trình sản xuất kinh doanh nước mắm anh phải tuân thủ những điều kiện gì để tạo ra sản phẩm nước mắm an toàn”.

Mai Hiền