'Mảng gỗ sẽ là trụ cột trung hạn của Phú Tài (PTB) nhờ nhu cầu cao từ Mỹ, EU'
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo về triển vọng kinh doanh năm 2021 của CTCP Phú Tài (Mã: PTB).
Mảng gỗ là động lực tăng trưởng trung hạn của PTB
VDSC nhận định động lực tăng trưởng chính cho mảng gỗ của PTB là xuất khẩu - một "miếng bánh" hấp dẫn mà PTB định hướng đạt được trong trung hạn.
Phần lớn mảng gỗ được xuất khẩu, và tỉ trọng xuất khẩu cũng tăng dần qua các năm, việc này hoàn toàn phù hợp với chiến lược của công ty. Cụ thể, PTB xuất khẩu sang ba khu vực chính gồm Mỹ, EU, Nhật Bản.
Như vậy, PTB sẽ được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với EVFTA tạo ra nhiều thuận lợi hơn cho Việt Nam mở rộng ở thị trường EU.
Đối với thị trường EU, kể từ khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, 83% mặt hàng gỗ sẽ ngay lập tức giảm thuế suất về 0% (thuế suất cơ bản: 0% - 6%), 17% còn lại sẽ giảm trong vòng 6 năm (thuế suất cơ bản: 7-10%), do đó PTB sẽ có nhiều lợi thế để gia nhập vào thị trường EU trong những năm tiếp theo. Theo đó, PTB được dự đoán sẽ có nhiều khách hàng hơn tại thị trường EU cùng với thị trường Mỹ trong thời gian tới.
Về thị trường Hoa Kỳ, VDSC nhận định chiến tranh thương mại mang đến nhiều lợi ích cho xuất khẩu gỗ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. Kể từ quí I/2019, tổng giá trị nhập khẩu đồ gỗ từ Trung Quốc của Hoa Kỳ giảm 2 triệu USD, cùng lúc đó các mặt hàng gỗ xuất khẩu từ Việt Nam tăng trưởng đều cho đến đầu năm 2020.
Sau khi giảm mạnh vào quí II/2020 do COVID-19, tổng xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam sang Mỹ tăng 64% tương ứng với sự gia tăng doanh số nội thất gỗ của Mỹ.
Tuy nhiên, thị trường đồ nội thất Hoa Kỳ đã quay trở mức doanh thu trước COVID-19, do đó VDSC ước tính rằng đồ nội thất nhập khẩu bởi Hoa Kỳ từ Việt Nam sẽ tăng khoảng 15%/năm trong những quí sau – tương ứng với tốc độ tăng trưởng trước dịch.
Để đáp ứng nhu cầu cao như vậy từ thị trường Hoa Kỳ và EU, PTB đã hoàn thành giai đoạn 1 của nhà máy Phù Cát vào năm 2020 (hiện tại đạt 80% tổng công suất) và nâng cấp giai đoạn 2 của nhà máy Phù Cát trong năm nay và ước tính sẽ tận dụng hết công suất trong quí II/2021. Công ty cũng có kế hoạch nâng cấp nhà máy Vina G7 để mở rộng công suất.
Tựu trung lại, trong quí IV/2020, công ty dự kiến đạt 858 tỉ đồng doanh thu, tăng 3% theo quí và 27% theo năm.
Theo thông tin của công ty, họ đã nhận được đơn đặt hàng từ các khách hàng Hoa Kỳ đủ để đạt được doanh thu mục tiêu kể cả phần bù đắp trong vụ cháy nhà kho vào tháng 9/2020, giúp PTB đạt 118% mục tiêu doanh thu năm 2020.
Về dài hạn, nhu cầu cao từ thị trường Hoa Kỳ và EU sẽ góp phần giúp mảng gỗ của doanh nghiệp tăng trưởng và sẽ đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính cho PTB trong trung hạn.
Mảng đá được dự đoán sẽ cải thiện khi ngành xây dựng khởi sắc trở lại vào 2021
Với chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và định hướng thị trường xuất khẩu để nâng cao biên lợi nhuận, PTB đã xây dựng nhà máy thạch anh nhân tạo với công suất 450.000 m3/năm.
CAPEX (chi phí vốn) của dự án khoảng 300 tỉ đồng, giai đoạn 1 đi vào hoạt động năm 2020 và giai đoạn 2 sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2021, hoạt động hết công suất trong vòng 2 - 3 năm.
Theo công ty, họ sẽ định hướng sang thị trường Mỹ và Úc cho sản phẩm đá thạch anh nhân tạo, và đã xuất khẩu một vài công-ten-nơ đầu tiên sang thị trường Mỹ để thử nghiệm.
Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng cho PTB khi chiến tranh thương mại cùng với xu hướng tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ theo từng năm.
PTB bắt đầu mở rộng sản phẩm thạch anh nhân tạo với giá thấp hơn VCS – đây được xem là thị phần hấp dẫn trong ngành đá với biên lợi nhuận cao.
Ngoài ra, công ty cũng đẩy mạnh tăng trường sản phẩm đá thủ công và đá nghiền sàng trong bối cảnh bất động sản thấp điểm năm nay và đón đầu xu hướng xây dựng công trong năm sau.
Trong quý IV/2020, PTB đặt mục tiêu doanh thu mảng đá đạt 421 tỉ đồng, đạt 1.520 tỉ đồng vào năm 2020, tăng 2%.
Năm 2021, triển vọng nền kinh có vẻ khả quan hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng mảng đá khoảng 20% dựa trên các yếu tố xúc tác sau: Dự kiến sẽ giành được nhiều hợp đồng hơn tại thị trường Mỹ vào quý II trở đi; sự khởi sắc trở lại của xây dựng bất động sản dân dụng và xu hướng xây dựng công sẽ bùng nổ vào năm 2021.
Do đó, VDSC ước tính rằng công ty sẽ cải thiện doanh thu và tỉ suất lợi nhuận gộp.
Mảng ô tô sẽ hồi phục với nhiều chính sách hỗ trợ
Ô tô - sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp bị thiệt hại nặng trong năm 2020 do dịch COVID-19 và lũ lụt ở miền Trung Việt Nam (PTB sở hữu hai cửa hàng ở miền Trung).
Trong quý IV/2020, phân khúc ô tô của PTB dự kiến sẽ tăng trưởng vào tháng 12 do sự phục hồi sau trận lũ lụt ở miền Trung Việt Nam, Quyết định số 70 (giảm phí trước bạ trong nửa đầu năm) sẽ thúc đẩy người dân mua nhiều sản phẩm hơn trong năm 2020 để hưởng lợi ích này.
Công ty kì vọng sẽ đạt doanh thu 278 tỉ đồng, tăng 38% theo quý, đạt 1.032 tỉ đồng năm 2020, giảm 2% so với kế hoạch năm 2020 và lợi nhuận sau thuế 5 tỉ đồng vào năm 2020.
Trong dài hạn kể từ năm 2021, nhiều động lực thúc đẩy ngành ô tô tăng trưởng như sự gia tăng sản phẩm cao cấp khi nền kinh tế phục hồi mạnh, số lượng ô tô sẽ dần đạt mức ô tô bình quân trên 1.000 người dân là 50/1000 (hiện tại Việt Nam 23/1000) và nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi nhưng phần còn lại của thế giới vẫn còn thiệt hại của COVID-19 nên lượng cung ô tô sẽ hạn chế. Như vậy, cung thấp hơn cầu sẽ tác động tích cực đến giá bán ô tô trong 2021.
Bất động sản sẽ ghi nhận doanh thu trong quí III/2021
Công ty sẽ bàn giao dự án khu dân cư Phú Tài vào quí III/2021, dự án bao gồm 622 căn hộ, 12 căn hộ thương mại. Giá bán căn hộ chung cư dao động trong khoảng 26 - 28 triệu đồng/m2, thấp hơn so với các dự án khác trong khu vực.
VDSC ước tính tổng giá trị cho dự án này lên tới 1.291 tỉ đồng với trung bình 26 triệu đồng/m2. Do giá bán thấp hơn so với các dự án khác, VDSC kì vọng công ty có khả năng bán căn hộ vào năm 2021.
Tính đến nay, PTB đã bán được 35% tổng số căn hộ và dự kiến sẽ bán được 70% vào năm 2021, đóng góp khoảng 900 tỉ đồng vào năm 2021.