|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Maersk mở thêm kho bãi ở Việt Nam, đón sóng xuất khẩu của doanh nghiệp nội

18:29 | 14/05/2021
Chia sẻ
Trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam tăng cao, Maersk - hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, đã mở rộng hoạt động kho bãi tại Việt Nam.

Maersk mở thêm hai kho ở Bình Dương và Bắc Ninh

Theo đưa tin từ The Loadstar, Maersk vừa mở thêm hai nhà kho theo hợp đồng tại Bình Dương và Bắc Ninh. Qua đó, không gian kho bãi của tập đoàn vận tải biển số một thế giới tăng thêm 38.000 m2.

Hiện, Maersk có 11 cơ sở kho bãi khác tại Việt Nam. Maersk cho biết hai cơ sở mới sẽ giúp hãng "nâng cao năng lực quản lý hàng tồn kho cho các khách hàng từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam".

Kho bãi mới ở Bình Dương sẽ củng cố "đáng kể tăng trưởng thương mại ở miền nam Việt Nam", đặc biệt là cho các khách hàng của Maersk trong lĩnh vực công nghệ, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và bán lẻ.

Diện tích kho bãi của Maersk ở Bắc Ninh đã tăng hơn gấp đôi lên 29.000 m2 sau sự xuất hiện của nhà kho mới. Cơ sở này cách thủ đô Hà Nội khoảng 23 km và Hải Phòng (thành phố tập trung các cảng biển lớn) khoảng 120 km.

Maersk mở thêm kho bãi ở Việt Nam, chớp thời cơ doanh nghiệp trong nước nhộn nhịp xuất hàng ra thế giới - Ảnh 1.

Container chở hàng của Maersk - hãng vận tải biển lớn nhất thế giới về cả công suất và đội tàu. (Ảnh: Maersk).

Tận dụng thời điểm doanh nghiệp Việt Nam nhộn nhịp xuất khẩu hàng

Ông Marco Civardi, Giám đốc điều hành của Maersk Việt Nam, Campuchia và Myanmar, cho biết nhu cầu kho bãi ở Việt Nam đã tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch.

Ông Civardi lý giải: "Tình trạng thiếu container và tàu biển trong đại dịch COVID-19 đã tạo ra tác động to lớn đến hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế, làm tăng nhu cầu lưu kho của doanh nghiệp. Chúng tôi còn nhận thấy một sự tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành thương mại điện tử và giao hàng tận nơi".

"Trong khi các chủ đất cố gắng tối đa hóa lợi nhuận bằng cách chuyển từ mô hình chỉ cho thuê mặt bằng sang tự vận hành mặt bằng, các khoản đầu tư vào đất công nghiệp và logistics vẫn tiếp tục tăng. Trên thực tế, năm 2020, nguồn cung kho bãi từ các công ty bất động sản mới ở miền bắc tăng 25%, ở miền nam nhảy vọt 28% so với năm trước đó", ông Civardi nói thêm.

Giám đốc điều hành của Maersk Việt Nam nhìn thấy sự tăng trưởng hữu cơ từ một số khách hàng Việt Nam, nhưng "tỷ lệ tăng trưởng lớn hơn" lại thuộc về các công ty dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang nước ta.

"Tình hình dịch bệnh có thể đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển dây chuyền sản xuất, mặc dù ngay cả khi không có ảnh hưởng của đại dịch thì công bằng mà nói, Việt Nam có đủ lợi thế về vị trí địa lý, độ tuổi của lực lượng lao động, thái độ làm việc, khả năng cạnh tranh về lương thưởng và chính trị ổn định", The Loadstar dẫn lời ông Civardi nhấn mạnh.

"Tất cả những yếu tố trên đóng vai trò như một thỏi nam châm giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, từ cả các doanh nghiệp Trung Quốc lẫn các công ty quốc tế muốn rời thị trường tỷ dân", ông Civardi nói thêm.

Dù vậy, công suất vận tải biển và hàng không đều đang giảm sút, tạo ra thách thức lớn. "Nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không ra từ Việt Nam đến các thị trường, đặc biệt là Bắc Mỹ, tiếp tục tăng cao. Các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử và bán lẻ có nhu cầu rất lớn", Giám đốc điều hành Maersk Việt Nam cho hay.

"Hơn nữa, ngành vận tải hàng không dường như không có lịch trình cố định vào mùa hè vì các chuyến bay chở khách bị hủy bỏ hàng loạt. Song, nhu cầu vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc được dự báo vẫn còn cao, càng gây khan hiếm công suất vận tải và đẩy cước phí lên cao", vị giám đốc tiếp tục.

Khả Nhân

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.