Mả Lạng – khu siêu ổ chuột giữa trung tâm Sài Gòn
Nằm lọt thỏm trong vành đai 4 tuyến đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP HCM) là hàng trăm căn nhà diện tích 5-6 m2, cũ nát. Khu Mả Lạng này dày đặc ngõ ngách hun hút, ngoằn ngoèo như mê cung. Quang cảnh ở đây đối lập hoàn toàn với khu trung tâm mua sắm hạng sang, khách sạn 5 sao... chỉ cách đó một phút đi bộ.
Căn nhà xập xệ số 245/83/46 Nguyễn Trãi của bà Võ Thị Thu Nga (57 tuổi) thuộc vùng lõi Mả Lạng. "Mặt tiền" rộng 1,3 m cũng là cửa vào nhà. Bên trong, tủ lạnh, tủ quần áo, bàn thờ... được gia chủ sắp xếp khá gọn nhưng căn nhà vẫn chật cứng. Khoảng trống duy nhất là lối đi rộng 0,5 m kéo thẳng xuống gian bếp rộng hơn một m2. Mọi sinh hoạt của 4 người trong nhà từ tiếp khách, ngủ, nghỉ, xem tivi đều diễn ra tại đây.
"Nhà tôi sống như vầy 35 năm rồi. Hồi nào giờ gia đình chưa từng ngồi chung mâm cơm vì không đủ chỗ. Tới bữa mạnh ai nấy xúc tô cơm ra trước nhà. Đêm đến cả nhà ngủ xếp lớp như cá mòi, không duỗi thẳng chân, lật người được", bà Nga cho biết, giọng trầm ngâm.
Một căn nhà ở khu Mả Lạng. Ảnh: Duy Trần. |
Bất kể ngày đêm, đèn trong căn nhà 4 m2 của bà Nguyễn Thị Hoàng (60 tuổi) luôn sáng. Tình cảnh của bà cũng là của hàng trăm hộ khác khi nhà luôn thiếu ánh mặt trời. Ngay cả con hẻm rộng một mét dùng để đi lại lúc nào cũng nhá nhem tối.
"Nhà thì nhỏ mà con cái ngày một nhiều lên nên người ta làm ban công cơi nới ra không gian hẻm. Một nhà làm được thì hàng trăm nhà khác làm theo nên lối đi giờ giống đường hầm địa đạo", bà Hoàng nói.
Cả khu có 6 nhà xí để dùng chung nhưng người đi kinh tế mới về đông nên nơi tiểu tiện ngày xưa giờ cũng thành nhà. Nhiều năm qua, gia đình bà Hoàng chọn cách tiểu tiện ở nhà vệ sinh công cộng hoặc nhờ hàng xóm. "Nhiều nhà ở đây cũng không khá hơn đâu, chỗ vệ sinh thường làm ngay trong bếp. Ai có nhu cầu thì những người còn lại phải ra ngoài, đóng cửa lại cho bớt mùi", bà Hoàng kể.
Ở sát bên, chị Nguyễn Thị Nga giọng rổn rảng: "Mang tiếng nhà ở quận 1 hoa lệ nhưng tui chưa bao giờ dám rủ bạn bè đến chơi vì chỗ cho khách đứng cũng không có. Nếu có đám tiệc, cúng giỗ gì phải xin khu phố cho bày bàn ghế ra đầu hẻm 245 Nguyễn Trãi, nơi rộng nhất Mả Lạng. Không ai nghĩ cạnh mấy tòa nhà chục tầng, phố ăn chơi lại có nơi như vậy".
Thừa nhận cuộc sống quá tồi tàn, song phần lớn người dân khu Mả Lạng đều cho biết "không muốn đi nơi khác", bởi họ không có tiền và đều mưu sinh nhờ buôn bán trên vỉa hè, chạy xe ôm... ở khu trung tâm, xung quanh Mả Lạng.
Cửa vào nhà cũng là bề ngang của căn nhà ở khu Mả Lạng. Ảnh: Duy Trần. |
Qua kiểm kê sơ bộ của UBND quận 1, khu vực Mả Lạng có hơn 530 nhà dưới 20 m2. Trong đó chủ yếu là những căn siêu nhỏ đã xuống cấp. Tại đây, không gian sống, điều kiện vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy đều không đảm bảo. Hồi tháng 5, ba căn cháy rụi vì chập điện.
Nhằm sớm giải tỏa khu Mả Lạng theo chủ trương của UBND TP HCM, quận 1 đã nhiều lần đối thoại với người dân để thực hiện quy hoạch xây dựng cao ốc Văn phòng - Trung tâm thương mại – Căn hộ kết hợp chỉnh trang đô thị.
Phần lớn người dân đều đồng tình với quy hoạch của TP HCM, song cho rằng giá đền bù chưa thỏađáng, yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền minh bạch, rõ ràng.
"Chúng tôi biết đời sống người dân trong vùng lõi Mả Lạng rất khó khăn. Quận cùng chủ đầu tư dự án sẽ nghiên cứu một mức giá hợp lý để bà con có tiền tạo dựng nơi ở mới khang trang hơn. Người dân cũng có thể tái định cư tại chỗ khi dự án mới hoàn thành", một lãnh đạo quận 1 nói.
Những con hẻm chỉ vừa một xe máy qua lại, luôn thiếu ánh sáng ở Mả Lạng. Ảnh: Duy Trần. |
Khu Mả Lạng còn được gọi là Tứ giác Nguyễn Cư Trinh. Trước 1975, nơi này là nghĩa địa với hàng chục ngôi mộ nằm lộn xộn, xen lẫn nhà dân.
Những năm 1977-1982, các ngôi mộ được dời đi nhường chỗ cho những người đi kinh tế mới trở về. Họ dựng thêm nhà để sinh sống tạm bợ cho đến nay. Giai đoạn 1997-2003, Mả Lạng là chợ ma túy nổi tiếng của cả nước. Hiện, tệ nạn này đã được xoá bỏ nhưng cái nghèo vẫn đeo bám người dân.
Từ năm 2000, TP HCM có chủ trương giải tỏa, chỉnh trang khu Mả Lạng và giao Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn triển khai nhưng không làm được. Năm 2007, dự án được chuyển cho Tập đoàn Bitexco để thực hiện khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, dự án này bị treo tiếp 10 năm nay.
Quận 1 đang thừa lệnh UBND thành phố, tập trung cùng nhà đầu tư rà soát để giải tỏa đền bù. Dự kiến đến tháng 9 năm sau sẽ bắt đầu chi trả tiền bồi thường cho người dân.