|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Ma trận' đồ phong thuỷ cuối năm

10:00 | 20/01/2023
Chia sẻ
Tin vào quan niệm "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", khi cuộc sống có sự xáo trộn, nhiều người đã tìm đến phong thuỷ để củng cố niềm tin. Tuy nhiên, cần cảnh giác trước những lời quảng cáo bất chấp của một số địa chỉ kinh doanh.

Trong quan niệm của nhiều người, đồ phong thuỷ có thể vượng khí, đem đến tài lộc và may mắn. Đối với họ, việc mua sắm những vật phẩm này không chỉ giúp trang trí không gian sống mà còn là cách gửi gắm niềm tin tinh thần, hy vọng có một năm mới thuận lợi và hanh thông.

Nắm bắt nhu cầu của thị trường, dịp Tết Nguyên đán 2023, các đơn vị chế tác đồ phong thuỷ đã cho ra đời nhiều sản phẩm với đủ chủng loại, mẫu mã cùng giá thành đa dạng. Bên cạnh những vật phẩm truyền thống như tỳ hưu, thiềm thừ, trang sức và đá… thì năm nay, tượng mèo vàng những món đồ được gắn mác phong thuỷ như bàn ghế, hồ cá hay đồng hồ… cũng được nhiều người săn đón.

 Tượng mèo vàng là vật phẩm được săn đón vào mùa Tết năm nay. (Ảnh: Diễm Ly).

Anh N.T.T., chủ cơ sở bán đồ phong thuỷ trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, TP Hà Nội) cho biết, sức mua đồ phong thuỷ của người tiêu dùng có dấu hiệu tăng so với cùng kỳ năm ngoái. 

Để phục vụ khách hàng, ngay từ cuối tháng 11, anh đã nhập thêm nhiều vật phẩm độc đáo. Các sản phẩm tại cửa hàng của anh có giá dao động từ 500.000 - 40.000.000 đồng, phần lớn đều được chế tác từ nguyên liệu tự nhiên như đá hổ phách, đá thạch anh, ruby…

Theo khảo sát, cùng một sản phẩm như tượng kim quy hay lá bồ đề, có nơi bán chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng cũng có cửa hàng rao bán với giá vài chục triệu đồng. Trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, không khó để bắt gặp những sản phẩm như đá mắt mèo bảy màu, vòng hồ ly phong thuỷ… gắn kèm với ý nghĩa và công hiệu khác nhau, được chào bán với đủ mức giá.

Theo một số chủ cửa hàng, những năm gần đây, thị trường đồ phong thuỷ trở nên sôi động vì nhu cầu của người dân tăng cao, lại mang về nguồn lợi khá hấp dẫn vì giá thành đôi khi được quyết định theo mong muốn của người bán, chưa có sự thống nhất trên thị trường. 

Chị Lê Thu Hà (huyện Kim Động, Hưng Yên), người có nhiều kinh nghiệm sưu tầm đồ phong thuỷ cho hay, bản thân sẵn sàng chi tiền khủng để sở hữu linh vật được sản xuất từ đá hoặc ngọc quý hiếm… Cũng theo chị Lê Thu Hà, nhiều người còn tìm đến nghệ nhân nổi tiếng để đặt hàng độc bản, với mức giá lên đến hàng trăm triệu đồng.

Cảnh giác trước lời mời chào

Khoa học phong thuỷ đã hình thành từ lâu và ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, theo Nghệ nhân Quốc gia Nguyễn Đức Bằng, người dân nếu có nhu cầu mua vật phẩm phong thuỷ cần tỉnh táo trước những lời mời chào. 

Linh vật khi được chế tác phải dựa trên lịch sử và nét phong thuỷ đặc trưng của Việt Nam. Nghệ nhân chỉ là người tái hiện lại và "thổi hồn" để tác phẩm thêm ý nghĩa. Dù vậy, không ít đơn vị đang rao bán sản phẩm bằng những quảng cáo sai lệch với lịch sử và phong thuỷ nước nhà.

“Nhiều người rao bán thiềm xừ (cóc ba chân), tỳ hưu… gắn với lịch sử Việt Nam nhưng thực chất đây là những linh vật gắn với sự tích của Trung Quốc. Do đó, người mua cần trang bị kiến thức cơ bản để chọn cho mình món đồ phù hợp nhất”, anh nhận định.

Cũng theo Nghệ nhân Quốc gia Nguyễn Đức Bằng, để cho ra đời một tác phẩm chất lượng, người nghệ nhân phải có đôi tay linh hoạt, kiến thức trong ngành chế tác và sự am hiểu sâu sắc về phong thuỷ, đồng thời cần một khoảng thời gian nhất định. Chính vì vậy, trước thực tế thị trường xuất hiện tràn lan vật phẩm phong thuỷ như hiện nay, rất khó để khẳng định đâu là món đồ chất lượng thực sự.

Để cho ra đời một vật phẩm phong thuỷ là chuyện không đơn giản. (Ảnh: Nguyễn Đức Bằng)

Cùng chung quan điểm trên, chuyên gia phong thuỷ Nguyễn Song Hà cho biết, nhiều cửa hàng đang vì lợi nhuận mà tư vấn sai sự thật. Theo đó, không ít nơi rao bán sản phẩm với lời quảng cáo linh vật đã được “khai quang điểm nhãn”, “nạp năng lượng”…; đồng thời lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua để cảnh báo về vận hạn, qua đó thuyết phục khách chi tiền. Đáng nói, có nơi còn vỗ về khách rằng đây là mặt hàng được chế tác từ đá và ngọc nhập từ nước ngoài, qua đó đội giá cao gấp nhiều lần.

Vì tâm lý sính ngoại, không ít người sẵn sàng chi hàng tỷ đồng để sở hữu món đồ mà không hiểu giá trị và công năng thực sự của nó. Số khác lại mang tâm lý dễ dãi, tin tưởng hoàn toàn vào lời cam kết từ bên bán. Giữa thị trường đang thật giả lẫn lộn như hiện nay, nếu không tỉnh táo, khách hàng sẽ rất dễ mất số tiền lớn cho món đồ không đúng mệnh, hợp tuổi, thậm chí phản tác dụng.

Đồ phong thuỷ không phải “bùa hộ mệnh"

Là người có nhiều năm nghiên cứu về phong thuỷ, Nghệ nhân Nguyễn Tiến Hanh chia sẻ, không ít người Việt thường mang quan niệm "phú quý sinh lễ nghĩa" nên muốn sắm đồ phong thuỷ để đặt tại nhà hoặc cơ quan. Thực tế, một số món đồ chỉ có tác dụng nhất định nhưng nhiều người lại coi như "bùa hộ mệnh" và phó thác cuộc sống vào nó, đây vốn là điều không nên.

Trong khi đó, Nghệ nhân Quốc gia Nguyễn Đức Bằng nhìn nhận, mỗi tác phẩm phong thuỷ đều hàm chứa câu chuyện và ý nghĩa riêng, biểu tượng cho niềm vui, hạnh phúc và sự may mắn. Thế nhưng, vật phẩm phong thuỷ chỉ giúp người sử dụng trở nên thư thái và an yên, là nơi để gửi gắm niềm tin tinh thần chứ không hề thay đổi được số phận. 

“Nếu chỉ tin vào những chiếc vòng, viên đá mà không duy trì thái độ sống tích cực cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ thì cũng khó đạt được cuộc sống như mong muốn", Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng chia sẻ.

Vào dịp Tết đến xuân về, nhiều gia đình thường bày trí vật phẩm phong thuỷ như một cách cầu tài lộc, may mắn. Về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Song Hà cho rằng, mọi người không cần đặt nặng vấn đề mua sắm vật phong thuỷ đắt tiền vào năm mới. Thay vào đó, chỉ cần trang trí nhà cửa ngày Tết bằng hoa bách hợp, hoa thuỷ tiên… cùng một số bức tranh như Tùng Cúc Trúc Mai, tranh ruộng bậc thang… cũng có thể gia tăng vượng khí. Đồng thời, đừng quên giữ cho mình một tâm hồn thư thái, không sân si, vướng bận.

Diễm Ly