Lý do thực sự khiến Facebook và Google đang yên đang lành bỗng chốc đổi tên công ty thành Meta và Alphabet
Khoảng 6 tháng trước, Facebook đã đổi tên công ty thành Meta, thể hiện quyết tâm trong việc định hướng nhắm đến thị trường metaverse. Động thái này rất giống với một gã khổng lồ công nghệ khác là Google, công ty đã đổi tên thành Alphabet vào năm 2015, theo Yahoo Finance.
Rất khó để xác định liệu sự thay đổi tên này của Meta có được công chúng đón nhận hay không, nhưng ngay cả Alphabet giờ đây cũng chưa thực sự phổ biến. Đa phần mọi người đều quen với cái tên Facebook hoặc Google.
Vậy tại sao một công ty lại quyết định đổi tên thay vì sử dụng cái tên đã quen thuộc với tất cả mọi người?
Có một vài lý do cơ bản khiến các công ty làm điều này. Patti Williams, giáo sư marketing và phó trưởng khoa giáo dục tại Đại học Pennsylvania cho biết đôi khi cái tên hiện tại không thực sự đúng với hướng đi của công ty, hoặc họ đang cố gắng loại bỏ những thứ tiêu cực đã gắn với cái tên cũ.
Ngoài Facebook và Google, nhiều công ty cũng đã thực hiện việc đổi tên trong những năm qua. Năm 2021, công ty thanh toán Square đã đổi tên thành Block (SQ). Trước đó, năm 2016, Snapchat cũng đổi tên thành Snap. Vào năm 2017, gã khổng lồ Tesla của tỷ phú Elon Musk thậm chí đã bỏ chữ "Motors" khỏi tên công ty.
Tuy nhiên, bối cảnh thay đổi tên công ty của Facebook đã gây ra nhiều tranh cãi. Facebook cho biết sẽ đổi tên thành Meta vào tháng 10/2021, cùng thời điểm với các cuộc phỏng vấn gây xôn xao dư luận của Frances Haugen, một cựu nhân viên của chính công ty.
Bà Haugen đã đưa ra tiết lộ gây sốc rằng Facebook biết mức độ mà các nền tảng của họ được sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch và gây thù địch, nhưng vẫn quyết định ngồi im và không có hành động gì cả. Điều này đã gây ra một làn sóng phản đối Facebook mạnh mẽ vào thời điểm đó.
Những liên kết tiêu cực với Facebook
Giáo sư Williams tin rằng sự thay đổi của Meta - Facebook phần lớn nhằm mục đích khiến mọi người quên đi những thông tin tiêu cực được tiết lộ bởi Haugen. Renée Richardson Gosline, giảng viên khoa học quản lý của Học viện Công nghệ Massachusetts cũng đồng ý với quan điểm này
“Metaverse có vẻ ngoài rất hiện đại, có cảm giác liên quan đến mạng xã hội. Tuy nhiên, vẫn cần phải chờ xem Meta có liên quan chặt chẽ như thế nào đến những gì Facebook làm. Nếu họ tiếp tục hoạt động theo cách cũ, sẽ không dễ để tách những thông tin tiêu cực khỏi công ty”, Gosline nhấn mạnh.
Thực tế, kể từ khi đổi tên thành Meta, công ty được điều hành bởi tỷ phú Mark Zuckerberg đã không gặp may. Giá cổ phiếu công ty liên tục sụt giảm, thậm chí đã có lúc khiến giá trị vốn hóa Meta “bốc hơi” hàng trăm tỷ USD trong một ngày, trở thành phiên giao dịch tệ nhất lịch sử.
Video được đăng tải trên trang Facebook cá nhân của tỷ phú Mark Zuckerberg thậm chí đã trở thành tâm điểm cho sự chỉ trích và những trò đùa của người dùng mạng xã hội. Đoạn video dài hơn một giờ có cảnh CEO Mark Zuckerberg giới thiệu về hoạt động của công ty trên metaverse. Video được sản xuất cẩn thận, với chất lượng đồ họa tuyệt đẹp và không thừa nhận những cáo buộc của Haugen hay cuộc khủng hoảng PR đi kèm.
Dù vậy, diễn biến giá cổ phiếu Meta đã tốt hơn trong thời gian gần đây. Sau khi công bố báo cáo thu nhập vào cuối tháng 4, giá cổ phiếu Meta đã tăng vọt. Các nhà đầu tư cũng có vẻ hài lòng hơn khi chứng kiến lượng người dùng Facebook tăng trở lại. Tuy nhiên, kể cả khi lợi nhuận công ty cao hơn kỳ vọng của các nhà đầu tư, nó vẫn thấp hơn 21% so với cùng kỳ năm trước.
Phân tán rủi ro
Có một động lực hấp dẫn khác để một công ty như Facebook hoặc Google thay đổi tên của mình: Họ bị đe dọa bởi thành công của chính mình. Những gì khởi đầu là một sản phẩm mang tính biểu tượng đã trở thành một đế chế của các thương hiệu, song một vài trong số đó hoàn toàn không gắn liền với sản phẩm ban đầu.
Barbara Kahn, một giáo sư marketing tại Wharton, cho biết đây là điểm chung giữa Google và Facebook: Cả hai công ty đều bắt đầu với một sản phẩm thành công và sau đó phát triển, cả về mặt tổ chức và thông qua các thương vụ mua lại. Mỗi sản phẩm mới được mua lại, từ Instagram đến WhatsApp, đều có thương hiệu và danh tiếng riêng.
Một công ty được gọi là “House of brand” khi sở hưu nhiều thương hiệu và doanh nghiệp khác nhau. Công ty mẹ không nhất thiết phải thể hiện sự liên kết với các công ty con, và các công ty con cũng không cần liên kết với nhau. Đó là điều cả Google và Facebook mong muốn.
Ngược lại, một công ty được gọi là “Branded house”, giống như Disney, trong đó mang tên thương hiệu của công ty mẹ, hỗ trợ tất cả sản phẩm khác trong danh mục đầu tư.
Theo Gosline, việc thành lập công ty “House of brand” giúp giảm bớt sự lây nhiễm giữa các thương hiệu, người tiêu dùng cũng có thể tách biệt các thương hiệu với công ty mẹ của họ.
“Bạn có thể không thích Amazon, nhưng bạn vẫn nghe Audible, hoặc mua sắm tại Whole Foods, vì vậy sự tách biệt thương hiệu này rất có giá trị”, giáo sư Barbara Kahn cho biết.
Đối tượng nhắm đến
Việc đổi tên được thông qua hay không có liên quan chặt chẽ đến đối tượng mà sự thay đổi đó hướng tới. Đối tượng đó không nhất thiết phải là người tiêu dùng, nó cũng có thể là đối thủ cạnh tranh, hoặc nhà đầu tư.
“Tôi nghĩ rằng Facebook chắc chắn đang cố gắng nói rằng việc thay đổi tên là vì có sự thay đổi trong chiến lược chứ không phải vì hành vi tiêu cực, nhưng tôi nghi ngờ cả hai điều này thực sự đúng.
Vì vậy, họ đang cố gắng khẳng định điều ngược lại. Khi chọn từ “Meta”, họ thực sự đang nói với đối thủ cạnh tranh nhiều hơn là với người tiêu dùng. Đó là một nỗ lực để gửi đi một thông điệp cạnh tranh mạnh mẽ về tương lai của công ty với các đối thủ”, giáo sư Williams cho biết.
Tương tự, việc Google đổi tên sang Alphabet nhằm đưa ra một thông báo rằng công ty không đơn thuần chỉ là một công cụ tìm kiếm, và họ cũng có những sản phẩm chất lượng khác không mang thương hiệu Google.
Về phần mình, Meta có lẽ sẽ cần phải làm nhiều điều hơn nữa để cái tên mới của họ có thể in sâu trong tâm trí khách hàng. “Tôi không nghĩ rằng chỉ một mình từ “metaverse” có thể đủ khả năng phá vỡ mối liên kết sâu sắc giữa người dùng và Facebook”, giáo sư Barbara Kahn nói thêm.
Cuối cùng, việc đổi tên nhiều khi không mang đến tác dụng mà ban lãnh đạo công ty mong muốn. Ví dụ, Altria (MO), công ty mẹ có các bộ phận bao gồm tập đoàn thuốc lá Philip Morris của Mỹ, chưa bao giờ hoàn toàn lột tả được tầm ảnh hưởng của một công ty sở hữu các thương hiệu thuốc lá nổi tiếng như Marlboro.