|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mặc dù không xuất hiện, Trump vẫn sẽ thống trị Davos 2019

21:27 | 21/01/2019
Chia sẻ
Tổng thống Donald Trump và nội các sẽ không tham dự WEF Davos 2019 tuần này, nhưng ông Trump sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng hàng đầu tại cuộc họp thường niên của những người giàu có và quyền lực nhất thế giới, theo CNBC.

Vai trò của ông Donald Trump đối với Davos 2019

Bất luận đó là tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, mong muốn rút khỏi NATO của ông Trump hay chính phủ Mỹ đóng cửa đe dọa nền kinh tế lớn nhất thế giới, việc thảo luận về ông Trump tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) là không thể tránh khỏi.

“Ông Donald Trump sẽ giữ vai trò chủ đạo tại Davos, bất kể ông ấy có mặt ở đó hay không”, ông Tom Nides, Phó Chủ tịch Morgan Stanley kiêm cựu Phó Ngoại trưởng Mỹ, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.

“Vấn đề quan trọng nhất mà mọi người đang lo ngại chính là mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung và tính ổn định của nền kinh tế toàn cầu”, ông Nides nói.

“Trên thực tế, Mỹ là quốc gia liên quan đến mọi cuộc thảo luận tại Davos và bởi vì ông Donald Trump đã đưa ra quyết định tương đối gây tranh cãi, khả năng các cuộc thảo luận xoay quanh ông Trump sẽ khá lớn”.

mac du khong xuat hien trump van se thong tri davos 2019
Ông Donald Trump (Nguồn: Getty Images)

Bước vào năm 2019, mọi người đều “ngơ ngác”. Ông Trump, lúc này ở giữa nhiệm kì của mình, đang vật lộn với những biến động trong và ngoài nước, và hậu quả của những biến động này cũng đang diễn ra trên toàn thế giới. Cùng với Brexit, những hậu quả này kéo theo nhiều rủi ro gây hại tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Lo ngại về sự kết thúc của trật tự thế giới cũ chắc chắn đã xuất hiện trong nội bộ Davos, một danh sách dài gồm tỉ phú Bill Gates, Ray Dalio và George Soros – những người được hưởng lợi ích lớn lao nhờ sự ổn định của trật tự thế giới cũ.

“Thời đại của Mỹ đã kết thúc và chúng ta không biết tiếp đến sẽ là thời đại của ai”, ông Ian Bremmer, nhà sáng lập của công ty tư vấn Eurasia Group, cho hay.

“Chúng ta đang thời kì bất ổn và nguy hiểm, do đó những người tham dự Davos cần phải cân nhắc đến việc làm thế nào để đảm bảo khả năng phục hồi cho những cú sốc sắp tới”.

Khi ông Trump tham dự Davos 2018 để đưa ra quan điểm “America First” và tự hào về sự mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ, ông đã khiến chứng khoán tăng vọt và các doanh nghiệp reo mừng vì thuế doanh nghiệp được cắt giảm gần đây.

“Mỹ đang mở cửa kinh tế và chúng tôi lại nắm giữ lợi thế thêm lần nữa”, ông Trump phát biểu trước đám đông tại Davos năm 2018.

Gần đây, khi chính phủ Mỹ rơi vào hỗn loạn vì đóng cửa, kéo theo 800.000 nhân viên liên bang nghỉ việc không lương, các nhà kinh tế ngày càng hoảng hốt trước đợt đóng cửa chính phủ này bởi nó có thể làm cho tăng trưởng kinh tế chững lại.

Dấu hiệu cảnh báo một cuộc suy thoái

Ngay cả trước khi đợt đóng cửa chính phủ đi vào giai đoạn quan trọng, thị trường trên khắp thế giới đã nhấp nháy màu đỏ khiến tăng trưởng chững lại, báo hiệu một cuộc suy thoái sắp diễn ra.

Những lo ngại về chiến tranh thương mại và động thái của ngân hàng trung ương đã gây ra một đợt bán tháo cổ phiếu hồi cuối năm 2018.

Nợ doanh nghiệp tăng cao, khiến nhiều công ty không thể vay nợ lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Mặc dù điều kiện thị trường đã được cải thiện rất nhiều vào tháng 1/2019, thật khó khăn để phán đoán đây là sự hồi phục hay chỉ là một cú nhích “giả mạo”.

Do đó, một lần nữa, thế giới sẽ phải chú đến những gì diễn ra tại Davos 2019 cũng như phát biểu của các lãnh đạo doanh nghiệp như CEO Goldman Sachs Davis Solomon, hay CEO Uber Dara Khosrowshahi; và các chính trị gia như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Tuy nhiên, hơn 3.000 người ưu tú tập hợp tại Davos để vạch ra một tương lai tăng trưởng thịnh vượng và kết nối toàn cầu lại không giỏi đưa ra dự đoán. Họ từng gạt bỏ cơ hội của ông Trump ngay trước khi ông đạt được chức Tổng thống Mỹ, cũng như không thể dự báo được cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Câu nói hay nhất về Davos thuộc về CEO J.P. Morgan Jamie Dimon: “Davos là nơi các tỉ phú chia sẻ với các triệu phú về cảm giác của tầng lớp trung lưu”.

Ai hưởng lợi nhiều nhất từ toàn cầu hóa

Khi chủ nghĩa dân túy tiếp tục náo động các nền dân chủ từ Pháp đến Brazil, cuộc tranh luận tại Mỹ về việc có nên xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico hay không, giới tinh hoa tại Davos luôn là những người hưởng lợi nhiều nhất từ toàn cầu hóa trong khi lương của công nhân trung lưu vẫn trì trệ.

Chủ đề cho Davos 2019 là “Toàn cầu hóa 4.0”. Không ai lên tiếng rằng những người tham dự diễn đàn này không thể nào trở thành một phần của giải pháp, bởi họ luôn là người chiến thắng lớn nhất từ trước đến nay.

Sẽ có những phiên thảo luận sâu sắc về biến đổi khí hậu toàn cầu và bình đẳng giới, nhưng giá trị thật sự của Davos lại nằm ở chỗ, đây là nơi để những người tham dự thiết lập mối quan hệ và thỏa thuận bởi bao quanh họ là những người giàu có và nổi tiếng như Hoàng tử William, nhạc sĩ Will.I.Am.

“Đa số người tham dự vì đó là ‘vườn cây trái sum suê’ nhất thế giới”, ông Bremmer nói. “Họ thiển cận và dành phần lớn thời gian tại đó để kinh doanh”.

Bất chấp tính lịch sử của sự kiện này, một người tham dự lâu năm (từ chối nêu tên) cho biết 2019 sẽ là năm cuối cùng họ tham dự.

Xem thêm

Trần Nam Thi