|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mang tiếng oan trong đại dịch COVID-19, cộng đồng gốc Việt đấu tranh cho ngành làm móng tại Mỹ

14:12 | 21/07/2020
Chia sẻ
Ngành làm móng do người Mỹ gốc Việt dẫn dắt đang phải đối mặt nhiều vấn đề lớn khi giới chức nghĩ các tiệm móng là nguồn lây lan dịch COVID-19.

Bên cạnh các phòng tập gyms, tiệm xăm, hiệu cắt tóc, massage trị liệu ở Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 thì hoạt động kinh doanh của các tiệm làm móng tại quốc gia này cũng gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp làm móng do người Mỹ gốc Việt làm chủ đang phải đối mặt với một vấn đề lớn khác khi vào hồi tháng 5, Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom, nhận định các tiệm làm móng là nguồn lây lan dịch COVID-19.

Các tiệm làm móng cũng đã phải đối mặt với làn sóng tẩy chay người châu Á trong suốt thời gian đỉnh điểm của dịch bệnh. Giờ đây, các chủ tiệm và nhân viên của họ đều có những mối lo riêng.

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt đấu tranh cho ngành làm móng tại Mỹ - Ảnh 1.

Chủ cửa hàng làm móng và các nhân viên cầm tấm bảng hiệu biểu tình ở Westminster, California, vào tháng trước. Ảnh: Jae C. Hong/AP

"Tại sao lại là người Mỹ gốc Việt?" đó là câu hỏi của Janet Nguyen, cựu thượng nghị sĩ cấp bang thuộc đảng Cộng hòa đang chạy đua vào một ghế hội đồng ở Quận Cam - cộng đồng người gốc Việt lớn nhất ngoài Việt Nam.

Bà bày tỏ nỗi thất vọng khi một ngành nghề mang nét riêng biệt của một cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn chỉ vì một câu nói của vị thống đốc. "Nó như một nhát dao đâm vào tim chúng tôi", bà Janet Nguyen nói.

Người Mỹ gốc Việt đã tạo dựng sức ảnh hưởng về mặt chính trị ở Quận Cam trong hàng chục năm qua, nhưng họ thường bầu các chính khách Cộng hòa vào hội đồng bang ở Sacramento, thủ phủ tiêu bang California. Thói quen đó khiến họ có phần bất lợi ở một  bang mà đảng Dân chủ chiếm vị thế áp đảo.

Hầu hết cửa hàng làm móng tại bang buộc phải đóng cửa vào hôm 20/7 sau khi Thống đốc Newsom gây thêm áp lực. Tuy nhiên, đó cũng chính là lí do để cả ngành làm móng đoàn kết lại với nhau.

"Trong vòng 12 tiếng sau bài phát biểu của Thống đốc Newsom ngày 7/5, chúng tôi đã tổ chức một cuộc họp báo lớn", theo Tam Nguyen, chủ sở hữu trường thẩm mỹ Advance Beauty College ở Quận Cam, cũng là người sáng lập nhóm Nailing It for America để thu thập các vật dụng bảo vệ cá nhân và quyên góp chúng cho nhân viên y tế.

"Hơn 40 năm tham gia vào ngành công nghiệp làm móng, tôi chưa bao giờ thấy cộng đồng làm móng đoàn kết như vậy trong đại dịch", ông Tam chia sẻ. Các chủ tiệm làm móng có chung hai trở ngại: hồi phục sau nhiều tháng đóng cửa, và nỗi lo về sự uy tín.

Chính quyền bang California đã "bật đèn xanh" cho tiệm làm tóc mở lại trước tiệm làm móng hai tuần. Các đại diện ngành móng cho rằng họ bị đối xử khác bởi phía chính quyền cho rằng ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên là ở một tiệm làm móng. Thống đốc Newsom hiện vẫn chưa đưa ra lời giải thích đầy đủ cho quan điểm của ông.

Sở Y tế bang trả lời tờ báo Politico rằng "ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên" ở California xuất hiện ở tiệm làm móng, nhưng thừa nhận rằng các nghiên cứu sau đó cho thấy virus đã lây lan ở California từ giai đoạn trước đó.

Câu nói của vị thống đốc có sức ảnh hưởng vô cùng lớn. Cảnh sát trưởng hạt Merced Vern Warnke khi trả lời một tờ báo địa phương đã nói ông không biết ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên xuất phát từ tiệm làm móng hay không, nhưng ông vẫn không ngần ngại nêu quan điểm: "Nhiều tiệm làm móng có phụ nữ gốc châu Á, ai mà biết họ đến từ đâu?".

Đối với những người gốc Việt như ông Tam Nguyen, mối lo ngại bị trừng phạt bởi đảng Dân chủ tại California là điều dễ hiểu vì so với các cử tri người Mỹ gốc châu Á khác, họ ủng hộ đảng Cộng hòa nhiều hơn.

Khoảng 20% người nhập cư gốc Việt trên khắp nước Mỹ sống ở Los Angeles và vùng ngoại ô. Tại đây, họ trở thành khối cử tri có tầm ảnh hưởng. Ở thành phố Westminster thuộc Quận Cam, 4/5 thành viên hội đồng là người gốc Việt. Với sự ảnh hưởng chính trị của mình, kể cả phe Dân chủ hay Cộng hòa, họ đều lên tiếng để bảo vệ người gốc Việt và ngành làm móng.

Đối thủ phe Dân chủ của bà Janet Nguyen là bà Diedre Thu-Ha Nguyen, thành viên hội đồng ở thành phố Garden Grove. Bà Diedre cho biết đã liên hệ với văn phòng thống đốc thường xuyên, gửi email mỗi ngày sau lời phát biểu trên của thống đốc.

Nhóm các nghị sĩ gốc châu Á - Thái Bình Dương và vị chủ tịch của nhóm - nghị sĩ cấp bang David Chiu thuộc đảng Dân chủ, cũng đã gửi thư lên tiếng về lời nói của vị thống đốc.

9 nghị sĩ từ Quận Cam, dẫn đầu là nghị sĩ cấp bang Tyler Diep của đảng Cộng hòa và Tom Umberg thuộc đảng Dân chủ, cũng gửi Thống đốc Newsom một bức thư vào ngày 10/6, chất vấn vì sao các tiệm làm móng chưa nhận được hướng dẫn mở cửa.

"Nhiều người trên khắp bang đang đặt câu hỏi vì sao tiệm làm móng bị cho là ngành không an toàn để mở cửa trở lại, trong khi các ngành khác như làm tóc thì ngược lại", một đoạn trong bức thư viết.

Bang California ra hướng dẫn hai ngày sau đó, cho các tiệm làm móng, tiệm xăm và tiệm massage, nhưng đi kèm với các đề nghị của các tổ chức nói trên. Chẳng hạn, không cho khách hàng chạm vào mẫu sơn móng tay, và khử trùng các vật dụng làm móng thường xuyên.

Chính quyền thống đốc không phản hồi các câu hỏi vì sao lại có hướng dẫn khác nhau giữa tiệm làm tóc và tiệm làm móng. Mới đây, bang California đã ra lệnh đóng cửa lại sau khi dịch bệnh có dấu hiệu tệ hơn. Lần này, ông Newsom đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ "các dịch vụ cá nhân".

Cơ quan bảo vệ môi trường của bang ngày 10/7 cũng công bố khoản trợ cấp 50.000 USD để đào tạo 2.500 người làm móng và chủ tiệm làm móng về cách giảm rủi ro từ hóa chất độc hại và COVID-19, nhiều người trong số họ là dân tị nạn và người nhập cư gốc Việt.

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt đấu tranh cho ngành làm móng tại Mỹ - Ảnh 2.

Một người biểu tình cầm tấm biển ghi "Hãy công bằng với các tiệm làm móng" trong cuộc biểu tình hôm 8/6 tại Westminster. Ảnh: AP.

Ông Chiu cho rằng đại dịch diễn ra càng chứng tỏ việc các doanh nghiệp đoàn kết và vận động cho chính mình là điều cần thiết.

"Đây là ngành đặc thù có nhiều người gốc Á và là cộng đồng chưa được đại diện tốt trong quá khứ", ông nói với Politico. "Giờ đây chúng tôi đã có sự liên hệ và hợp tác. Đó là điều tốt".

Hội liên hiệp Chăm sóc Sắc đẹp California có thể sẽ tham gia và kiện ông Newsom về các chính sách mở cửa trở lại nói trên. Luật sư của hội, ông Fred Jones, cho rằng ông Newsom không nhận ra hậu quả mang tính chính trị trong những phát ngôn của ông về tiệm làm móng.

"Tôi nghĩ trong lúc phát ngôn, vị thống đốc đã không nhận ra rằng 3/4 số tiệm làm móng là do người nhập cư gốc Việt thế hệ đầu tiên làm chủ, đa phần họ là phụ nữ", ông Jones nói.

Sau lời phát biểu của Newsom, việc tất cả tiệm cắt tóc, làm móng và các dịch vụ cá nhân khác phải đóng cửa lần nữa là "một bước lùi lớn", ông Tam Nguyen bày tỏ. Theo ước tính của ông Tam, lệnh giãn cách xã hội đầu tiên đã buộc 35% số tiệm làm móng của bang phải đóng cửa. Ông cho rằng lệnh mới đây sẽ khiến cho nhiều tiệm hơn nữa bị phá sản.

Việc chuẩn bị tốt hơn để vận động hành lang cho lần mở cửa trở lại tiếp theo là điều thực sự cần thiết. Ông hi vọng rằng với mạng lưới xã hội đã thiết lập trong lần vận động bàn đầu, mọi thứ sẽ đạt được mục đích.

Trả lời Politico, ông Tam cho hay: "Hiện chúng tôi đã có quan hệ ở văn phòng thống đốc, những cố vấn cao cấp, chúng tôi cũng có người ở Sở Y tế Cộng đồng California ủng hộ. Chúng tôi đã có lợi thế hơn hẳn so với hồi tháng 3 để có thể vận động tốt nhất cho ngành công nghiệp này".

Tường Vy