|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lý do thực sự khiến Nga muốn cấm tuyệt đối tiền điện tử

07:49 | 22/01/2022
Chia sẻ
Việc Ngân hàng Trung ương Nga đề xuất cấm tuyệt đối tiền điện tử gây bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư và nguyên nhân đằng sau đó phức tạp hơn lý do về năng lượng hay giá biến động.

Theo Coindesk, Ngân hàng Trung ương Nga đã có báo cáo công bố hôm 20/1, trong đó nhấn mạnh Nga phải cấm tiền ảo. Cụ thể, báo cáo, "Tiền điện tử: Xu hướng, rủi ro và biện pháp" được trình bày trong cuộc họp báo trực tuyến với Elizaveta Danilova, giám đốc Cục Ổn định Tài chính của Ngân hàng Trung ương Nga chỉ ra những bất cập, rủi ro của thị trường tiền ảo.

Vì đâu Ngân hàng Trung ương Nga muốn cấm tiền điện tử?

Cụ thể, báo cáo mới được công bố nhận định rằng tiền điện tử rất dễ bay hơi và hay được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động bất hợp pháp như gian lận, rửa tiền. 

Ngân hàng trung ương nước này cũng khẳng định, tiền ảo tạo ra một kẽ hở để mọi người rút tiền ra khỏi nền kinh tế quốc gia, từ đó làm suy yếu nền tài chính, tiền tệ truyền thống, đồng thời khiến công việc của cơ quan quản lý liên quan tới nỗ lực duy trì các chính sách tiền tệ tối ưu trở nên khó khăn hơn.

Lý do thực sự khiến Ngân hàng TW Nga muốn cấm tuyệt đối tiền điện tử - Ảnh 1.

Ngân hàng Trung ương Nga muốn cấm tất cả hoạt động liên quan tới tiền điện tử. (Nguồn: Coindesk)

Do đó, ngân hàng đề nghị chính phủ Nga nghiên cứu, ban hành các luật và quy định mới cấm bất kỳ hoạt động nào liên quan đến tiền điện tử trong nước. Đặc biệt, việc phát hành và tổ chức lưu hành tiền điện tử ở Nga phải bị cấm. Lệnh cấm sẽ áp dụng cho các sàn giao dịch, bàn giao dịch không hóa đơn và các nền tảng ngang hàng.

Báo cáo cho thấy ở thời điểm hiện tại, một lệnh cấm sử dụng tiền điện tử để thanh toán là cần thiết. Bên cạnh đó, cần quy định hình phạt cụ thể đối với hành vi mua hoặc bán hàng hóa, dịch vụ và trả lương nhân công của cá nhân, doanh nghiệp Nga bằng tiền ảo.

Các nhà đầu tư tổ chức (doanh nghiệp) của Nga không được phép đầu tư vào tài sản tiền điện tử và không có tổ chức tài chính hoặc cơ sở hạ tầng nào của Nga được tiến hành các giao dịch tiền điện tử. Ngân hàng Trung ương Nga đã cấm các quỹ tương hỗ đầu tư vào tiền điện tử. Bây giờ, họ đang đề nghị đưa ra một hình phạt cho việc vi phạm lệnh cấm này.

Thực trạng khai thác, đầu tư tiền ảo ở Nga

Khai thác tiền điện tử là một hoạt động vốn đã phát triển mạnh ở Nga trong vài năm qua và thậm chí đã nhận được một số sự đồng ý của quốc hội nước này vào năm 2021. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì Ngân hàng Trung ương Nga chính thức lên tiếng phản đối.

Lý do thực sự khiến Ngân hàng TW Nga muốn cấm tuyệt đối tiền điện tử - Ảnh 2.

Tiền điện tử bị cho là có quá nhiều rủi ro. (Nguồn: Investment Weeks)

Báo cáo cho rằng, việc đào bitcoin hay khai thác các loại tiền điện tử khác tạo ra nguồn cung tiền điện tử mới, vì vậy nó kích thích nhu cầu đối với các dịch vụ tiền điện tử khác như sàn giao dịch. 

Từ đó, xu hướng này cũng "tạo ra chi phí điện phi sản xuất, làm suy yếu nguồn cung cấp năng lượng cho các tòa nhà dân cư, cơ sở hạ tầng xã hội và các đối tượng công nghiệp, cũng như chương trình nghị sự về môi trường của Liên bang Nga", tuyên bố chính thức của báo cáo cho hay. Theo đó, "giải pháp tối ưu" lúc này là Nga sẽ phải cấm khai thác tiền điện.

Ngoài ra, ngân hàng trung ương cũng có kế hoạch giám sát các giao dịch tiền điện tử của người dân Nga và phối hợp với các quốc gia khác - nơi có các sàn giao dịch tiền điện tử được đăng ký để lấy thông tin về giao dịch của người dùng Nga. 

Cơ quan này tin rằng trong tương lai, việc tăng cường cơ sở hạ tầng ngân hàng hiện tại, cũng như giới thiệu đồng rúp kỹ thuật số - một loại tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương hiện đang được thực hiện sẽ đáp ứng nhu cầu giao dịch tiền tệ nhanh và rẻ của người dân Nga. các tùy chọn thanh toán kỹ thuật số mang lại cho họ lợi thế của tiền điện tử mà không cần đến các loại tiền điện tử.

Đối với xu hướng đầu tư vào tài sản tiền điện tử, ngân hàng muốn cân nhắc đề xuất thay thế bằng các tài sản kỹ thuật số khác, cũng sẽ được ban hành ở Nga theo luật về tài sản kỹ thuật số, có hiệu lực kể từ mùa hè năm 2020.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết người Nga thực hiện hơn 5 tỷ USD giao dịch tiền điện tử trong một năm, nhưng không làm rõ con số này được tính như thế nào.

Thu Phương