|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lý do Việt Nam được chọn là nơi tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều

21:35 | 11/02/2019
Chia sẻ
Thượng đỉnh Trump - Kim tại Việt Nam: Giới quan sát cho rằng Việt Nam có thể tổ chức tốt thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai và đóng góp lớn cho tiến trình phi hạt nhân.
ly do viet nam duoc chon la noi to chuc thuong dinh my trieu
Tổng thống Mỹ Trump, phải, và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp lần một tại Singapore năm ngoái. Ảnh: AP.

Trong thông điệp liên bang hôm 9/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo cuộc gặp lần hai giữa ông và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra ở Việt Nam, trong hai ngày 27-28/2.

"Rõ ràng Việt Nam có khả năng đảm bảo các vấn đề hậu cần và an ninh cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Việt Nam đã có kinh nghiệm làm nước chủ nhà các sự kiện quốc tế, tiêu biểu là hội nghị APEC năm 2017", Giáo sư Charles Armstrong, Đại học Columbia, Mỹ đánh giá khi trao đổi với VnExpress.

Armstrong nhắc đến chuỗi sự kiện trong Tuần lễ cấp cao APEC cuối năm 2017 diễn ra tại Đà Nẵng. Nguyên thủ của hầu hết các nước thành viên APEC đều tham dự, trong đó có Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Chuyên gia này đánh giá Việt Nam là "địa điểm thú vị" để tổ chức cuộc họp lần hai giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hà Nội có quan hệ tốt với cả Washington và Bình Nhưỡng, có thể được xem là bên hòa giải vì hòa bình.

Giáo sư Nam sung-wook, Đại học Hàn Quốc, cũng cho rằng "Việt Nam là địa điểm tốt nhất để tổ chức hội nghị thượng đỉnh".

"Việt Nam là một nước mang tính biểu tượng về vai trò hòa giải vì hòa bình", Nam nói.

Theo giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, Việt Nam và Hà Nội sẽ trở thành trung tâm chú ý của cả thế giới cho đến khi cuộc gặp Trump - Kim kết thúc. Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng tổ chức các sự kiện cấp cao với việc bảo đảm an ninh công cộng, cơ sở hạ tầng sang trọng đáp ứng được yêu cầu của các nguyên thủ. Trong tuần lễ cấp cao APEC 2017, Việt Nam đã đảm bảo an ninh "ở mức cao nhất".

Với Trump, từ khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông đã gặp các lãnh đạo Việt Nam và từng đặt chân đến Hà Nội. Các nguồn tin của Thayer cho biết Triều Tiên muốn Hà Nội là nơi diễn ra cuộc gặp với Trump vì Kim Jong-un có thể đồng thời thăm chính thức Việt Nam. Việc lãnh đạo Triều Tiên hạn chế di chuyển giữa các thành phố cũng là một ưu tiên trong đảm bảo an ninh của Bình Nhưỡng. Kim Jong-un có thể đến Hà Nội bằng chuyên cơ trong chặng bay 3-4 tiếng, không bị ảnh hưởng bởi chênh lệch múi giờ. Việt Nam từng là nước tổ chức các cuộc họp kín giữa Bình Nhưỡng và Tokyo về vấn đề đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau chiến tranh. Triều Tiên từng cử các phái đoàn đến Việt Nam để học hỏi chương trình cải cách kinh tế. Việt Nam cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm với Triều Tiên về việc thảo luận chấm dứt lệnh cấm vận của Mỹ, cách mở cửa nền kinh tế cho đầu tư nước ngoài, khuôn khổ cho các dự án hợp tác chung và hiệp ước thương mại tự do song phương.

Trong khi đó, Hàn Quốc đang có quan hệ rất tốt với Việt Nam. Thayer cho rằng Trung Quốc cũng khuyến khích Mỹ và Triều Tiên thúc đẩy đối thoại. Do đó, cả Mỹ, Triều Tiên, Trung Quốc và Hàn Quốc đều tin tưởng vào vai trò trung gian của Việt Nam, khả năng tổ chức và quản lý an ninh, hậu cần và truyền thông. Tất cả các bên liên quan đều có lợi ích khi Việt Nam tổ chức cuộc gặp này.

"Việc Việt Nam được chọn làm địa điểm tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai cho thấy Hà Nội sẽ có uy tín lớn trong mắt cộng đồng quốc tế, trên khía cạnh là bên đóng góp tích cực cho an ninh khu vực và thế giới", Thayer nói.

Khi tổ chức cuộc họp này thành công, Việt Nam sẽ củng cố được tính đúng đắn của chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, là bạn bè đáng tin cậy với tất cả các nước.

Theo Harry Kazianis, Trung tâm Lợi ích quốc gia, Mỹ, Việt Nam sẽ "không gặp vấn đề gì" trong tổ chức cuộc họp lần hai giữa Trump và Kim Jong-un và sẽ thực hiện nhiệm vụ đó một cách suôn sẻ.

"Hà Nội mong muốn cho thế giới thấy những thế mạnh của mình, có thể trở thành một điểm đến kinh doanh, du lịch và cả ngoại giao tầm cỡ thế giới", Kazianis nói. Trong vài năm qua, Mỹ đánh giá cao vị trí của Việt Nam ở châu Á. Việc trở thành địa điểm tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Trump - Kim chứng tỏ Mỹ dành cho Việt Nam sự tin tưởng, là đối tác ngoại giao đáng được tôn trọng và là một ngôi sao đang lên ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, giới quan sát không tỏ ra quá kỳ vọng vàokết quả cuộc gặp lần hai giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên. Giáo sư Nam sung-wook gợi ý có thể nhìn vào chi tiết cuộc họp chuẩn bị để đoán cuộc họp Trump- Kim sẽ mang lại điều gì. Hai bên có thể đạt được thỏa thuận về việc Bình Nhưỡng dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) để cùng Mỹ tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và nới lỏng lệnh trừng phạt.

"Quá trình phi hạt nhân hóa vẫn còn nhiều bất ổn cho tới khi hai bên đạt được các kết quả cụ thể", ông Nam nói.

Joshua Pollack, chuyên gia tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Middlebury, Mỹ, nhắc lại việc Trump và Kim Jong-un không có nhiều chuẩn bị cho cuộc gặp lần một tại Singapore năm ngoái và đưa ra tuyên bố chung ngắn và đơn giản. Còn Harry Kazianis cho rằng hai bên sau khi vượt qua thời kỳ "bên bờ vực chiến tranh", giờ đây cần cho thấy một số kết quả cụ thể, nếu không "sẽ bị coi là một show truyền hình thực tế".

Xem thêm

Khánh Lynh