Lý do cần thận trọng trước đợt tăng giá mạnh của bitcoin
Cơn sốt tiền điện tử có vẻ như không có giới hạn. Giá trị đồng bitcoin tăng 10 lần kể từ đầu năm tới nay. Thông qua các cuộc ICO (huy động vốn bằng cách phát hành tiền điện tử) các công ty đã thu về hơn 3,5 tỷ USD trong năm 2017. Tuy nhiên, giáo sư Jean Tirole cho rằng nhà đầu tư cần cẩn trọng trước xu hướng này và họ cần được bảo vệ. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần ngăn chặn các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư trong việc tiếp cận những công cụ này.
Ông cho biết thêm: "Tôi không hề hoài nghi gì về blockchain- công nghệ nền tảng của bitcoin. Công nghệ sổ cái phân tán này là một sự bước tiến bộ vượt bậc và cần được sự ủng hộ mạnh mẽ". Tuy nhiên, ông cho rằng điều đáng lo nhất chính là các loại tiền điện tử. Bản thân đồng bitcoin gây nên 2 mối nghi ngờ lớn: "Liệu rằng bitcoin có bền vững? Và đồng tiền này có phục vụ cho lợi ích chung?- Theo tôi câu trả lời là "không"", ông Tirole khẳng định.
Đối với câu hỏi về tính ổn định, bitcoin đơn thuần là một loại bong bóng tài sản và không có giá trị nội tại. Giá của đồng tiền này sẽ giảm xuống còn 0 USD nếu niềm tin của nhà đầu tư không còn. Trong lịch sử, thị trường đã chứng kiến nhiều cuộc đổ vỡ của các loại bong bóng tài sản từ bong bóng hoa tulip (những năm 1630) và bong bóng Biển Nam (năm 1720) đến hàng loạt các đợt bong bóng chứng khoán, bất động sản.
Không ai có thể khẳng định chắc nịch rằng bitcoin sẽ không đổ vỡ. Bitcoin cũng có thể trở thành một loại tài sản giống như vàng. "Tuy nhiên tôi sẽ không đánh cược điều này bằng việc lôi tiền tiết kiệm để mua bitcoin và tôi cũng không hy vọng các ngân hàng đổ tiền vào "canh bạc" này".
Giá trị xã hội của đồng bitcoin cũng chưa thực sự rõ ràng. Xét từ khía cạnh thu nhập từ việc phát hành từ tiền xu thì số tiền được phát hành phải đến tay người dân. Tuy nhiên, đối với trường hợp của bitcoin thì chỉ có một bộ phận nhà đầu tư hoặc "thợ đào bitcoin" mới sở hữu đồng tiền điện tử này.
Bitcoin có thể là giấc mơ của sự tự do (không bị quản lý bởi các nhà ngân hàng hay bất cứ cơ quan nào), tuy nhiên đây lại là vấn đề nhức nhối đối với các nhà hoạch định chính sách bởi bitcoin có thể trở thành công cụ rửa tiền và tránh thuế. Làm sao các ngân hàng trung ương có thể thực thi các chính sách phản chu kỳ (countercyclical policies) trong thế giới những người sở hữu tiền điện tử?
Cơn sốt ICO chắc không cần phải bàn cãi. Do không phải chịu sự quản lý từ cơ quan trung gian, ngân hàng, ICO phớt lờ nguyên tắc cơ bản của tài chính là cần phải có cơ quan trung gian tin cậy để theo dõi dự án.
Để có tiền cho các dự án, các công ty start-up sẽ phát hành token cho nhà đầu tư (giống như cổ phiếu). Tuy nhiên, không giống như cổ phiếu, nhà đầu tư hầu như không có quyền biểu quyết. Hơn thế nữa nếu trả cổ tức bằng token hơn là USD, lại một lần nữa, token trở thành một loại bong bóng, giá trị có thể giảm xuống còn 0 USD nếu công ty làm ăn thua lỗ.
Những tiến bộ công nghệ có thể cải thiện tốc độ giao dịch tài chính đều được hoan nghênh miễn là công nghệ đó không rời xa những nguyên tắc cơ bản của thị trường.